Sắp chấm điểm học sinh tiểu học bằng lời
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD- ĐT TP.HCM) cho biết từ trước đến nay việc đánh giá học sinh luôn thay đổi theo đà tiến bộ của giáo dục hiện đại. Đặc biệt từ năm 1994 khi Bộ GD -ĐT thành lập Vụ giáo dục tiểu học thì sự thay đổi càng được thể hiện rõ.
|
Theo ông Điệp, bắt đầu từ thông tư 28 ngày 6/10/1990, Bộ GD-ĐT đánh giá học sinh bằng cách cho điểm, cộng điểm tất cả chia ra lấy điểm trung bình cộng mỗi tháng làm chuẩn để xếp hạng học sinh từ hạng cao nhất đến hạng chót.
Với cách đánh giá này, các trường đưa học sinh có điểm trung bình tháng cao lên bảng danh dự hạng nhất để tuyên dương, đồng thời công khai những học đứng hạng chót.
Cách đánh giá này về mặt tích cực đã tuyên dương học sinh giỏi hàng tháng và cả trong năm học, kích thích các em học tập đồng thời thúc đẩy học yếu kém ở hạng dưới thấp vươn lên. Nhưng ngược lại với cách đánh giá này, những học sinh học kém luôn bị áp lực từ việc học dẫn đến khủng hoảng.
Đến thông tư số 15 (tháng 8/1995) việc đánh giá học sinh bằng các lần kiểm tra học kỳ, cách tính điểm và xếp loại để khen thưởng. Cách đánh giá này bỏ việc xếp hạng trong lớp, hạn chế giáo viên cấy điểm vào sổ điểm cho đủ cột điểm hàng tháng, mở ra cho cách đánh giá từng môn học trở thành một cuộc cách mạng trong việc đánh giá học sinh nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập.
Đến năm 2000 Bộ GD-ĐT thí điểm đánh giá xếp loại học sinh tiểu học theo cách mới đó là kết hợp đánh giá định lượng và định tính. Cho điểm 1 số môn học và các môn học còn lại chỉ đánh giá bằng nhận xét.
Năm 2009, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 32 quy định về đánh giá xếp loại học sinh tiểu học. Đó là lấy kết quả kiểm tra cuối năm học làm cơ sở khen thưởng được lên lớp và hoàn thành tiểu học đối với hs lớp 5. Việc đánh giá này tồn tại cho đến nay.
Chúng ta biết rằng có 3 hình thức được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh là đánh giá bằng điểm số, đánh giá bằng nhận xét và đánh giá động viên.
Tại TP.HCM, từ năm học 2013-2014 sở đã có chủ trương đánh giá học sinh tiểu học bằng lời nói, việc đánh giá này nhận được sự ủng hộ của rất nhiều giáo viên và học sinh vì vậy việc Bộ GD-ĐT chủ trương đánh giá học sinh tiểu học bằng lời nói là hoàn hợp lý và cần được ủng hộ.
Cần tiêu chí cụ thể cho giáo viên
Theo ông Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, việc đánh giá bằng lời nói sẽ đi vào bản chất của vấn đề, đúng với thực chất giáo dục tiểu học uốn nắn các em học sinh.
Tuy rằng việc đánh giá này sẽ rất cực cho giáo viên, bởi thay vì trước đây giáo viên chỉ mất khoảng chừng 5-10 phút để đánh giá các em bằng những điểm số thì nay phải dành nhiều thời gian hơn.
Để thực hiện điều này, Bộ GD-ĐT cần đưa ra những tiêu chí cụ thể, ví dụ tiêu chí về chữ viết, nội dung, sự cẩn thận, sáng tạo để giáo viên đánh giá...và những đánh giá bao hàm được các tiêu chí này tránh trường hợp giáo viên nhận xét không sâu sát.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Điệp cũng cho rằng, trong giáo dục tiểu học hiện đại đều ghi nhận kết quả học sinh đạt hoặc chưa đạt với những nhận xét rất chi tiết, rõ ràng.
Ngoài ra, còn có hệ thống sổ sách khoa học. Ví dụ, sổ liên lạc có giới thiệu cho phụ huynh toàn bộ hệ thống giáo dục, mục tiêu giáo dục và quy định quản lý giáo dục cho đến sách vở và dụng cụ học tập nhưng đồng thời cũng cần quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm, bổn phận của gia đình đối với nhà trường và việc học tập của con em mình.
Ở nước ta, từ trước tới nay, việc đánh giá bằng điểm số, sử dụng những mức điểm khác nhau trên một thang điểm để thông báo kết quả học tập học sinh đồng thời quy vào chuẩn xếp loại như giỏi, khá, trung bình, yếu vốn đã quen thuộc với giáo viên cũng như cha mẹ học sinh.
Nếu triển khai đánh giá học sinh bằng nhận xét, Bộ GD-ĐT phải có kế hoạch triển khai theo hệ thống, đặc biệt đối với các giáo viên vốn chỉ quen với việc cho bằng điểm số thì chuyển sang đánh giá bằng nhận xét là một thách thức.
Việc đánh giá bằng nhận xét đòi hỏi giáo viên phải nắm được các hành vi của học sinh. Giáo viên phải bằng nhiều cách tìm ra chứng cứ thành công của học sinh trong quá trình phát triển để đưa ra nhận xét đúng đắn. Trong nhiều trường hợp cụ thể, giáo viên phải có biện pháp riêng để học sinh thể hiện chứng cứ. Hình thức này đòi hỏi giáo viên phải tốn nhiều công sức để nhận xét đúng kết quả học tập của học sinh và có tác dụng tích cực giúp học sinh và cha mẹ các em hiểu rõ năng lực học tập để rèn luyện và phát triển.
Để triển khai việc đánh giá bằng nhận xét cần có bảng hướng dẫn nhận xét tập hợp các tiêu chuẩn xem xét mẫu, nhận diện đặc điểm, phát biểu thảo luận về các mức độ khác nhau thực hiện mẫu, thực hành, tự đánh giá, giáo viên nhận xét cho các giáo viên.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng ngoài việc đánh giá khách quan, đánh giá động viên (đánh giá bằng nhận xét để khuyến khích) tạo cảm xúc cho học sinh, giúp các em phấn đấu, cố gắng cao hơn, loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, lãng phí của học sinh cần được chú ý.
Theo ông Điệp “nếu chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét khi giáo viên chưa được hướng dẫn và có bảng nhận xét để làm công cụ là sự vội vàng mang tính tình thế. Mọi sự vội vàng trong đánh giá của giáo dục dễ dẫn đến sai lệch ảnh hưởng tâm lý và tính cách của trẻ và cha mẹ các em khi nhìn nhận năng lực thật sự”.