Số phận kỳ lạ của Tôn giả Hoằng Nhẫn – Vị Tổ Thiền tông đời thứ 32

(PLVN) - Tôn giả Hoằng Nhẫn không có cha, mẹ Ngài là một trinh nữ bỗng dưng hoài thai nên buộc phải ra khỏi nhà đến nương nhờ cửa Phật. Sống nhờ sự chở che chốn thiền môn, Hoằng Nhẫn có duyên thiên định với Phật pháp và sớm xuất gia, trở thành người truyền thiền xuất chúng...
Số phận kỳ lạ của Tôn giả Hoằng Nhẫn – Vị Tổ Thiền tông đời thứ 32

Tổ Hoằng Nhẫn, sinh năm 602, tịch năm 675, thọ 73 tuổi. Không có cha, mẹ tên Châu Bích Ngọc. Khi mẹ sanh ra Ngài, mẹ đặt tên là Châu Hoằng Nhẫn, ở làng Châu Kỳ, huyện Huỳnh Mai. 

Hành trình ngộ thiền

Vì mẹ Ngài không có chồng mà lại có thai nên bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà. Mẹ Ngài ra khỏi nhà, được Tổ Đạo Tín đến nói với mẹ Ngài như sau: Đứa trẻ trong bụng cô có duyên với Phật pháp, vậy cô đến chùa Giác Thiền ở đây công quả và ở tại đây, ta sẽ nói với Thầy trụ trì cất cho cô một am tranh ở gần chùa, khi cô sinh ra con, ta sẽ lo liệu cho nó hết, khi nó được 4 tuổi ta sẽ nhận nó về chùa của ta ở và nuôi cho nó lớn lên, được 6 tuổi ta sẽ cho nó đi học, khi học hết ta cho nó xuất gia.

Khi Ngài được 16 tuổi, Tổ Đạo Tín cho xuất gia. Tổ tận tình dạy cho Ngài những "Bí yếu Thiền tông". Ngài được 20 tuổi, Tổ Đạo Tín hỏi Ngài: “Con còn nhớ những gì mà con đã nói với ta cách đây 20 năm trước không?”. Ngài thưa: “Con còn nhớ không sai một nét nào” và Ngài nói chuyện đã qua 20 năm trước:Kiếp trước, con là phật tử tên Chung Châu Sa, con có đến chùa Cảnh Thiền ở huyện này, nghe Tổ dạy pháp môn Thiền tông, con đã đạt được "Bí mật Thiền tông".

Tổ nói với con: Phải chi Ngươi nhỏ tuổi hơn ta, ta sẽ truyền Bí mật Thiền tông lại cho Ngươi thay ta làm Tổ Thiền tông đời thứ Ba Mươi Hai.Con có nói với Tổ: Nếu Tổ đồng ý truyền "Bí mật Thiền tông" lại cho con, con có cách làm tuổi con nhỏ lại, vì lúc này con đã 80 tuổi rồi.Tổ liền đồng ý, nên con có đến mẹ Châu Bích Ngọc đang giặt quần áo bên bờ suối, con hỏi mẹ: Thưa cô, xin phép cho tôi ở nhờ nhà cô được không? Mẹ Châu trả lời: Việc nhờ ở nhà, cụ nên vào hỏi ba mẹ con.

Con hỏi mẹ Châu: Chỉ cần cô đồng ý là được.Mẹ Châu đồng ý, nên con vào sâu trong hang núi đập đầu vào đá chết và liền ẩn trong thai mẹ Châu, làm mẹ Châu khổ sở vô cùng.Tổ Đạo Tín nghe Ngài kể đến đây, biết Ngài còn nhớ chuyện xưa, nên Tổ nói với Ngài: Ta tận tình dạy cho con tất cả những "Yếu lý Thiền tông", vậy con có nhận được gì không?

