Số phận bi tráng của 10 nguyên soái “khai quốc công thần” Trung Quốc và 49 bà vợ (Kỳ 2)

(PLO) - Pháp luật 4 phương xin gửi tới độc giả phần tiếp theo của bài viết "Số phận bi tráng của 10 nguyên soái “khai quốc công thần” Trung Quốc và 49 bà vợ "
Lâm Bưu, “Nguyên soái phản bội” và hai người vợ
Lâm Bưu (1906-1971) là nhân vật gây tranh cãi nhất trong số 10 nguyên soái. Người yêu quý thì sùng bái ông như thiên thần, kẻ ghét thì chửi ông đạo danh lừa đời. Số phận Lâm Bưu chính là sự phản ánh sự phức tạp của lịch sử cũng như vai trò của ông trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Lâm Bưu quê ở Hoàng Cương, Hồ Bắc, lúc trẻ lấy tên là Lâm Dục Dung, Lâm Đại Dũng… Năm 1925 khi vào Trường quân sự Hoàng Phố, ông đổi tên thành Lâm Bưu. Ông trưởng thành kinh qua mọi chức vụ từ đại đội trưởng,  tiểu đoàn trưởng đến quân đoàn trưởng, là nhà quân sự nổi tiếng, sư trưởng trẻ nhất của 1 trong 3 sư đoàn của Bát lộ quân, chỉ huy các chiến dịch nổi tiếng Liêu Thẩm, Bình Tân. 
Sau giải phóng ông được giao giữ các chức Phó chủ tịch Hội đồng quốc phòng, Bộ trưởng quốc phòng, Phó chủ tịch Quân ủy. Trong CMVH ông bị kết tội thành lập “tập đoàn phản đảng”, âm mưu hãm hại lãnh đạo đảng, nhà nước, cướp quyền lãnh đạo tối cao. Bị lộ, ông đã chạy trốn và máy bay chở ông cùng vợ, con trai và một số tướng lĩnh đã bị rơi trên đất Mông Cổ.
Về đời riêng, trên danh nghĩa Lâm Bưu có 3 vợ, nhưng thực tế chỉ có 2. Khi ông đang học trường Hoàng Phố, cha mẹ ông đã dạm ngõ và cưới cho ông cô gái xinh đẹp Uông Tĩnh Nghi rồi gọi ông về để “sự đã rồi”, nhưng ông không về. Uông Tĩnh Nghi tự coi mình là gái đã có chồng, cứ đợi Lâm Bưu cả đời cho đến khi chết vì bệnh phổi năm 1963.
Năm 1937, ở Diên An, Lâm Bưu kết hôn với Trương Mai, một cô gái 20 tuổi xinh đẹp người Thiểm Bắc, sinh được con gái là Lâm Hiểu Lâm. Tuy nhiên cô vợ trẻ nhí nhảnh, vô tư này không biết cách chăm sóc ông chồng thô ráp nên sau khi Lâm Bưu bị thương phải sang Liên Xô chữa trị, quan hệ hai người nhạt dần, rồi ly dị. 
Trương Mai kết hôn với Từ Giới Phan một sĩ quan tham mưu trong quân đội Liên Xô, sau này trở về Trung Quốc là Thiếu tướng Phó Viện trưởng Công trình Tăng thiết giáp. Bà Trương Mai cũng công tác ở Bộ Tổng tham mưu rồi nghỉ hưu ở Băc Kinh.
Người vợ thứ hai của Lâm Bưu là Diệp Quần, ít hơn ông 8 tuổi. Diệp Quần tên thật là Diệp Nghi Kính, người Phúc Kiến, đã học qua trung học, là phát thanh viên đài phát thanh của Quốc dân đảng. Sau đó bà bỏ vào Diên An, đổi tên thành Diệp Quần, làm cán bộ tổ chức của trường Đại học phụ nữ. 
Mục tiêu của bà là lấy chồng là cán bộ cao cấp nên khi nghe tin Lâm Bưu bỏ vợ từ Liên Xô trở về, bà đã chủ động tiếp cận. Hai người nhanh chóng làm quen và chính thức kết hôn vào năm 1943. Năm sau, Diệp Quần sinh con gái Lâm Lập Hằng (Đậu Đậu), năm sau nữa thì sinh con trai Lâm Lập Quả. 
