Tự tử vì không có tiền thách cưới
Mới đây, Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với Sở VHTT&DL Lạng Sơn đã tổ chức hội thảo “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội – thực trạng và giải pháp”. Những thông tin từ hội thảo cho thấy việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội để hướng tới một nếp sống văn minh lành mạnh đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể thấy một số phong tục bị biến tướng, thậm chí là hủ tục vẫn đang tồn tại tại nhiều vùng quê. Đơn cử như người Ê Đê ở Tây Nguyên có phong tục khi cưới vợ, cưới chồng cho con trai, con gái thì nhà đó phải làm cỗ mời cả làng đến dự và chứng kiến, nếu nhà nghèo thì dân làng sẽ đóng góp cho, hai bên nam nữ lấy nhau không đăng ký kết hôn tại UBND.
Những cuộc hôn nhân không tiến hành đúng nghi lễ này thì sẽ bị dân làng, dòng họ dùng luật tục để bắt phải tổ chức kết hôn lại. Hủ tục thách cưới khi về nhà chồng làm người phụ nữ phải lao động vất vả để trả nợ khiến cuộc sống rất khó khăn. Nhiều cặp đôi vì không tuân theo luật tục nên không được lấy nhau đã có phản ứng tiêu cực, thậm chí tự tử.
Còn theo tập tục của người Thái, hôn nhân của đôi vợ chồng chỉ được công nhận sau khi đã tổ chức nghi lễ cưới xin truyền thống. Để tổ chức nghi lễ này, nhà trai phải mang sang nhà gái “cống vật” bao gồm một lượng lớn thực phẩm, gia súc, rượu và một khoản tiền nhất định. Nếu nhà trai đáp ứng được những đòi hỏi này của nhà gái thì lúc đó cô dâu, chú rể mới chính thức trở thành vợ chồng.
Người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế quy định nhà trai muốn cưới phải tặng thông gia đủ 9 con vật 4 chân, ngoài ra còn vải thổ cẩm, cồng, chiêng, chiếu để thể hiện lòng thành. Cũng như người Tà Ôi, hiện nhiều dân tộc khác như Pa Cô, Cơ Tu… sinh sống ở các huyện miền núi A Lưới và Nam Đông vẫn chưa xóa bỏ được hủ tục thách cưới.
Bà Hồ Thị Môn, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim - A Lưới cho biết: “Mặc dù đã có phần giảm hơn trước nhưng hiện hủ tục thách cưới của đồng bào trên địa bàn vẫn còn nặng nề. Nhiều gia đình nhà trai vì quá nghèo, không sắm đủ lễ vật nên không được nhà gái gả con là chuyện đã trở nên bình thường”.
Bao nhiêu con cháu, “phơi xác” bấy nhiêu ngày
Cưới xin đã vậy, hủ tục đám ma ở một số địa phương còn nặng nề hơn. Mặc dù pháp luật quy định người chết sau 48 tiếng phải được gia đình, chính quyền đưa đi chôn cất nhưng ở một số vùng thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân vẫn còn giữ tập quán lưu thi hài người chết tại nhà nhiều ngày, tổ chức lễ lạt rình rang. Những đám tang kéo dài đến cả 2 tuần lễ này không chỉ lãng phí vật chất, thời gian mà còn “hành” cả những người thân của người đã chết, ảnh hưởng tới những người sống cùng xóm làng, khu phố.
Khi một người trong gia đình chết, người thân của họ vẫn coi như còn sống nên vẫn giữ lối sinh hoạt như thường ngày. Theo đó, mọi người vẫn đút cơm, nước vào miệng cho người chết trong nhiều ngày sau. Thêm vào đó, hàng ngày người quá cố còn được khiêng ra sân, đặt ngửa lên tấm ván để cho “ngắm” mặt trời, bất chấp mưa to hay nắng gắt, cứ đến hết ngày mới được đưa người chết vào nhà.
Hủ tục rùng rợn đó của người Mông đã tồn tại hàng thế kỷ trên bản Lung Tang thuộc xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Tùy vào người chết có bao nhiêu con, người nhà sẽ đem “phơi” người chết từng đó ngày.
Người Mông ở vùng rừng núi Tà Xùa giáp ranh giữa Phù Yên và Bắc Yên, Sơn La xưa kia thường đặt xác người chết trên giàn, treo lơ lửng vách nhà cả nửa tháng để làm ma. Sau từng ấy ngày làm ma, không hề có phương pháp bảo quản, ướp lạnh nên xác phân hủy nặng.
Giải thích về tập tục lưu giữ xác lâu ngày, ông Lý Sìa Sính - Trưởng xóm Khai Hoang 2, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang cho biết, trước đây đám ma người Mông để lâu vì quan niệm nhà có mấy người con phải để bằng đấy ngày. Một phần bởi họ muốn kéo dài thời gian cho con cháu, họ hàng ở xa về đưa tiễn lần cuối, một phần vì nếp nghĩ, phong tục truyền thống đã ăn sâu vào nhận thức nên chưa thể thay đổi ngay được…
Hủ tục, biến tướng trong việc cưới, việc tang và lễ hội nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường
“Bên cạnh những mặt tích cực, hiện vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu; diễn biến phức tạp trong tổ chức cưới, tang và lễ hội nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường đang có nguy cơ lan rộng, tác động không tốt đến tư tưởng, nếp sống của một bộ phận nhân dân, làm xói mòn những giá trị đạo đức và bản sắc của dân tộc.
Để thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh, các địa phương cần tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện quy ước, hương ước; cải tiến nghi lễ cưới, việc tang; tiếp tục ban hành văn bản trong việc hướng dẫn; tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện kiểm tra, chấn chỉnh việc cưới, việc tang và lễ hội; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đối với lĩnh vực này”. - Tiến sĩ Trịnh Thị Thuỷ, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ VHTT&DL.