 

Ngài liền trình bài kệ 44 câu kể cuộc đời của Ngài và nhờ Tổ trình lại cho mẹ Ngài biết để mẹ Ngài an vui như sau:Ngày xưa con tên Châu Sa/ Cha mẹ cao quí dòng Bà La Môn; Đến nghe Thầy dạy ngộ thiền/ Tìm Thầy hiểu đạo trình liền Thiền tông.Khi xưa gặp được Thầy trong/ Ở trong pháp hội chùa trong làng này; Thầy bảo con ngộ thiền đây/ Nếu muốn làm Tổ, Thầy đây truyền liền.

Thầy bảo con đã đủ duyên/ Ngặt vì tuổi lớn truyền thiền không xong; Phài chi tuổi nhỏ là xong/ Pháp thiền thanh tịnh, ông đây nhận thiền.Con trình sự việc đây riêng/ Nếu Thầy chấp nhận con đây nhỏ liền; Thầy dạy con cứ chuyển xuyên/ Nếu con nhỏ tuổi thì Thầy truyền trao.Con xin với mẹ Châu mau/ Cho con ở trọ kiếp sau đáp đền; Khi mẹ đồng ý con liền/ Vào hang thanh vắng chuyển sang mẹ hiền.

Mẹ con khổ sở chỉ riêng/ Không ai hiểu được lòng riêng mẹ mình; Hôm nay Thầy nhắc chuyện tình/ Con thương mẹ quá một mình bơ vơ.Thiền tông Đức Phật dạy giờ/ Vì con sứ mạng bây giờ nói sao; Từ nay những kiếp về sau/ Con xin ghi nhớ công lao mẹ hiền.Thiền tông là của Phật thiêng/ Mạch sáng nguồn thiền con phải dẫn đi/ Hôm nay con nói Thầy ghi; Những điều Thầy hứa con ghi trong lòng. 

Dù cho cực khổ long đong/ Con đây một lòng dẫn thiền Thích Ca; Vì con nay đã nhận ra/ Niết bàn thanh tịnh là xa luân hồi.Ngày xưa Thầy dạy con ''Thôi''/ Hoặc ''Dừng'' hay ''Dứt'' hết đời trần kia; Mấy năm con được xa lìa/ Rơi vào Bể tánh là kia Niết bàn.Ở trong Bể tánh bình an/ Đi theo vật lý muôn ngàn khổ đau; Thiền tông con ngộ trước sau/ Cũng nhờ Thầy dạy không sao quên Người. 

Ngài vừa đọc bài kệ vừa khóc cho thân mẹ mình, Tổ Đạo Tín biết Ngài đạt "Bí mật Thiền tông" ngày xưa vẫn còn nhớ nên dạy như sau: Tuy đã 20 năm mà Ngươi vẫn còn nhớ như mới ngày nào. Vậy 2 tháng sau ta sẽ truyền Bí mật Thiền tông cho Ngươi làm Tổ Thiền tông đời thứ Ba Mươi Hai.Đúng 2 tháng sau tại chùa Thiền tông Giác Thiền, Ngài được truyền "Bí mật Thiền tông" làm Tổ sư Thiền tông đời thứ Ba Mươi Hai.

Phương pháp ngộ Thiền của Tổ Hoằng Nhẫn

Pháp Thiền của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn dạy rằng: Thọ trì Kinh Kim Cang thì có thể Kiến Tánh, mà việc đầu tiên của Luận tối thượng thừa của Ngũ Tổ là để chỉ thẳng chân Tâm (Thiền tông): Phàm người tu cần phải biết bản thể, chính nơi thân tâm này xưa nay thanh tịnh, không sanh không diệt, không có phân biệt, tâm tự tánh thanh tịnh viên mãn là bổn sư, vượt hơn niệm mười phương chư Phật. Vậy làm sao biết tâm mình xưa nay thanh tịnh?

Kinh Thập Địa nói: "Trong thân chúng sanh có Phật tánh Kim cang, ví như mặt trời tròn đầy sáng suốt không ngăn ngại. Chỉ vì bị mây đen ngũ ấm che đậy, như ngọn đèn để trong bình, ánh sáng không thể chiếu soi.

