Sau mưa lớn, cột điện không thấy lõi sắt gãy giữa đường Đà Nẵng

(PLVN) - Sáng ngày 18/9, Đà Nẵng xuất hiện mưa lớn, gió giật mạnh, một số cây xanh và trụ điện đã đổ ngã. Một trụ điện ở phố Tôn Đản bị gãy mà không thấy lõi sắt bên trong khiến cư dân mạng xôn xao.
Trụ điện bị đổ không thấy lõi sắt bên trong.
Trụ điện bị đổ không thấy lõi sắt bên trong.

Vào lúc 9h cùng ngày, PV có mặt tại đường Tôn Đản, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ ghi nhận sự việc cây xanh và cột điện gãy đổ.

Cây xanh và trụ điện bị gãy đổ sau mưa lớn.
 Cây xanh và trụ điện bị gãy đổ sau mưa lớn.

Trước nhà 102 Tôn Đản, một cột điện gãy ngang mà theo quan sát cột điện này không có lõi sắt như thông thường. Sự việc xảy ra khiến nhiều người dân hiếu kì tập trung khiến cơ quan chức năng phải ngăn dây cấm vào vì sự an toàn.

Cận cảnh trụ điện bị gãy đổ không có lõi sắt bên trong.
 Cận cảnh trụ điện bị gãy đổ không có lõi sắt bên trong.

Tại hiện trường vụ việc có công an và điện lực Liên Chiểu đang xử lý.

Trao đổi với PV về vụ việc, ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Điện lực Liên Chiểu cho biết: “Hiện đơn vị đang có người khắc phục sự cố tại hiện trường, còn trụ điện gãy như nào hiện tại tôi không ở hiện trường nên chưa thể trả lời cụ thể được”.

Hình ảnh cột điện gẫy trên được chia sẻ trên facebook khiến cư dân mạng xôn xao.

Trước nghi vấn về chất lượng cột điện, có người đăng tải nội dung cho biết, từng được nhiều kỹ sư chia sẻ về chuyên môn, nên giải thích: cột điện bị gãy trên đã sử dụng công nghệ bê tông li tâm dự ứng lực. Có nghĩa là trụ thiết kế không cần nhiều sắt mà chỉ là các sợi cáp thường là thép (từ 6-8 cọng/trụ). 

Trước khi đúc trụ, các sợi cáp được kéo căng ứng suất theo đúng quy chuẩn kỹ thuật đo cho phép. Cường độ của sợi cáp khoảng 14.000 và sử dụng bê tông đúc mác từ 500-800 tùy theo yêu cầu đối với từng khu vực chôn trụ như thời tiết, địa hình... Công nghệ đúc trụ mới này có độ chịu nén cao hơn rất nhiều, đồng thời có lõi thép rất cứng bên trong, gấp rất nhiều lần lõi sắt tròn hay sắt rằn.

"Sợi cáp dùng cho loại trụ điện này không giống như cáp lụa dùng trong cẩu, kéo mà chúng ta hay thấy. Nhiều anh chị nhìn trụ điện gãy ngang nói như thế là không nên, có người bảo sao không đúc nhiều sắt vào. Hay là bòn mất sắt...", người này viết.

Cũng theo người này, trụ đúc theo công nghệ ly tâm là tốt, nhưng có lẽ nó không phù hợp với khu vực miền Trung có quá nhiều bất lợi về thời tiết, nhất là mỗi năm có ít nhất 3 tháng thường có bão, lốc. "Trụ bê tông ly tâm dự ứng lực không được sử dụng cho những vị trí xung yếu như góc, néo... Thế nên ngành điện nên thay đổi ý tưởng và tìm giải pháp mới cho trụ điện ở vùng có thời tiết phức tạp như miền Trung", người này đề xuất.

Đêm 17/9, Đà Nẵng đã sơ tán nhân dân ở các quận, huyện cho 10.194 người (trong đó, quận Thanh Khê có 695 người; quận Sơn Trà là 4.688 người; quận Liên Chiểu 3.334 người; quận Cẩm Lệ 908 người; huyện Hòa Vang 1.156 người).

Đọc thêm