Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ ban hành Nghị định 138 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, Bộ đang rà soát xây dựng các văn bản, trong đó có quy chế đào tạo theo tinh thần Luật 34, Nghị định 99 là quy chế tuyển sinh, quy chế quản lý ĐH; quy chế tuyển sinh thạc sĩ và tiến sĩ.
Việc này để tạo ra hành lang pháp lý mạch lạc, bớt quy định mang tính hành chính, riêng lẻ từng vấn đề. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định Luật số 34 mở rộng quyền tự chủ của các trường rất cao, trong đó gắn chặt trách nhiệm giải trình.
Đối với những cơ sở GD-ĐH vi phạm, Bộ sẽ phối hợp cùng Bộ Công an xử lý nghiêm, để từng bước khắc phục tình trạng một số trường chất lượng kém, chất lượng không bảo đảm nhưng lại thực hiện việc đào tạo.
Liên quan đến đào tạo và cấp văn bằng 2 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Công an xử lý rất nghiêm vấn đề này. Sẽ yêu cầu các trường phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu công khai, công khai hồ sơ sinh viên, công khai kết quả tốt nghiệp... để Bộ GD-ĐT và cơ quan khác giám sát. Điều này sẽ khắc phục tình trạng bằng giả…
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong giai đoạn tới, cơ sở GDĐH nào bắt nhịp nhanh, có thể biến thách thức thành cơ hội sẽ thay đổi được thứ hạng. Trường nào “ngủ quên trong quá khứ”, không đổi mới mạnh mẽ sẽ “mờ” đi so với các trường ĐH mới.
Theo Bộ trưởng, một cơ sở giáo dục có vị thế cao hay không, phải căn cứ vào sản phẩm đầu ra chứ không phải tiềm năng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm định và kiểm tra giám sát các cơ sở GDĐH thực hiện kiểm định chất lượng, đảm bảo chất lượng. Qua đó người học sẽ chọn được chính xác trường có chất lượng. Những trường không đảm bảo chất lượng, chất lượng kém chắc chắn thí sinh không lựa chọn, khả năng giải thể cao.
“Đối với những cơ sở GDĐH vi phạm, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp cùng Bộ Công an xử lý nghiêm, để từng bước khắc phục tình trạng một số trường chất lượng kém, chất lượng không đảm bảo nhưng lại thực hiện đào tạo. Đồng thời, yêu cầu các trường phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu công khai, công khai hồ sơ sinh viên, công khai kết quả tốt nghiệp,... để Bộ GD-ĐT và cơ quan khác giám sát.
Ví dụ như đối với văn bằng chứng chỉ, việc công khai dữ liệu để người sử dụng lao động, người học,... đều biết. Điều này sẽ khắc phục tình trạng bằng giả, bởi chỉ cần tra cứu trên cơ sở dữ liệu là sẽ tìm thấy ngay”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân tích thêm.
Thanh tra Bộ là đầu mối, tăng cường hơn nữa vai trò trong quá trình quản lý. Trước đây, công tác thanh tra có “chỗ này, chỗ kia” nên nhiều góc khuất chưa được phơi bày. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân mỗi cơ sở GDĐH phải tự sắp xếp, điều chỉnh trước khi thanh tra Bộ vào cuộc…