Cánh đồng trồng dưa hấu xanh tốt cách đây một tuần đang là niềm hi vọng cho người dân tại huyện Diễn Châu, tuy nhiên những cơn mưa nặng hạt kéo dài trong nhiều ngày qua đã biến nó thành một biển nước trắng. Sau khi nước rút đi, những chủ ruộng dưa ra cánh đồng của mình thì chỉ còn lại những dây dưa héo úa, những quả dưa bắt đầu hư hỏng, thối rữa sau nhiều ngày bị ngâm nước.
Nuốt nước mắt nhìn bãi dưa thành bãi rác, tiếc của, nhiều người dân xã Diễn Thành đành ra ruộng nhặt những quả dưa còn chưa bị thối nát đem về chặt nhỏ để làm thức ăn cho trâu bò.
|
Những gốc dưa thối rục do ngâm nước và những quả dưa còn sót lại |
Gia đình ông Hồ Công Đức (trú xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu) cho biết, gia đình đầu tư hơn hai sào dưa với hi vọng sẽ có một phần thu nhập, theo giá dưa và năng suất như hiện nay thì dự kiến có thể kiếm được khoảng 20 triệu đồng. Chỉ còn ít ngày nữa, những quả dưa này sẽ được nhập cho thương lái mang vào chợ Vinh bán, nhưng chưa kịp thu hoạch thì dưa đã hư hỏng.
|
Nông dân vớt vát những quả dưa còn dùng được |
Dưa năng suất cao, quả nhiều nên một gia đình có một hai con trâu bò ăn cũng không thể hết, do đó đa số dưa vẫn được để trên bãi thối rữa dần. “Nếu trời nắng thêm 5 ngày đến 1 tuần thì nông dân chúng tôi còn vớt vát được ít nhiều. Tiếc đứt ruột mà không biết làm gì cho hết tiếc”, một chủ vườn dưa xót xa.
Trước khi mưa ngập, những người trồng dưa chỉ kịp đưa những quả dưa lớn đặt trên chỗ đất cao để tránh tiếp xúc với nước. Thế nhưng nước đã ngập trắng cả ruộng dưa. Một hộ trồng dưa nói, nếu trước đó giá dưa ngoài chợ mỗi kilogam khoảng 6.000 đồng, bây giờ bán dưa non 2.000 đồng cũng không ai mua. Theo tính toán, với giá dưa như năm nay giao động từ 5.500 đồng – 6.000 đồng/kg thì mỗi dưa hấu có thể cho thu nhập từ 9 – 10 triệu đồng.
|
Ruộng dưa mênh mông giờ không còn thu hoạch được |
|
Người dân méo mặt với mùa dưa năm nay |
Ảnh hưởng của mưa lớn cũng gây ra lũ quét dẫn đến sạt lở đất các huyện miền núi, các địa phương đã triển khai kế hoạch di dời ở các vùng thấp trũng, cửa sông, ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất với 3.680 hộ/ 15.913 người, chủ yếu di dời tại chỗ.
Trong đó, Huyện Quế Phong cưỡng chế di dời 36 hộ thuộc các xã Thông Thụ, Hạnh Dịch, Châu Thôn, Nậm Nhoong… nằm ven sông Chu, các nhánh sông, sườn núi; Tương Dương di dời 9 hộ dân, Quỳ Châu có 35 người thuộc xã Châu Bính đi rừng bị nước lũ dâng cao không về nhà được, đến nay 18 người đã về nhà, còn 17 người khác vẫn đang ở lại làm việc. Huyện Kỳ Sơn có 18 hộ dân bị sạt lở đất, phải di dời…
|
Tận dụng làm thức ăn cho bò |
Thiệt hại tính đến hết chiều ngày 21/7, toàn tỉnh có 1 người bị thương, 1.369 nhà bị ngập, đến nay còn khoảng 300 nhà tại huyện Yên Thành đang bị ngập. 17 ngôi nhà bị sập, 2 nhà bị nước cuốn trôi, 69 ngôi nhà bị hư hỏng, sạt lở, 8 nhà bị tốc mái…
Hơn 28.388 ha lúa bị ngập nước, 7.571 ha hoa màu bị ngập, 44 con gia súc, 7.027 con gia cầm bị chết, hơn 44,125km đường bị sạt lở, 35 cầu tràn bị hư hỏng, cuốn trôi… 179 cột điện bị đổ gãy, sét đánh một hệ thống truyền thanh cháy hư hỏng… Ước tính mưa lũ đã làm thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 630 tỷ đồng.
|
Lũ chia cắt nhiều bản làng ở Quế Phong |
|
Lũ trên sông đe dọa trường học tại Kỳ Sơn |
|
Móng nhà nằm bên mép sông có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào |
Mưa lớn khiến nước từ các khe suối dồn về nhanh đã cuốn trôi dãy nhà công vụ (5 phòng) của trường Tiểu học Mường Ải, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), sạt lở nghiêm trọng và nguy cơ đe dọa đến 3 phòng học khác.
|
Lũ cuốn trôi nhiều cầu đường |
|
Nước sông đe dọa nhiều nhà dân tại Kỳ Sơn |
|
Điểm trường học tại bản Na Lỳ, xã Mường Típ chực chờ bên miệng hà bá |
Rất may thời điểm xảy ra sạt lở Đồn biên phòng Mường Típ đã kịp thời có mặt sơ tán học sinh và giáo viên, cũng như di chuyển các vật dụng thiết yếu của nhà trường đến nơi an toàn. Hiện nay, mưa lớn tiếp tục diễn ra tại miền núi phía Tây Nghệ An khiến nước trên thượng nguồn đổ về, một vài tuyến đường bị ngập nước khiến giao thông gặp nhiều khó khăn.