Sổ hộ khẩu giấy sẽ chỉ còn trong hoài niệm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu và đến ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức không còn tồn tại sau hơn 60 năm. Với nhiều người, bỏ sổ hộ khẩu giấy là bao bồi hồi, xúc động, bởi đồng nghĩa với việc, những người thân trong gia đình không còn chung một cuốn sổ nữa. Và bởi bao thăng trầm cùng cuốn sổ như “báu vật” một thời ấy…
Hà Nội thời bao cấp và những cuốn sổ hộ khẩu được xem như báu vật trong nhà.
Hà Nội thời bao cấp và những cuốn sổ hộ khẩu được xem như báu vật trong nhà.

Hà Nội, Hải Phòng - hai thành phố đầu tiên có hộ khẩu

Trong lịch sử Việt Nam, các triều đại phong kiến từ đời Trần đã thực hiện quản lý hộ tịch, các triều Lê và Nguyễn tiếp tục làm việc này, nhưng mục đích chính là để thu thuế và bắt đi phu. Đến khi Pháp đô hộ, hộ tịch được quản lý chặt chẽ và khoa học hơn nhưng họ cũng không áp dụng quản lý theo sổ hộ khẩu. Người dân có thể sống ở chỗ này, chỗ kia nhưng nếu không mang theo thẻ thuế thân thì bị phạt nặng, thậm chí có thể ngồi tù.

Từ năm 1954, vì ruộng đất bị bỏ hoang do bom mìn sau chiến tranh, ngoài ra còn do nhiều người nông thôn bỏ ruộng ở quê ra thành phố, dẫn đến sản lượng lúa giảm đáng kể, khiến miền Bắc lâm vào cảnh thiếu lương thực. Trong khi đó, nhiều cán bộ, bộ đội từ chiến khu về mong muốn đưa gia đình, vợ con và họ hàng ra Hà Nội khiến cho tình trạng thiếu lương thực càng trầm trọng hơn. Năm 1955, để bảo đảm đời sống cho bộ đội, những người làm công ăn lương, học sinh trung cấp, sinh viên đại học... Nhà nước buộc phải quy định tiêu chuẩn cung cấp gạo cho bộ đội, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và bán với giá thống nhất 4 hào/kg. Ngày 24/10/1957, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 495/TTg về việc hạn chế người vào thành phố. Để quản lý số nhân khẩu, hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng đã tổ chức đăng ký nhân khẩu thường trú cho từng gia đình, cơ quan, trường học...

Vào những năm 1958, 1959, các công trình nhà ở, nhà máy được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, đã làm tăng nhu cầu công nhân. Nhiều nhà máy, công trường tự tuyển quá nhiều lao động gây khó khăn cho Hà Nội trong cung cấp lương thực, thực phẩm theo chế độ. Nhằm kiểm soát số người về Hà Nội, ngày 9/9/1960, Chính phủ đã ban hành “Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn” cùng với Nghị định số 36/CP. Theo đó, Bộ Lao động có trách nhiệm quản lý việc thi hành chính sách tuyển dụng và sử dụng nhân công dựa theo kế hoạch của Nhà nước.

Để quản lý nhân khẩu một cách bài bản và toàn diện trong khi đất nước có chiến tranh, ngày 27/6/1964, Chính phủ ban hành “Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu” kèm Nghị định 104/CP. Theo Nghị định, mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của mình. Việc đăng ký và quản lý hộ khẩu lấy hộ làm đơn vị. Một hộ gồm những người ăn ở chung với nhau trong một nhà riêng hoặc trong nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học. Một người ăn ở riêng một mình cũng kể như một hộ. Trường hợp chuyển chỗ ở đến một thành phố, thị xã thì khi đến đăng ký lấy giấy “Chứng nhận chuyển đi”, họ phải đem theo một trong những giấy tờ theo quy định.

Theo anh Phạm Ngọc Tiến, một người sưu tầm những món đồ thời bao cấp thì sổ hộ khẩu có hai loại: Gia đình và tập thể, với sổ hộ khẩu gia đình thì chủ hộ thường là người cao tuổi, còn sổ hộ khẩu tập thể, chủ hộ là thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó. Trong sổ hộ khẩu ghi rõ quan hệ giữa các thành viên, kèm theo đó là thông tin cá nhân gồm: Ngày, tháng, năm sinh; quê quán, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp.

Khi kết hôn, trong trường hợp hai người cùng có hộ khẩu ở Hà Nội thì người vợ mang đăng ký kết hôn cùng với giấy cắt hộ khẩu do công an nơi cư trú cấp là có thể nhập hộ khẩu về nhà chồng. Tuy nhiên, đàn ông Hà Nội lấy vợ tỉnh khác không thể nhập khẩu cho vợ về Hà Nội và khi họ có con thì con cái phải nhập hộ khẩu theo mẹ. Song nếu phụ nữ Hà Nội lấy chồng tỉnh khác thì “thuyền theo lái, gái theo chồng”, họ buộc phải cắt hộ khẩu Hà Nội nhập về với chồng.

Điều đáng nói, có hộ khẩu Hà Nội là được tiêu chuẩn gạo cung cấp hàng tháng, tem phiếu thực phẩm, chất đốt và nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Mỗi khối (nay là phường) đều có một công an phụ trách công tác hộ khẩu (còn gọi là công an hộ tịch).

