Số phận nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng sẽ thế nào?

(PLVN) - Sau Hội nghị xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia di sản, bảo tồn, kiến trúc và nhà quản lý về phương án giải quyết công trình nhà nghỉ - nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã “chốt” số phận của công trình này. 
Số phận nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng sẽ thế nào?

Theo đó, công trình sẽ cắt bỏ 1 tầng, giữ lại 1 tầng trên mặt đất cùng 5 tầng giật cấp xuống triền dốc, cải tạo kiến trúc cho hài hòa hơn, biến thành điểm dừng chân, không ngủ nghỉ.

Chuyên gia ủng hộ cải tạo công trình

Trước đó, ngày 10/3, bà Vũ Thị Ngọc Ánh, chủ đầu tư nhà hàng Panorama đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Hà Giang, đề xuất cải tạo, chỉnh trang công trình thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách. Bà Ánh lập luận, nếu phá dỡ 6 tầng phía trên hoặc phần mái nhô ra, công trình sẽ có nguy cơ trượt xuống sông Nho Quế.

Vì vậy, bà kiến nghị giữ lại toàn bộ kết cấu công trình, chỉ thay đổi một số vật liệu cho phù hợp với cảnh quan. Bà cũng sẽ dùng các họa tiết, hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc địa phương để trang trí cho nhà hàng. Xung quanh công trình sẽ có nhiều cây và hoa.

Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang, địa phương đồng ý chủ trương cải tạo nhà hàng Panorama, thay vì phá dỡ toàn bộ. Để có căn cứ đưa ra quyết định, ngày 12/3, Hà Giang đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các nhà khoa học.

Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đại diện của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, một số kiến trúc sư... “Đa số chuyên gia di sản, văn hóa đồng tình cải tạo công trình”, ông Quý nói và cho biết trong tháng 3 sẽ hoàn thành bản thiết kế và thực hiện. 

Ủng hộ phương án trên, PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nói việc này đáp ứng nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ di sản của cộng đồng. Đây là cách thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương, tạo nguồn thu để đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di sản.

Tuy nhiên, ông Bài lưu ý phải đánh giá tác động môi trường và có giải pháp khắc phục tác động xấu đến thiên nhiên, di sản. “Tôi quan tâm tới phương pháp xử lý chất thải trong quá trình vận hành công trình. Nằm gần vùng lõi di sản, việc xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường cần được đặt ra nghiêm túc”, ông Bài nói. 

Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, chủ đầu tư đã trình bày các phương án cải tạo công trình Panorama tại hẻm Tu Sản Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc. Theo đó, đề nghị được giữ lại toàn bộ kết cấu gồm 2 tầng trên mặt đất và 5 tầng giật cấp xuống phía dưới sườn núi. Rất nhiều chuyên gia từ Viện Bảo tồn di tích, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các kiến trúc sư dự hội nghị đều thống nhất quan điểm cần có một điểm dừng chân ở vị trí công trình Panorama và “công trình xây dựng ở vị trí đó là đúng quan điểm”.

Ông Thành cho biết, Cục Di sản văn hóa và các chuyên gia dự Hội nghị đã đề xuất phương án đối với công trình này là cắt bớt một tầng trong tổng số 2 tầng và một tầng mái trên mặt đất. Phần kiến trúc còn lại bao gồm một tầng và một tầng mái trên mặt đất, cộng với 5 tầng giật cấp xuống triền dốc sẽ được cải tạo cho hài hòa tỉ lệ và hài hòa với cảnh quan. Thay đổi quan trọng nhất, theo ông Thành là đề xuất biến công trình này trở thành điểm dừng chân, “không tổ chức ngủ nghỉ”.

Nên coi không gian được giữ lại là một phần của cảnh quan

Cục phó Cục Di sản văn hóa cho biết, những đề xuất, góp ý của các chuyên gia đã được Hà Giang tiếp thu và đồng ý. Việc còn lại của Hà Giang là tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư chỉnh sửa phương án cải tạo kiến trúc của công trình này, sau đó sẽ mời một số chuyên gia kiến trúc đã dự Hội nghị lấy ý kiến vừa qua góp ý cụ thể cho Hà Giang trước khi tiến hành cải tạo công trình.

Theo kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà - người nhận nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế, nếu bắt buộc phải giữ lại và cải tạo công trình này thành điểm dừng chân thì nên coi không gian được giữ lại là một phần của cảnh quan, việc cải tạo nó phải tiếp cận từ góc độ cảnh quan trước.

Theo đó, gần như chắc chắn sẽ cần phải đổi thay cấu trúc do tính chất công trình đã thay đổi và như vậy cần xem xét không gian này từ những cấu kiện cốt lõi nhất như cột - dầm - sàn (không có tường bao che) với bối cảnh quanh nó.

“Điểm dừng chân nên theo hướng nương vào tự nhiên, có cấu trúc theo cách tự nhiên. Trong bối cảnh này thì dỡ bỏ được càng nhiều càng tốt. Công trình khi ấy có thể là đoạn đường nối dài, hoặc một cái cầu, hay một cái cây theo các tấm sàn đa hướng nhiều tầng bậc”, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà gợi ý và cho rằng Hà Giang nên tổ chức một cuộc thi nghiêm túc về việc cải tạo công trình này, sẽ nhận được rất nhiều giải pháp khả thi thú vị. 

Tòa nhà bê tông được xây làm nhà nghỉ, nhà hàng, cafe... ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà chức trách địa phương cho hay công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng. 

Hồi tháng 10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất phá dỡ toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế để cải tạo thành đất trồng cây xanh; phần còn lại (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) làm điểm dừng chân, ngắm cảnh phục vụ du khách.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Ánh, chủ đầu tư công trình phản đối đề xuất này vì cho rằng phá dỡ 6 tầng nhô ra phía sông Nho Quế sẽ ảnh hưởng đến kết cấu còn lại và gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, huyện Mèo Vạc đã yêu cầu chủ nhà hàng Paronama dừng kinh doanh để chờ kết luận của nhà chức trách.