Hai người đã sống cùng nhau từ đó đến khi cùng con trai chạy trốn và cùng chết trên sa mạc ở Mông Cổ trong “Sự kiện 13/9/1971”. Về sự nghiệp, trong CMVH Diệp Quần là Tổ phó CMVH toàn quân, năm 1969 trở thành Ủy viên TW ĐCS Trung Quốc, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Lưu Bá Thừa, vị nguyên soái thọ nhất với 3 lần kết hôn
Lưu Bá Thừa (1892-1986) là người thọ lâu nhất trong số 10 nguyên soái. Do ông bị mất một mắt hồi chiến tranh nên còn có biệt danh “Lưu chột”. Ông quê Tứ Xuyên, 5-6 tuổi đã học viết và tập võ, thường được ví với “Một vũ tiễn” Trương Thanh trong “Thủy Hử”, được coi là người giỏi kungfu nhất trong số các tướng soái. Trong chiến tranh giải phóng ông là tướng tài nổi tiếng. 
Sau khi được phong Nguyên soái năm 1955, năm 1957 ông là Viện trưởng kiêm chính ủy Học viện Quân sự cấp cao. Năm 1958 ông bị phê phán vì “tiêu biểu cho chủ nghĩa quân sự giáo điều”, bị buộc rời chức. Năm 1966 ông được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch quân ủy. Từ 1973 ông bị mất khả năng tư duy, từ 1980 không còn khả năng tự chủ bản thân. Năm 1982 ông xin từ bỏ mọi chức vụ vì lý do sức khỏe. Ngày 7/10/1986 ông từ trần, thọ 94 tuổi. 
Năm Lưu Bá Thừa 13 tuổi, cha mẹ đi hỏi cho ông cô vợ 11 tuổi tên Trình Nghi Nghệ, ông không thích nên cố ý để mặt mũi lem luốc, nhưng nhà gái thấy tướng mạo ông phi phàm nên vẫn nhận lời gả con. Để trốn tránh, ông bèn kiếm cớ đi học ở xa, nhưng cô Trình vẫn không chịu buông. 
Năm 1910, Lưu Bá Thừa phải kết hôn, 2 năm sau thì Trình Nghi Nghệ sinh con trai Lưu Tuấn Thái. Cùng năm, Lưu Bá Thừa đi lính, rồi tham gia cách mạng, từ đó không liên lạc về nữa. Trình Nghi Nghệ một mình nuôi con, đến năm 1957 thì qua đời. Trong thời gian hai người xa nhau, có lần cậu con Lưu Tuấn Thái dẫn bạn gái tìm ông xin tiền, bị ông mắng mỏ, anh này đã tìm cơ quan có trách nhiệm tố giác bố bỏ rơi vợ con, nhưng do Lưu Bá Thừa đã báo cáo mọi chuyện từ trước nên thoát nạn.
Năm 1930, Lưu Bá Thừa hoạt động bí mật ở Thượng Hải, ông kết hôn với Ngô Cảnh Xuân, một trí thức trẻ. Năm 1932 ông vào khu căn cứ làm Hiệu trưởng trường Hồng quân, rồi giữ chức Tổng TMT và đứt liên lạc với vợ.
Năm 1936, vị Tổng Tham mưu trưởng (TMT) 44 tuổi bỗng nổi hứng làm thơ tình tặng cô gái 19 tuổi Uông Vinh Hoa mới từ An Huy vào khu căn cứ gia nhập Hồng quân. Cô gái trẻ đẹp cũng đem lòng si mê vị chỉ huy trẻ đa tài. Trung thu năm đó hai người kết hôn. Từ đó bà luôn theo sát ông trên cương vị thư ký riêng, gắn bó lo lắng chăm sóc chồng, con. Hai ông bà có 6 người con, trong đó có 4 người mang hàm Thiếu tướng quân đội. Bà Uông Vinh Hoa từ trần ngày 27/5/2008, thọ 91 tuổi.
Hạ Long, nguyên soái chết oan khuất với 6 người vợ
Trong số 10 vị nguyên soái “khai quốc công thần’ thì Hạ Long (1896-1969) là người có số phận kỳ lạ và khốn khổ nhất. Quê ở Tang Thực, Hồ Nam, sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khổ, bỏ học từ sớm, nhưng Hạ Long tính khí trượng nghĩa khinh tài, nổi tiếng là người dám đấu tranh chống các thế lực hắc ám. 
