Ngày nay, các hậu duệ dòng họ Bùi Huy mong muốn cơ quan chức năng, ngành văn hóa sớm phục dựng không gian văn hóa của Văn Chỉ Thọ Xương, phát huy bảo tồn giá trị văn hóa của di tích gần 200 năm tuổi này.
Cúng dường tôn tạo nhiều Đình, Đền
Theo gia phả họ Bùi thì ông tổ đầu tiên là cụ Bùi Văn Mạo, người làng Phất Lộc, Đông Quan, phủ Thái Bình,Tỉnh Nam Định (nay là làng Phất Lộc, xã Thái Giang,huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) lên Thăng Long, vào học trường Giám năm Đinh Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1717).
Cụ ở lại lập nghiệp tại phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Con cháu phát triển trở thành một dòng họ lớn ở Thăng Long. Ông thuộc thế hệ thứ 11, tính từ thủy tổ ở Thái Bình.
Đến thế hệ thứ 14, dòng họ Bùi có nhân vật nổi tiếng về công việc từ thiện đó là Bùi Huy Tùng (1794-1862) hiệu là Như Trai, tự là Tú Lĩnh. Theo nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc, ông Bùi Huy Tùng là người hiếu học, quảng bác, luôn giữ lễ nghi, trọng nhân nghĩa, khoan hòa. Ông mở trường dạy học tại ngõ Phất Lộc (Hà Nội).
Được bà vợ Cao Thị Tính tần tảo đảm đang buôn bán giỏi nên tư gia khá giả. Là người thương dân nghèo, ông bà luôn làm những việc từ thiện, cúng dường công đức, đặc biệt với các di tích lịch sử Đình, Đền. Ông bà đã cung tiến hàng ngàn quan tiền để xây dựng, tôn tạo Văn chỉ Thọ Xương.
Ông Bùi Huy Ánh - hậu duệ đời thứ 18 chi Bính- dòng họ Bùi Huy Phất Lộc- Thăng Long Hà Nội cho hay, Văn Chỉ Thọ Xương được khởi dựng vào niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (năm 1836), nơi đây thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền, khoa bảng của huyện Thọ Xương; Các vị tiền nhân có công lao đóng góp cho Thọ Xương. Văn Chỉ hiện tọa lạc tại ngõ 222 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Các tài liệu sử học ghi chép, trong bối cảnh Triều đình nhà Nguyễn di dời Kinh đô và xây dựng Quốc Tử Giám tại Huế, việc xây dựng Văn Chỉ Thọ Xương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Cố đô Thăng Long.
Thời điểm đó, các sĩ phu Thăng Long là Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng cùng các danh sĩ đương thời như Tiến sĩ Vũ Tông Phan, Tiến sĩ Lê Duy Trung, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, phó bảng Nguyễn Văn Siêu, Cử nhân Cao Bá Quát…đã lập nên Văn hội Thọ Xương (năm 1832) và lấy Văn Chỉ làm trụ sở.
Trong đó, Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng là người ủng hộ phần lớn kinh phí và đứng ra trông nom toàn bộ công việc đến khi hoàn thành Văn chỉ Thọ Xương năm Minh Mạng 18 (1838).
Trong bài văn bia do đệ tam tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1832) Trung thuận Đại phu, Lang trung Bộ lại Nguyễn Văn Lý bái soạn có đoạn ca ngợi công đức của ông Bùi Huy Tùng: “Xưa kia đã có đền thờ, nhưng trải qua cơn biến loạn, đền cũ không còn.
Bia Thọ Xương. |
Năm Nhâm Thìn- 1832, bọn thân sĩ chúng ta cảm kích nhớ tới đạo đức phẩm chất các vị tiên hiền nên bàn cách khiến cho được lưu truyền mãi, tham khảo quy chế phụng thờ, ghi thành ước lệ. Qua năm Bính Thân 1836, các thân sĩ đem ý định đó bàn với vị Tiến sĩ khoa Bính Tuất là Vũ Hoán Phủ (Vũ Tông Phan) rồi chọn nơi làm đền thờ ở phường Hồng Mai, phía Nam huyện.
Đền chính xây tòa gạch, mặt hướng về phương Đông. Năm gian bái đường, nhà bên tả và bên hữu đều lợp ngói, cột phía ngoài và tường xung quanh đều xây gạch. Khoảng giữa trồng hoa, lại đặt thêm ruộng tế và ao, tất cả 8 mẫu, 7 sào, 10 thước. Quy chế trăm ngàn năm, chỉ có vài năm mà hoàn thành.
Ôi việc tốt đẹp của danh giáo được mở ra rồi chăng? Nếu không, sao lại hưng thịnh được như vậy? Ngay từ ban đầu khi thân sĩ đề xướng ra thì ông Bùi Huy Tùng, người Phường Hà Khẩu thuộc bản huyện đã vui lòng xuất của tư gia hàng ngàn quan tiến cúng vào đó, lại tự mình trông nom mọi việc từ đầu tới cuối…’’.
