Sổ hộ khẩu và 'rào cản'

(PLVN) - “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/ Hộ khẩu Hà Nội đời đời ấm no”, câu ca dao này một thời nằm lòng, tiêu biểu cho “tư duy” hộ khẩu.
Ảnh minh họa.

Hệ thống hộ khẩu ở Việt Nam được thiết lập từ năm 1964 như là một công cụ để quản lý nhà nước về kinh tế và bảo đảm an ninh trật tự. Mỗi công dân đều phải đăng ký thường trú tại một và chỉ một hộ gia đình tại địa điểm thường trú và việc di chuyển chỉ có thể được thực hiện với sự cho phép của chính quyền. Các khái niệm KT1, KT2, KT3 không còn lạ.

Việc gắn hộ khẩu với phân phối tiêu dùng, tiếp cận dịch vụ công và việc làm đã biến cuốn sổ hộ khẩu trở thành một công cụ hữu hiệu để kiểm soát di cư và cư trú. Trước Đổi mới, có rất ít người di chuyển nơi cư trú mà không có sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền và người dân phải rất vất vả để có thể sống khi không có hộ khẩu thường trú ở địa phương. Thậm chí, đổi mới rồi nhưng chuyện “bĩ cực”: Có hộ khẩu mới được mua nhà mâu thuẫn với việc có nhà mới được đăng ký hộ khẩu Hà Nội kéo dài tận mãi sau này.

Gần đây, một loạt những cải cách trong cư trú đã làm giảm tầm ảnh hưởng của hệ thống hộ khẩu khi thủ tục đăng ký tạm trú đã dễ dàng hơn.Tuy nhiên, hệ thống hộ khẩu là một trong các nguyên nhân gây ra bất bình đẳng về cơ hội. Những người đăng ký tạm trú vẫn đối mặt với những thách thức khi nhập học cho con em vào các trường công lập, đặc biệt ở bậc học mẫu giáo. Một số người đăng ký tạm trú phải trả những khoản phí chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Câu chuyện “đúng tuyến”, “trái tuyến” trong việc cho con em đi học không chỉ gây nhiều hệ lụy mà còn là “mảnh đất” của tham nhũng vặt.

Không phải đến hiện nay, tại các cuộc thảo luận về dự thảo Luật Cư trú năm 2013, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu cần loại bỏ hệ thống sổ hộ khẩu. Ngay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặt câu hỏi: “Trên thế giới bây giờ có bao nhiêu quốc gia còn hộ khẩu? Nước Lào cạnh chúng ta còn không? Chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại loại hình sổ hộ khẩu. Thế giới giờ đã có một thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân”.

Theo dự án Luật Cư trú sửa đổi, dự kiến từ năm 2021 sẽ áp dụng số định danh cá nhân trong cơ sở dữ liệu dân cư để thay cho một số loại giấy tờ, trong đó có sổ hộ khẩu giấy. Cần phải hiểu đề xuất này không phải bỏ quản lý nhà nước về dân cư mà thay thế phương thức quản lý.

Thay thế “tư duy hộ khẩu” bằng “tư duy tích hợp” không chỉ giảm nhẹ rất nhiều thủ tục cho người dân và các công đoạn quản lý nhà nước mà còn góp phần thực thi quyền con người theo Hiến định. Để làm được cần vượt qua rào cản tư duy.