Ông lãnh đạo một đội quân nông dân nổi dậy diệt ác, năm 1914 tham gia đảng cách mạng của Tôn Trung Sơn, 30 tuổi là sư đoàn trưởng quân cách mạng Quốc dân. Năm 1927 ông dẫn quân tham gia Khởi nghĩa Nam Xương, gia nhập ĐCS Trung Quốc. Trong kháng Nhật và nội chiến, ông là một tướng tài nổi tiếng với bộ ria đặc trưng. 
Sau khi được phong hàm Nguyên soái, năm 1956 ông vào Bộ Chính trị, năm 1959 là Chủ tịch Ủy ban công nghiệp quốc phòng, lần lượt giữ các chức Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Hội đồng quốc phòng. Trong CMVH ông bị vu cáo âm mưu “tổ chức binh biến lật đổ Mao Trạch Đông, xây dựng vương quốc riêng”…
Ông bị Hồng vệ binh bắt trói đấu tố, đánh đập, nhục mạ và chết trong đói khát tại Bệnh viện quân y 301 ngày 9/6/1969. Ngày 29/9/1974, Trung ương ĐCS Trung Quốc ra Thông tri phục hồi danh dự cho ông. Năm 1975, tro cốt ông được đưa vào nghĩa trang Bát Bảo Sơn. Đến tháng 10/1982, trung ương ĐCSTQ chính thức ban hành “Quyết định minh oan triệt để cho đồng chí Hạ Long”.
Về  cuộc sống riêng, năm Hạ Long10 tuổi đã được cha mẹ cưới cho cô vợ 17 tuổi Từ Nguyệt Cô, sinh được con gái Hạ Kim Liên, ít lâu sau thì bà này chết vì bệnh.
Năm 1920, cha và em trai ông bị thổ phỉ giết hại, theo phong tục địa phương, họ tộc yêu cầu Hạ Long lấy vợ sinh con, gọi là “tang hôn”. Thế là Hạ Long cưới cô gái người dân tộc Thổ Gia là Hướng Nguyên Cô, sau Khởi nghĩa Nam Xương, ông đón vợ đến Thượng Hải, sau Hướng Nguyên Cô quay về quê và chết năm 1929.
Trong những tháng năm quân phiệt hỗn chiến, Hạ Long lại cưới thêm người thiếp xuất thân nghệ sĩ là Hồ Cầm Tiên. Khi cơ quan bị địch đánh chiếm, con gái Hạ Kim Liên bị bắt cùng với Hồ Cầm Tiên. Hạ Kim Liên bị tra tấn chết trong tù, còn Hồ Cầm Tiên được thả sau khi Quốc cộng hợp tác. Bà về quê, đổi tên để sinh sống đến cuối đời ở Thành Đô.
Khi bắt đầu cuộc Trường chinh gian khổ, Hạ Long và tướng Tiêu Khắc cùng cưới hai chị em là học sinh con một thương gia. Bà vợ Trại Tiên Nhiệm này sinh hạ cô con gái Hạ Hồng, nhưng cô bé bị yểu mệnh cho điều kiện sống quá khổ. Năm 1935, bà sinh thêm cô con gái sau này là nữ thiếu tướng Hạ Tiệp Sinh. 
Nhưng sinh con xong, bà Trại Tiên Nhiệm do bất hòa đã bỏ ông chạy sang Liên Xô. Sau này, khi ông đã là người nổi tiếng, bà hối hận quay về nhưng mọi chuyện đã yên bề. Bà lên Cáp nhĩ tân sinh sống đến 2004 mới qua đời, thọ 95 tuổi.
Sau khi ly hôn, năm 1942, Hạ Long cưới bà Tiết Minh kém ông 20 tuổi, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Diên An đúng ngày Bát Nhất (1/8), kỷ niệm 15 năm cuộc Khởi nghĩa Nam Xương. Hai ông bà gắn bó với nhau, cùng chung hoạn nạn suốt quãng đời còn lại,. 
Bà Tiết Minh sinh cho ông 1 con trai Hạ Bằng Phi và 2 người con gái Hạ Lê Minh, Hạ Hiểu Minh. Sau giải phóng, bà được giao giữ các chức Trưởng ban Tuyên huấn thành ủy Băc Kinh, Viện trưởng Kiểm sát quân sự Bộ TTM, Ủy viên thường vụ Chính hiệp toàn quốc…Bà mất ngày 31/8/2011, thọ 95 tuổi…/. 
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 9 ra ngày 29/6/2015)

Đọc thêm