Kỳ lạ quả chuông 3 lần “trẫm mình” nơi đáy biển
Chuông chùa Vân Bản có xuất xứ từ ngôi chùa cổ Vân Bản (xưa kia chùa ở quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng), chuông đã được công nhận là bảo vật quốc gia với hiện được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Đây là quả chuông cổ thứ nhì, độc bản, được tìm thấy tại Việt Nam.
“Lý gia truyền được mấy đời/Chùa tan, tháp đổ, chuông rơi Nò Hầu”. Tương truyền câu ca này nói về tháp Tường Long và chùa Vân Bản thời Lý, nơi đặt quả chuông Vân Bản đầu tiên.
Bảo tháp Tường Long, nằm cạnh chùa Vân Bản nơi có chuông Vân Bảo có từ thời Lý, được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng. Tuy nhiên trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay bảo tháp và ngôi chùa xưa đã trở thành phế tích.
Ông Tuệ Khương (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) cho biết, theo các bậc cao niên, thì xưa kia phía Tây của núi Tháp (tức nơi có tháp Tường Long) có một khe ăn sâu xuống biến. Khe này gần bến đò Họng, tức Nò Hầu mà câu ca dao trên nhắc tới. Tương truyền, khi chùa tháp bị đổ nát, chuông lăn xuống bến Nò Hầu. Ít lâu sau, dân chúng hò nhau trục vớt được quả chuông ở bến đò Họng, rồi rước về chùa Nam gần đó, sau này gọi là chùa Vân Bản. Trải qua vài trăm năm sau, do một trận bão lớn, chùa Vân Bản cổ bị đổ sập, quả chuông lại bị rơi lăn xuống biển ở chân núi Tháp.
Chuông chùa Vân Bản trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
Đến thời Lê, chùa Vân Bản được dân chúng xây lại nhỏ hơn và ở vị trí thấp hơn ngay chân núi. Khi khánh thành chùa mới, các phật tử mò tìm, trục vớt quả chuông cổ từ bến Đò Họng, đem về treo ở chùa. Không lâu sau đó, chuông Vân Bản lại tiếp tục chìm xuống biển. Lần "trẫm mình" thứ ba của đại hồng chung có nhiều giả thiết khác nhau. Có người cho rằng, chuông Vân Bản bị thất lạc từ thế kỷ XV do dân làng cất giấu nơi lòng biển cả để tránh cuộc tàn sát, vơ vét di sản văn hóa Đại Việt của giặc Minh. Cũng có người cho rằng Trời Phật muốn giữ lại báu vật cho dân nước Nam, không muốn đại hồng chung rơi vào tay giặc nên giấu chuông xuống biển.
Cũng có ý kiến cho rằng, chuông bị mất từ đầu thế kỷ XIX, do người dân giấu chuông xuống đáy biển để đối phó với việc phá chùa Tháp của Hoàng Cao Khải. Việc này được ghi rõ trong sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn: "Năm Gia Long thứ ba (1804) phá tháp (tức tháp Tường Long) lấy gạch xây thành trấn Hải Dương".
Chỉ biết rằng trải qua nhiều thế kỷ sau đó, mặc dù đất nước trở lại yên bình nhưng dân làng vẫn chưa tìm được chuông. Từng có lúc người ta tuyệt vọng nghĩ rằng chuông Vân Bản đã bị cuốn trôi, vĩnh viễn ngủ yên trong lòng đại dương sâu thẳm...
Đi đánh cá kéo được chuông cổ
Nhưng vào một buổi sáng mùa hạ năm 1958, như trong truyện cổ, một lão ngư dân quăng lưới kéo chài bỗng dưng vướng phải một vật cản lớn, không thể kéo lên. Linh tính điềm lành, ngư dân hò nhau lặn xuống khảo sát thì phát hiện một quả chuông đồng khổng lồ bị mắc quấn trong lưới. Khi chuông vớt lên, người dân đoán đó chính là đại hồng chung cổ, sau đó các nhà khảo cổ học giám định và xác định đây chính là đại hồng chung chùa Vân Bản năm xưa.
Theo quan sát, chuông Vân Bản hiện nay có kích thước to lớn, cao 125cm, đường kính miệng 80cm. Quai chuông trang trí hai con rồng đấu lưng vào nhau, nơi tiếp giáp ở vị trí cao nhất trang trí hình búp sen vẩy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng. Thân chuông có nhiều đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô, 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật.
Trong hai ô trên có hai bài minh văn khắc chìm chữ Hán, 4 ô dưới để trơn. Chuông có 6 núm gõ, xung quanh mỗi núm có 16 núm tròn nhỏ tạo thành hình bông cúc. Phần vành miệng trang trí 52 cánh sen. Bài minh văn trên chuông tuy bị mờ mòn nhiều, nhưng vẫn còn có thể đọc được phần lớn số chữ. Theo ông Đỗ Đức Thọ (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), minh văn Vân Bản hồng chung có đoạn: "…Khổ hạnh tăng Hướng Tâm, cư sĩ Đại Ác cộng khai sáng sơn lâm hạ động, Đông chí hải biên vi giới, Tây chí biên hải thạch đầu vi giới, bính chí Hoành Sơn vi giới, Bắc chí Sao Lương thạch vi giới…" (giữa những chữ này có một số ký tự mờ không đọc được).
Từ khi ra đời đến nay, thời gian chuông Vân Bản "ngụ cư" dưới nước nhiều hơn thời gian được treo tại chùa. Ít nhất 3 lần chuông phải vùi mình dưới đáy biển suốt thời gian dài, lần gần đây nhất bị ngâm dưới nước biển mấy trăm năm, thế nhưng vẫn không bị nước mặn gây oxy hóa.
Người dân Đồ Sơn lý giải rằng, vì chuông được đúc với một tỷ lệ vàng quá cao, nên dù bị sóng biển vùi dập mấy trăm năm mà vẫn còn nguyên vẹn, tiếng chuông vẫn vang xa trăm dặm. Mỗi lần chuông mất tích thường trùng với những lần người dân Đồ Sơn nói riêng, đất nước nói chung lâm vào cảnh suy tàn hoặc ngoại xâm, và chuông thường xuất hiện trở lại vào đúng lúc đất nước phục hưng, Phật giáo hưng thịnh.
Chuông cổ là vật thiêng có thần nên suốt thời gian đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, biết bao đời người dân ở Đồ Sơn đã mò khắp đáy biển nơi này để tìm lại báu vật của tổ tiên nhưng không thấy. Và thật vi diệu, chỉ sau khi hòa bình lập lại vài năm, chuông đột ngột lăn vào lưới vạn chài để tìm về với người dân, phật tử và trở thành bảo vật quốc gia.
Thời gian đầu, các nhà nghiên cứu khảo cổ học xác định chuông chùa Vân Bản có niên đại từ thời Lý. Gần hai mươi năm sau, các nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chiến và Đỗ Đức Thọ đã tìm ra những chứng cứ thuyết phục để chứng minh chuông Vân Bản không phải thời Lý, mà có niên đại thế kỷ XIII, thời Trần.
Chuông Vân Bản đã chiếm giữ "ngôi vị" quả chuông cổ nhất Việt Nam suốt từ năm 1958 cho đến năm 1986 - khi chuông Thanh Mai (niên đại 798) được phát hiện và "soán ngôi" chuông cổ nhất. Hiện nay, hồng chung Vân Bản vẫn là quả chuông lâu đời thứ nhì ở nước ta, sau chuông Thanh Mai.