Thí như thế gian tám hướng mây mù đều dậy, khắp nơi đều tối tăm. Mặt trời đâu có tan hoại, tại sao không có ánh sáng? Ánh sáng nguyên không hoại, vì bị mây mù che. Tâm thanh tịnh của tất cả chúng sanh cũng như thế. Chỉ vì bị mây đen vin theo vọng niệm phiền não và các kiến chấp che đậy. Nếu hay giữ tâm lắng lặng, vọng niệm không sanh thì pháp niết bàn tự nhiên hiển hiện". Cho nên biết, Tâm mình xưa nay thanh tịnh.

Vậy làm sao biết Tâm mình xưa nay không sanh diệt? Kinh Duy Ma nói: "Như không có sanh, Như không có diệt". Như là chân như Phật tánh tự tánh thanh tịnh. Thanh tịnh là nguồn của tâm. Chân như vốn không từ duyên sanh. Lại nói: "Tất cả chúng sanh đều Như, các hiền thánh cũng Như". Tất cả chúng sanh là chúng ta vậy. Các hiền thánh tức là chư Phật vậy. Danh tướng tuy khác, chân như pháp tánh nơi thân đều đồng. Không sanh không diệt nên nói đều "Như". Thế là, biết Tâm mình xưa nay không sanh không diệt.

Sau khi chỉ thẳng chân Tâm, trong Luận tối thượng thừa, Ngũ Tổ dạy chúng ta phải giữ chân Tâm. Bởi Ngài cho rằng chân Tâm này sẵn có, không từ ngoài đến, không ràng buộc trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai). Chỗ chí thân không gì hơn tự giữ Tâm này. Nếu người biết tâm, giữ tâm ắt đến bờ kia. Người mê tâm, bỏ tâm thì đọa tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Chư Phật ba đời đều lấy tâm làm bổn sư. Luận nói: "Rõ ràng giữ tâm thì vọng niệm không khởi, tức là vô sanh".

Vậy sao nói Tâm mình vượt hơn niệm các đức Phật? Thường niệm các đức Phật chẳng khỏi sanh tử, giữ bổn tâm mình thì đến bờ kia. Kinh Kim Cang nói: "Nếu do sắc thấy ta, do âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai". Cho nên nói "giữ chân Tâm này vượt hơn niệm các đức Phật".

Vậy chúng sanh cùng Phật về chân thể đã đồng, tại sao chư Phật không sanh không diệt, thọ vô lượng khoái lạc tự tại không ngại, chúng sanh chúng ta đọa trong sanh tử chịu các thứ khổ? Bởi chư Phật mười phương ngộ đạt pháp tánh, đều tự nhiên chiếu sáng nơi nguồn tâm, vọng tưởng không sanh, chánh niệm không mất, tâm ngã sở diệt, nên được không thọ sanh tử. 

Không sanh tử nên rốt ráo vắng lặng, cho nên muôn cái vui đầy đủ. Tất cả chúng sanh mê chân tánh, không biết gốc tâm, các thứ vọng duyên, không tu chánh niệm, nên tâm yêu ghét dấy khởi. Do yêu ghét nên hồ tâm bị bể chảy; hồ tâm bị bể chảy nên có sanh tử, có sanh tử thì các khổ đều hiện. Kinh Tâm Vương nói: "Chân như Phật tánh lặn trong biển sáu thức thấy biết, chìm đắm sanh tử không được giải thoát". Cố gắng lãnh hội chỗ ấy, giữ chân tâm thì vọng niệm không sanh, tâm ngã sở diệt, tự nhiên cùng Phật bình đẳng không hai.

Ngài dạy phải giữ chân Tâm, ta có thể hiểu giữ chân Tâm là hành giả tu thiền phải hiểu, biết, tin nhận chân Tâm.Sau đó, phải giữ gìn cái hiểu, biết, tin nhận chân Tâm đó, phải cư xử cho hợp với chân Tâm, hằng ghi nhớ chân Tâm: chân Tâm thanh tịnh; chân Tâm không sinh không diệt; chân Tâm sẵn có trong tâm ta, trong mỗi chúng sinh.

Đọc thêm