Siết chặt thanh, kiểm tra cơ sở cung cấp dịch vụ cho trẻ em

(PLVN) - Ông Đặng Hoa Nam (ảnh) - Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vụ việc xảy ra ở Trung tâm Tâm Việt là một sự việc đáng tiếc. 
Siết chặt thanh, kiểm tra cơ sở cung cấp dịch vụ cho trẻ em

Trong đó có nguyên nhân từ việc chúng ta chưa có những hướng dẫn, quy định một cách chi tiết, cụ thể đối với các cơ sở, đặc biệt là cơ sở ngoài công lập khi mà xã hội muốn cung cấp các dịch vụ cho trẻ em. Nguyên nhân nữa đến từ trách nhiệm kiểm tra, thanh tra để phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Về góc độ cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan có liên quan như Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT cần ban hành những quy định về tiêu chuẩn cụ thể về việc thành lập hoạt động và phải tăng cường các quản lý thanh tra, kiểm tra những cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến trẻ em, đặc biệt liên quan đến bảo vệ trẻ em cho những đối tượng trẻ em khuyết tật.

Bên cạnh đó, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra này thuộc về các cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện những sai sót về điều kiện thành lập, điều kiện hoạt động cũng như việc cung cấp dịch vụ cho các đối tượng trẻ em. 

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào lực lượng thanh tra thì chúng ta không đủ người để giám sát tất cả những người cung cấp các dịch vụ cho trẻ em rất phong phú hiện nay. Tôi nghĩ rằng chính sách Nhà nước một mặt phải khuyến khích các tổ chức xã hội, khuyến khích tư nhân tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ bảo trợ trẻ em, một mặt cần phải xây dựng các quy chuẩn chuẩn mực, làm cơ sở để hướng dẫn, xử lý các cơ sở cung cấp dịch vụ mà có dấu hiệu vi phạm. Vấn đề nữa là cần phát huy sự vào cuộc sớm của xã hội, của người dân, các cơ quan báo chí. 

Vấn đề trẻ em tự kỷ, trẻ em có những rối nhiễu sang chấn tâm lý là một vấn đề mà hiện nay xã hội rất quan tâm thì chúng ta mới có những chính sách liên quan về trẻ em khuyết tật về tâm thần nhưng mà các dịch vụ kèm theo thì mới ở mức dành cho các đối tượng rất nặng như bệnh viện tâm thần, trung tâm bảo trợ xã hội… Tuy nhiên về mặt khoa học, quản lý cần có phân loại, xác định được mức khuyết tật của trẻ em, nhất là tâm thần. 

Cho nên những biểu hiện rối nhiễu về tự kỷ, trầm cảm thì từ phía gia đình, phía xã hội người ta cũng cần có những chuẩn mực về cái chẩn đoán, phác đồ điều trị cũng như những chính sách hỗ trợ. Tôi cho rằng cái này cần có nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là của y tế trong việc đưa ra những tiêu chuẩn trong việc xác định mức độ khuyết tật của các đối tượng trẻ em này.

Trong các cuộc họp của Ủy ban quốc gia về trẻ em, lãnh đạo Ủy ban đã giao nhiệm vụ này cho ngành Y tế để từ đó trên cơ sở phân loại xác định mức độ khuyết tật thì ngành LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp. 

Nhà nghiên cứu Eric Rosenthal trong một báo cáo cho UNICEF về Quyền của trẻ em khuyết tật tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, bằng việc ký Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện mong muốn điều chỉnh xã hội để đáp ứng nhu cầu tiếp cận cơ hội và quyền công dân của người khuyết tật.

Ở Việt Nam, một số trung tâm chuyên biệt vẫn tách người khuyết tật ra khỏi gia đình, cộng đồng. Điều này đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới về chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cuộc sống.

Anh Ngô Bạch Dương, nghiên cứu viên tại Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết: “Việc tách con tự kỷ trong độ tuổi vị thành niên sống xa cha mẹ là một thiệt thòi lớn cho các cháu. Ở phương Tây, người ta đã hạn chế và tiến tới xóa bỏ hình thức tách người khuyết tật ra khỏi gia đình từ nhiều chục năm nay.

Các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng sống cùng gia đình và cộng đồng có lợi về tinh thần, kỹ năng của người khuyết tật nói chung và người tự kỷ nói riêng”. (Theo Vietnamnet)

Khuyết tật không phải là lỗi của các em

Cô Nguyễn Thị Minh Nga – Trường Tiểu học Vân Từ, huyện Phú Xuyên: Bản thân các em không có lỗi gì cả, nhiều em khuyết tật có những tài năng đặc biệt mà chỉ khi thực sự đồng hành với trẻ ta mới nhận ra những khả năng đó.

Tôi chỉ mong xã hội hãy nhìn các em bằng cái nhìn bình thường, để các em có thể trở thành người bình thường. Nhưng thật sự thương thì chưa đủ mà cái tôi đang rất cần là những phương pháp giáo dục chuyên biệt cho các em học sinh KTTT. 

Tôi vẫn tham khảo các phương pháp dạy trẻ KTTT trên mạng, đài báo nhưng tôi nghĩ vẫn chưa đủ mà giáo dục trẻ KTTT cần rất nhiều nhân tố từ gia đình cho đến thầy cô, bạn bè, các chính sách hỗ trợ và cộng đồng người dân.

Tôi nghĩ với các học sinh KTTT khi học hòa nhập thì cần được hoà nhập đầy đủ vào các chương trình và hoạt động của nhà trường. Các trẻ KTTT khi học tập tại trường thì cần có kế hoạch hỗ trợ riêng cho từng em để có nhận thấy sự phát triển của từng em và có thể điều chỉnh cho phù hợp. 

Hiện tại, các chương trình giáo dục phổ thông thì những trẻ KTTT nặng rất khó theo kịp. Các bạn học sinh khuyết tật, nếu có thể theo kịp thì chỉ là những bạn bị thể KTTT nhẹ cũng như có sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và thầy cô. 

H.Minh (tổng hợp)

Đọc thêm