Theo China Daily, mặc dù các trường ở Trung Quốc đã cố gắng tuyển dụng nhiều giáo viên nam để đối phó với nỗi lo lắng của các nhà giáo dục do xu hướng gia tăng số lượng những cậu bé ẻo lả, nữ tính, thì giáo viên nam vẫn thiếu hụt ở các trường mầm non tại Thượng Hải.
Theo thống kê của Ủy ban Giáo dục thành phố Thượng Hải năm 2014, trong tổng số 53.352 giáo viên, gồm hơn 2.000 giáo viên mầm non, thì chỉ có 200 giáo viên nam.
Các nhà chức trách gần đây đã tạo nhiều điều kiện cho nam giới làm việc ở các trường mầm non như mở rộng cơ hội vào học các trường sư phạm, cấp học bổng kèm với việc đảm bảo công việc toàn thời gian ở trường, nhưng nam giới Trung Quốc vẫn không thích làm giáo viên mầm non.
Chen Yilang, một trong số ít giáo viên mầm non nam đang làm việc tại chi nhánh Giang Loan, thuộc Trường mẫu giáo Phúc Lợi Trung Quốc, cho biết tiền lương ở các trường mầm non vẫn thấp. Đa số giáo viên mầm non nam ở Thượng Hải chỉ kiếm được khoảng 50.000 - 60.000 nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 160 triệu - 200 triệu đồng), thấp hơn mức bình quân thu nhập của lao động ở thành phố này năm 2014 là 65.417 nhân dân tệ (khoảng 220 triệu đồng).
Chen Yilang cũng lưu ý rằng định kiến xã hội về đàn ông làm giáo viên mầm non vẫn còn và ngành giáo dục thường tin phụ nữ làm việc ở các trường mầm non thích hợp hơn nam giới. Chen nói: “Tôi chọn công việc này không phải vì tiền, nhưng vì hạnh phúc. Tôi tin đó là điều quan trọng để thay đổi định kiến của xã hội về giáo viên nam ở trường mầm non. Nhiều người bạn của tôi phải bỏ nghề vì lương thấp, công việc căng thẳng, thậm chí đối mặt với việc khó tìm được vợ vì định kiến của xã hội với người nam làm nghề này”.
Các nhà giáo dục ở Trung Quốc tin rằng mất cân bằng giới tính giáo viên ở các trường mẫu giáo và tiểu học có thể gây nên những hệ lụy xã hội vì giáo dục hiện nay rất quan trọng trong sự hình thành tính cách cho học sinh.
Feng Wei, người đứng đầu Trường mẫu giáo Phúc Lợi Trung Quốc ở Thượng Hải, cho biết sự thiếu hụt giáo viên nam ở các trường là hệ quả làm gia tăng các chàng trai lớn lên nhút nhát và rụt rè.
Shi Bin, Giám đốc Trung tâm phát triển giáo dục cơ bản Trường ĐH Sư phạm Thượng Hải, cũng nói thêm rằng sự mất cân bằng giới tính ở các trường mẫu giáo và tiểu học có thể tạo nên những học sinh nam thiếu tự tin và không thể giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
Các trường mẫu giáo hiện nay còn cần giáo viên nam để giúp học sinh có nhiều thời gian hoạt động ngoài trời hơn với các môn thể thao như đá bóng, võ thuật...
Các nhà giáo dục Trung Quốc tin rằng, giáo viên nam sẽ cung cấp những phương pháp, chiều hướng dạy khác để cùng với giáo viên nữ xây dựng cho học sinh tính cách và kỹ năng toàn diện.