Ông Bùi Huy Tùng còn đứng ra cáng đáng việc tu bổ Đình Phất Lộc, nay là số nhà 46 ngõ Phất Lộc. Ngoài ra, Tú Lĩnh còn góp công sức, tiền bạc của mình để tu bổ một số di tích khác như: Đình Xã Đàn, Đình Văn Quán (thị xã Hà Đông), Đình Kim Bài (Thanh Oai- Hà Nội)…
Ngoài ra, ít ai biết rằng Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng còn là người có đóng góp đáng kể trong việc nghiên cứu các cửa ô Hà Nội. Là một học giả Hán Nôm, ông đã có 7 tác phẩm với trên 2000 trang viết và minh họa, lưu giữ trong “Bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục Đề yếu” do hai tác giả Francois và Trần Nghĩa ở Viện Hán Nôm đồng chủ biên từng lưu giữ tại Viện Viễn Đông Bác cổ.
Đó là tác phẩm: Âm chất Văn (1830); Ngũ luân ký (1830); Tứ lễ lược tập (1839); Thọ Xương huyện Triệu tự lệ (1844); Khuyết lý hợp toản (1846); Cức vi khuyên giới đoạt mệnh lục hợp biên (1853), Hạ thọ thi tập (1895)….
Trong đó nổi bật nhất là tác phẩm “Tứ lễ lược tập”- một công trình nghiên cứu đồ sộ với 790 trang sách góp phần phát triển ngành Gia lễ học Việt Nam. Theo Thạc sĩ Lê Phương Duy, để cho ra đời tác phẩm trên, tác giả đã nghiên cứu trích dẫn nguồn tư liệu tham khảo của hệ thống tư liệu gia lễ Trung Quốc với 115 tác phẩm của các tác giả đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh.
Chính vì vậy mà các danh sĩ đương thời đã đánh giá cao giá trị của tác phẩm. Năm 1841 niên hiệu Thiệu Trị 1, ông Nghè Đông Tác- Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý đã đọc và đề tựa cho tác phẩm “Tú lễ lược tập”. Tất cả các sách trên đều được cho khắc in ở nhà sách đặt tại Như Nguyệt đường do ông chú là Bùi Huy Đoàn sáng lập đặt tại Văn Chỉ Thọ Xương.
Nối chí cha, các con Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng lớn lên đều trở thành những người có ích cho đời. Con cả là Huy Tuyên đỗ cử nhân khoa Tân Sửu 1841; con thứ hai là Huy Luyện- dạy học, con thứ ba là Huy Thiều - cư sĩ, con thứ tư là Huy Tảo – thầy thuốc cứu người.
Cần phát huy Văn Chỉ Thọ Xương
Ông Bùi Huy Tùng được ghi nhận công lao trên bia đá “Thọ Xương tiên hiền Từ Vũ Bi Ký - 1838” hiện đặt trong Văn Chỉ. Cũng như các danh sĩ đương thời, cụ Tú Lĩnh đã được vinh danh trong ấn phẩm “Danh nhân Hà Nội” do cố GS Vũ Khiêu chủ biên, xuất bản nhân dịp Đại lễ 1000 nămThăng Long- Hà Nội năm 2010.
Với tất cả các giá trị nghệ thuật- văn hóa, vào ngày 26/01/2006, Văn Chỉ Thọ Xương đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa số 595/QĐ- UB. Ngày 9/7/2013 UBND Quận Hai Bà Trưng phê duyệt dự án cải tạo “Văn Chỉ Thọ Xương quyết định số: 2891/QĐ- UBND với quy mô đầu tư của dự án tu bổ tổng thể di tích Văn Chỉ, thực hiện phòng chống mối mọt và phòng cháy, chữa cháy; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, sân, cổng di tích. Lắp dựng lại tấm bia cổ năm 2 tấn về vị trí cũ.
Thế nhưng đến nay, việc phục dựng lại không gian văn hóa thờ phụng vẫn rất cần phải hoàn thiện như: Các ban thờ, bài vị, hoành phi, câu đối trước đây đã bị thất lạc, mất mát. Đặc biệt, bảng Tiên hiền ghi danh các vị khoa bảng Thọ Xương vốn được giữ tại Đền Ngọc Sơn cũng cần tìm lại hoặc phục chế trên cơ sở các tư liệu được lưu giữ, hoặc bổ sung các bản dịch chữ quốc ngữ nội dung bia đá cổ, nội dung bản Tiên hiền đã được nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán và nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi dịch thuật.
Văn Chỉ Thọ Xương |
Các hậu duệ dòng họ Bùi Huy Phất Lộc mong muốn các cơ quan chức năng, ngành văn hóa sớm phục dựng không gian văn hóa của Văn Chỉ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ; các phong trào dạy tốt, học tốt và tổ chức tôn vinh tại Văn Chỉ những tấm gương tiêu biểu đạt thành tích, kết quả cao trong học tập, trong công việc nhằm khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân học tập, rèn luyện và nâng cao thể lực, trí lực… đưa Văn Chỉ Thọ Xương vào khai thác sử dụng đúng với mục đích, ý nghĩa từ khi khởi dựng.
Đồng thời, ông Bùi Huy Ánh - hậu duệ đời thứ 18 chi Bính cũng đề xuất nguyện vọng của dòng họ là phục hồi nơi phối thờ cụ Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng mà các bậc danh sĩ đương thời đã lập sau khi cụ qua đời năm 1862.