Sở y tế Đà Nẵng nêu giải pháp hạn chế tử vong do COVID-19 và tiếp nhận nguồn vaccine

(PLVN) -  Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng có những phát biểu và trả lời chất vấn về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trong phiên làm việc buổi chiều, tại Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 12/8.
Gám đốc Sở Y tế Đà Nẵng phát biểu và trả lời chất vấn của cư tri tại kỳ họp thứ 2 HĐND Khóa X

Tại kỳ họp, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn liên quan các giải pháp tiếp cận nguồn vaccine của TP. Đà Nẵng từ nay đến cuối năm 2021 và khi nào thành phố đạt được miễn dịch cộng đồng

Thiết lập 300 giường hồi sức

Theo bà Yến, nhưng ngày vừa qua, Đà Nẵng đã trải qua rất nhiều áp lực với chuỗi lây nhiễm cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà). Đà Nẵng cũng đã thiết lập cùng cách ly y tế 5 phường thuộc từ 31/7. Sau khi kiểm soát bằng nhiều biện pháp, dấu hiệu cho thấy chuỗi lây nhiễm này đã đi xuống và thành phố đã thành công trong việc khống chế chùm bệnh này

Tuy nhiên sáng 12/8, Đà Nẵng lại xuất hiện chuỗi lây nhiễm mới rất phức tạp ở chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu), địa điểm cung cấp thực phẩm chính cho thành phố.

Bệnh viện dã chiến quy mô 1.700 giường điều trị được Đà Nẵng thiết lập tại khu ký túc xá phía Tây

Đà Nẵng phải tập trung phong tỏa với tinh thần rất rõ: “phong tỏa cứng, không bao giờ có suy nghĩ phong tỏa mềm”. Còn diện phong tỏa hẹp hay rộng phải căn cứ trên đánh giá của chuyên gia.

Tính từ ngày 10/7 đến 11/8, Đà Nẵng ghi nhận 1.473 ca mắc COVID-19 với 13 người tử vong. Toàn thành phố đang điều trị 1.069 ca bệnh, trong đó có 43 ca nặng, nguy cơ tử vong.

Cũng theo bà Yến, Đà Nẵng đã thiết lập được 300 giường hồi sức cùng máy móc hiện đại, có một hệ thống khí nén oxy đầy đủ cho quy mô 300 giường này. Tuy vậy đây đã là cố gắng hết sức, gần như tối đa của ngành y tế thành phố

Giải pháp là Đà Nẵng cần xét nghiệm thần tốc nhưng phải đúng địa điểm, trọng tâm với phương châm làm sao phát hiện F0 nhanh nhất, điều trị được F0 và hạn chế tối đa việc tử vong.

“Với tỉ lệ 5% bệnh nặng trên tổng số ca COVID-19, khi thành phố có hơn 6.000 ca thì hết công suất 300 giường hồi sức. Nếu số ca dương tính tăng hơn nữa thì hệ thống y tế chắc chắn quá tải. Vì thế việc kiểm soát làm sao cho số ca bệnh giảm cần những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị TP”, bà Yến nhấn mạnh.

Dự kiến đầu năm 2022, Đà Nẵng đạt miễn dịch công đồng

Tại kỳ họp, đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Sở Y tế TP. Đà Nẵng về các giải pháp tiếp cận nguồn vaccine của TP. Đà Nẵng từ nay đến cuối năm 2021 và khi nào thành phố đạt được miễn dịch cộng đồng và bằng cách nào?.

Bà Yến cho biết, trong tháng 7/2021, Đà Nẵng đã chủ động có nhiều văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị quan tâm, hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng 1,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã có các quyết định phân bổ 191.810 liều vắc xin phòng COVID-19 cho TP. Đà Nẵng (trong đó, phân bổ cho Sở Y tế: 185.450 liều; Bệnh viện C Đà Nẵng: 6.360 liều).

Ngành công an, quân đội được tiếp nhận vắc xin từ các Bộ chủ quản. Đến nay, Sở Y tế đã tiếp nhận 97.850/185.450 liều được phân bổ, chiếm 52,76%.

Kết quả tiêm chủng tính đến ngày 9/8/2021: Tổng số mũi tiêm 58.427 (đạt 60% so với số vắc xin đã tiếp nhận), trong đó có 7.456 người đã tiêm đủ 02 mũi; trong đó, số trường hợp phản ứng thông thường chiếm khoảng 20%; số trường hợp phản ứng nặng: 01 và đã kịp thời xử trí cấp cứu và không để lại biến chứng cho người bệnh. Đà Nẵng đang tiếp tục tiêm vắc xin Pfizer và vắc xin AstraZeneca cho các đối tượng tại các điểm tiêm chủng, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đến ngày 18/8/2021 thực hiện hoàn thành 100% liều vắc xin đã được tiếp nhận.

Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng và các doanh nghiệp đã chủ động tích cực tìm kiếm các nguồn vắc xin phòng COVID-19 từ các tập đoàn, công ty có trụ sở ở nước ngoài để góp phần nhanh chóng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm đi vào hoạt động nhằm phục hồi kinh tế. Với sự xúc tiến tích cực của Tập đoàn UAC và sự hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao của TP. Đà Nẵng trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện nội dung xin hỗ trợ vắc xin phòng COVID-19 nêu trên.

Đà Nẵng triển khai chiến dịch tiêm vaccine, phấn đấu đầu cuối năm 2021, đầu năm 2022 số lượng người trong độ tuổi, tiêm đủ 2 liều để miễn dịch cộng đồng

Theo thông tin được đăng tải chính thức tại Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế, ngày 14/7/2021, Chính phủ Rumani đã quyết định tặng 100.000 liều vắc xin AstraZeneca cho Chính phủ Việt Nam. Với thông tin này, thành phố đã chủ động có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị quan tâm ưu tiên phân bổ vắc xin AstraZeneca do Chính phủ Rumani viện trợ cho thành phố Đà Nẵng.

Song song với đó, thành phố đã và tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19 để Chính phủ mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.

Về việc đạt được miễn dịch cộng đồng, theo quyết định số 2450/QĐ-UBND ngày 15/7/2021 phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại TP. Đà Nẵng năm 2021 - 2022 đề ra mục tiêu trên 90% người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 theo từng đợt phân bổ vắc xin.

Nếu số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ đủ như đề xuất của thành phố, dự kiến cuối năm 2021 - đầu năm 2022, đạt mục tiêu người dân trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo khả năng miễn dịch cộng đồng.

Đọc thêm