Sáng mãi đạo lý hướng về cội nguồn, “đền ơn, đáp nghĩa”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt và luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn Dân ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ. Với tấm lòng hướng về cội nguồn, “đền ơn, đáp nghĩa”, trong những ngày tháng 7 người dân trên khắp đất nước Việt Nam luôn tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền bối, anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hướng về cội nguồn - nét đặc trưng của văn hóa của người Việt Nam

Đạo lý cội nguồn là một trong những nét đẹp mang tính tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đạo lý cội nguồn đã trở thành chất kết dính của cộng đồng người Việt và đã góp phần to lớn trong việc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt vượt qua mọi nguy hiểm, đánh bại mọi kẻ thù của dân tộc để giành và bảo vệ nền độc lập của đất nước.

Con người có tổ có tông / Như cây có cội như sông có nguồn” - câu ca dao ấy luôn nhắc nhở mỗi người dân đất Việt hướng về nguồn cội của mình, nhớ đến nguồn gốc, biết ơn ông bà, tổ tiên của mình. Và ngay từ buổi lập quốc, truyền thống hướng về cội nguồn luôn là một trong những đức tính tốt đẹp, trở thành phương thức ứng xử của mỗi con người Việt Nam.

Đạo lý sống của người Việt luôn luôn hòa đồng, gắn kết không chỉ trong mối quan hệ ruột thịt mà bao gồm cả cộng đồng xã hội: “Đường đi cách bến đến cách sông / Muốn qua dòng nước nhờ ông lái đò”. Vượt lên tất cả, với người Việt, mối quan hệ hệ Nước - Nhà là mối quan hệ đặc biệt, Nước luôn luôn gắn với Nhà. Tự bao đời nay, mỗi người Việt Nam đều xác định trách nhiệm của mình với nước - “Nợ nước thù nhà”. Có lẽ ít có dân tộc nào trên thế giới, những người có công với nước, với dân lại được ghi nhận tôn thờ như chính bậc sinh thành của mình.

Thành ngữ có câu “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”. “Cha” ở đây là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (sinh vào khoảng cuối năm 1120, mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý 1300). Ông là người cầm quân ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông - 1258, 1285 và năm 1288 được phong chức Quốc Công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước. Tương truyền, sau khi mất ông hiện Thánh (Đức Thánh Trần) được thờ ở đền Kiếp Bạc (Hải Dương) Bảo Lộc, Yên Cư (Ninh Bình), Thành phố Hồ Chí Minh…;

“Mẹ” ở đây là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tương truyền, bà là công chúa Quỳnh Hoa, con của Ngọc Hoàng, vì làm vỡ chén ngọc nên bị đày xuống trần gian năm 1557; Công chúa đã đầu thai vào nhà họ Lê ở xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, Nam Định. Sau khi được về trời, bà lại xuống hạ giới để cứu giúp dân. Bà mất ngày 3 tháng 3 âm lịch, được sắc phong là Thượng đẳng tối linh Thần, được thờ ở Phủ Giầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng, đền Phố Cát (Thanh Hóa), đền Phủ Giầy (thành phố Hồ Chí Minh). Người Việt Nam tôn vinh Trần Hưng Đạo là cha, Liễu Hạnh là mẹ. Ngày giỗ của Trần Hưng Đạo và Liễu Hạnh đã trở thành lễ hội dân gian của người Việt Nam. Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, những anh hùng dân tộc, dù đã trải qua hàng ngàn năm, vẫn được tôn thờ, ghi nhớ công lao, trở thành “Thành hoàng làng” đang bảo vệ cuộc sống bình yên cho từng cộng đồng dân cư người Việt.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tháng 6/1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang trong thời kỳ gay go, ác liệt và trước bộn bề biết bao công việc của người đứng đầu đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nghĩ đến sự hy sinh oanh liệt của những người con của dân tộc trên các chiến trường, Người đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày thương binh - liệt sĩ, để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, ghi nhớ công ơn đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công lao với đất nước.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 6/1947 tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc, Nha thông tin tuyên truyền,... để nhất trí lấy ngày 27/7 hàng năm làm ngày Thương binh toàn quốc.

Nhân ngày 27/7/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi, trong đó nhấn mạnh: “Khi ngoại xâm ồ ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mạng, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hi sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hi sinh gia đình và tài sản của họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó những người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở trên chiến trường. Đó thương binh, đó là tử sĩ”.

Ghi nhận, biết ơn sự hy sinh xương máu của các thương binh, liệt sĩ, Nhà nước Cách mạng Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách pháp luật nhằm xác định trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội đối với thương binh gia đình liệt sĩ. Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên của nhà nước ta, quy định rõ chế độ chính sách, đồng thời khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ nhằm động viên, nêu cao tinh thần hi sinh của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.

Sau Đại thắng Mùa xuân 1975, ngày 8/7/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 223/CT-TW lấy ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ” của cả nước.

Ngày 29/8/1994, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, đã ban hành Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Cùng trong ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Tiếp đến, ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Sau khi các Pháp lệnh trên được ban hành, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định thi hành. Các Pháp lệnh trên đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ghi nhớ công lao hy sinh to lớn đối với những người đã hy sinh vì đất nước, Đảng và Nhà nước ta ngày càng hoàn thiện chính sách - chính sách pháp luật và chính sách xã hội để đền đáp sự hy sinh vô bờ bến của những người con dân tộc. Trong sự phát triển mới của đất nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đã được phát huy mạnh mẽ thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong toàn xã hội, thu hút mọi tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân tham gia một cách tích cực và tự giác.

“Đền ơn đáp nghĩa” đã thực sự trở thành một nét văn hóa mới, góp phần làm gia tăng giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam. Ghi nhớ, đền đáp công ơn đối với những người hi sinh vì nước, vì dân đã trở thành quy tắc, hành vi của mỗi con người Việt Nam, được điều chỉnh bằng quy phạm đạo đức. Ngày nay, quy tắc hành vi ấy - bên cạnh tiếp tục được điều chỉnh bằng quy phạm đạo đức, lại được điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật. Đây chính là một trong những nét mới của văn hóa pháp lý Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Đọc thêm