Trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được của UBTV Quốc hội ban hành 2003 đã nhấn mạnh các tổ chức, cá nhân, cơ quan “tham gia giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm để giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng”.
Tại Điều 14, về biện pháp kinh tế - xã hội trong phòng, chống mại dâm đã quy định: “Tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng. Nhà nước có chính sách, biện pháp khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng”.
Hay tại Điều 34 của Pháp lệnh cũng quy định rất rõ ràng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc chỉ đạo, xây dựng chương trình, nội dung giáo dục về phòng, chống mại dâm trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác.
Trong Luật giáo dục, về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, cũng quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng”.
Với các quy định đã viện dẫn thì việc bán dâm (trái pháp luật) không phải là một lý do để tước quyền học tập của công dân, nhất là người trẻ. Do vậy, dự thảo thông tư này đã đẩy người bán dâm, thậm chí họ là sinh viên ra khỏi môi trường học tập; đẩy họ bên lề của xã hội và thể hiện sự kỳ thị quá rõ ràng, thậm chí nặng nề hơn là nhục mạ con người.
Điều 69, Luật Giáo dục quy định các hành vi nhà giáo không được làm Nhà giáo không được có các hành vi sau đây: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”. Việc đong đếm cho rằng sinh viên “đi khách 4 lần bị đuổi học” là một quy định thô lỗ, xúc phạm mạnh mẽ tới quyền lợi con người và vi phạm nhân quyền. Nhưng đáng tiếc khi Bộ GD&ĐT đã đưa lên mạng lấy ý kiến tham khảo, rút xuống khi cộng đồng phản đối, Bộ trưởng Bộ GD vẫn trả lời cho rằng “lỗi ở cấp dưới chứ tôi không biết”.
Đại biểu Quốc hội khóa Bùi Thị An bày tỏ: “Trong việc ra quy định phản cảm, Bộ trưởng GD&ĐT phải chịu trách nhiệm”. Bà An nhấn mạnh các bộ, ngành, đặc biệt là ngành giáo dục cần chú trọng công tác tuyển dụng nhân sự là những người có trình độ, có tầm, có tâm để ngành không bao giờ mắc lỗi như vậy.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ: Về quy trình, cán bộ soạn thảo chịu trách nhiệm về khâu này, nhưng khi đã đưa lên mạng thì cần phải có sự chịu trách nhiệm của cấp quản lý. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của Quốc hội khi để quy định đó tồn tại suốt 10 năm qua.
"Đôi khi cán bộ soạn thảo có thể sơ suất nhưng cấp thẩm định, phê duyệt thì không thể để lỗi đó. Chỉ khi nào lãnh đạo công tâm, thẳng thắn, nhận trách nhiệm thì chúng ta mới sửa sai được”, ông Hùng nói.
Điều chúng tôi nghĩ, bán dâm không phải là việc làm được pháp luật chấp nhận nhưng việc đuổi học người bán dâm không phải là cách để ngăn chặn tệ nạn này mà chỉ gây phản tác dụng cho việc phòng chống mại dâm và cả việc phát triển giáo dục.