Sẽ có trạm rửa xe tự động tại các cửa ngõ ra vào trung tâm Hà Nội

(PLO) - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã cho biết như vậy bên lề Hội thảo “Theo dõi và quản lý chất lượng không khí ở Hà Nội: Kinh nghiệm, thách thức và định hướng cho tương lai” do Cơ quan Phát triển pháp (AFD) phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội phối hợp tổ chức sáng 19/10. 
Không khí tại Hà Nội đang bị ô nhiễm.
Không khí tại Hà Nội đang bị ô nhiễm.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo 

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, thời gian qua, các trục đường giao thông và các khu vực xây dựng trên địa bàn thành phố đều bị ô nhiễm nặng về benzen và tiếng ồn. Trong đó, theo kết quả quan trắc giai đoạn 2011-2014 và các năm 2015, 2016 thì tại hầu hết các trục đường giao thông đều có hàm lượng benzen vượt QCVN 06 từ 1,2 đến 2,5 lần và độ ồn vượt QCVN. Các vị trí có nồng độ chất ô nhiễm cao được xác định bao gồm Bến xe Mỹ Đình, ngã tư Cổ Nhuế, Bến xe Nước Ngầm, Bến xe Giáp Bát… 

Tại các khu, cụm công nghiệp, chất lượng không khí qua các năm đạt từ trung bình đến tốt và có xu hướng được cải thiện theo thời gian nhưng chất lượng không khí tại các làng nghề lại hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn, bị ô nhiễm bụi, ô nhiễm benzen. Đặc biệt, các khu dân cư, bao gồm ở các phường và các xã, thị trấn có chất lượng không khí mới chỉ đạt mức kém đến trung bình.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô được xác định là do tốc độ đô thị hóa nhanh, xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ dẫn tới ô nhiễm môi trường cục bộ ở nhiều nơi, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Việc lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông quá lớn so với sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật; một số phương tiện quá cũ, hết niên hạn sử dụng; chủ đầu tư chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường… cũng là những nguyên nhân khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. 

Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cũng khẳng định việc kiểm soát ô nhiễm tại thành phố hiện chưa đạt yêu cầu do thiếu công cụ hỗ trợ khi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chồng chéo và nhiều bất cập. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn còn thiếu. Bên cạnh đó, tính hiệu quả, hiệu lực thực thi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về môi trường còn chưa cao; sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, các ngành còn chưa quyết liệt. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp cũng còn là điều đáng bàn. Việc xã hội hóa và huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Đề nghị chính quyền cơ sở xử lý nghiêm vi phạm 

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, theo Sở TN&MT Hà Nội, thành phố sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng các cơ chế chính sách quản lý, xử lý ô nhiễm không khí, kiểm soát chặt các biện pháp bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng thêm các trạm quan trắc, trồng cây xanh, tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, bên lề Hội thảo, ông Đông cho biết Hà Nội cũng sẽ đầu tư các trạm rửa xe tự động tại các cửa ngõ ra vào trung tâm. “Các xe vào thành phố phải đảm bảo được rửa sạch không gây bụi. Nguồn vốn đầu tư xây dựng các trạm rửa xe tự động này sẽ từ nguồn xã hội hóa”, ông Nguyễn Trọng Đông thông tin. Cho rằng mức độ xử phạt đối với các hành vi vi phạm về môi trường, bao gồm cả với người dân và tổ chức, hiện đều đã đủ sức răn đe, “chỉ có điều có làm nghiêm hay không”, tới đây, theo ông Đông thành phố cũng đề nghị chính quyền các cấp cơ sở xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Fabrice Richy Giám đốc AFD Việt Nam cho biết, việc có được các nghiên cứu khoa học và kết quả đo đạc chính xác là rất cần thiết nhưng trên cơ sở các nghiên cứu và đánh giá đó phải đưa ra được một kế hoạch hành động cụ thể để khắc phục và triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đó. “Hà Nội mới bắt đầu con đường rất dài.

Các biện pháp đã được triển khai một cách tích cực nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, trên nhiều phương diện như trồng cây xanh, cải thiện các vấn đề về giao thông, giảm phát thải trong hoạt động của con người… Trong tập hợp các giải pháp đó, có một vấn đề rất quan trọng liên quan đến thể chế, đến các quy định của pháp luật. Vì thế, phải có sự cải thiện những quy định của pháp luật bao gồm cả cấp quốc gia, địa phương và người dân”, ông Richy nói.

Đọc thêm