Đầu những năm 1960, hàng vạn thanh niên Hà Nội đã tình nguyện cùng gia đình đi khai hoang ở Tây Bắc. Dân nghèo thành thị vốn quen buôn thúng bán mẹt, sáng đi bán hàng, chiều có thể đếm tiền thì nay phải lao động chân tay, rừng thiêng, nước độc. Nhiều người không chịu nổi đã bỏ về Hà Nội. Khi đi, nhiều gia đình đã bán nhà, cắt hộ khẩu, không còn chỗ ở, họ phải tá túc ở gầm cầu dẫn phố Phùng Hưng, gầm cầu Long Biên, sau ga Hàng Cỏ vì khi đó phố Trần Quý Cáp còn là ao ruộng, hay bám vào chùa Liên Phái... Không thể nhập lại được hộ khẩu, những hộ này phải ăn gạo ngoài và sống “lậu” trên chính nơi mình đã sinh ra. Họ làm đủ nghề như bán nước chè chén, gánh nước thuê, kéo xe bò ở bến phà Đen...

Nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết cuối cùng cũng đành phải nói lời chia tay vì lý do không thể nhập khẩu. Còn đôi nào chấp nhận thì vợ chồng mỗi người một nơi. Cuối tuần thăm nhau thì sẽ xách theo vài ký gạo, bởi lương thực khan hiếm, ai có phần của người đó…

Cuối năm 1989, Nhà nước bỏ chế độ gạo cung cấp cùng tem phiếu nhưng hộ khẩu thì vẫn giữ nguyên song không còn giá trị như thời kỳ trước đó.

Và những nỗi niềm

Đến năm 2007, Luật Cư trú 2006 có hiệu lực, sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Điểm chuyển biến quan trọng trong quản lý dân cư, khi Chính phủ đồng ý về việc bỏ sổ hộ khẩu. Điều này được thể hiện qua Nghị định 112 ngày 30/7/2017. Lúc này, cơ quan nhà nước đã bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân với nhiều “cởi mở” hơn trong việc nhập cư…

Nhiều người cho rằng, bỏ sổ hộ khẩu giấy thì “uy quyền” có được dỡ bỏ.

Nhiều người cho rằng, bỏ sổ hộ khẩu giấy thì “uy quyền” có được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bỏ sổ hộ khẩu giấy thì “uy quyền” có được dỡ bỏ. Khi một cuốn hộ khẩu giấy gánh trên vai 39 thủ tục hành chính chính thức. Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, 39 thủ tục hành chính là 390, hay 3.900 lần người dân phải đi lại với cuốn sổ hộ khẩu giấy trên tay trong suốt cuộc đời của họ. Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà, xin việc, xin học... có cái gì quan trọng trong đời chúng ta mà có thể thiếu cuốn sổ đó? Có nỗi ác mộng nào đáng sợ như việc nếu ta lỡ đánh mất sổ hộ khẩu?

“Hơn 40 năm qua, trên sổ hộ khẩu gốc, ngày sinh của tôi là ngày sinh của bố tôi, và ngược lại. Ngày sinh bị ghi sai trong sổ hộ khẩu đã chẳng thể sửa bởi quá nhiều thủ tục nhiêu khê. Thậm chí trong căn cước công dân, sổ hộ khẩu mới của tôi sau khi đã tách khẩu khỏi sổ chung với bố mẹ, ngày sinh nhầm ấy vẫn y nguyên. Tất cả đều phải theo hộ khẩu gốc - cuốn sổ hộ khẩu đầu tiên của bố mẹ tôi”. “Số hóa” là cụm từ hàm chứa nhiều hy vọng. Tôi hy vọng sẽ được số hóa niềm vui chứ đừng số hóa những nhiêu khê đi kèm hộ khẩu”, nhà báo Hoàng Anh Tú bày tỏ.

Với PGS.TS Bùi Thị An (Hà Nội), người đã gắn bó với cuốn sổ hộ khẩu suốt hơn nửa thế kỷ qua thì mỗi khi cầm trên tay cuốn hộ khẩu, như một vật chứng thể hiện sự liên quan, kết nối của các thành viên trong gia đình. “Bỏ cuốn sổ này đi, cảm giác các thành viên bị tách rời nhau ra thay vì một cụm như trước đây, lại gắn bó với thời gian dài nên với tôi vẫn có cảm xúc nhất định. Nó là một phần của gia đình trong nhiều giai đoạn khác nhau, bản thân vì vậy có một chút nuối tiếc”, bà Bùi Thị An chia sẻ.

Cùng với đó, ở góc độ một người trẻ, bạn Peony Nguyen bày tỏ trực tuyến: “Bỏ hộ khẩu giấy, về sâu xa hơn, là tránh sa đà vào lý lịch. Chúng ta hay con cái sau này chắc chắn khi đi học, đi làm... sẽ chỉ muốn người ta quan tâm đến chính mình là ai, có những phẩm chất gì, chứ không phải ông bà, bố mẹ của chúng là ai? Cho dù lý lịch gia đình có đáng tự hào hay ngược lại, chúng ta cũng không muốn bị đánh giá dựa trên những thông tin ấy. Một người không nên được ưu ái hay bị mang định kiến xấu chỉ vì họ là con cháu của một ai. Và đó là nền tảng của xã hội công bằng, văn minh mà chúng ta đang xây dựng. Tôi luôn ủng hộ quản lý hành chính theo cá nhân hơn là theo hộ gia đình, hộ khẩu”...

Và như thế, tới một ngày nào đó, thời đại hộ khẩu sẽ chỉ còn trong nỗi nhớ về một giai đoạn lịch sử, như giờ đây chúng ta nhắc về thời bao cấp. Quãng đời mà cuốn sổ hộ khẩu giấy được mọi gia đình nâng niu, gìn giữ còn hơn cả vàng bạc trong nhà sẽ qua. Những cuốn sổ hộ khẩu bìa da, bìa giấy, xanh rồi hồng, sờn tróc cuối cùng cũng chỉ còn trong ký ức, trong nỗi âu lo “mất sổ” chỉ còn là trong hoài niệm của những người lớn tuổi…

Đọc thêm