Sóc Sơn, Hà Nội: Bất bình với bản án không 'tâm phục khẩu phục"

(PLO) - Tại phiên tòa hôm qua (22/8), HĐXX sơ thẩm TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Hiền (SN 1971, trú tại xã Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội) 6 tháng 4 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm đã không có nhận định, đánh giá nào về các ý kiến, quan điểm của luật sư bào chữa đã trình bày trong phần tranh luận trước đó.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Giám định không cần phim X-quang

Như PLVN đã từng thông tin, bị cáo Hiền bị CQĐT và VKSND huyện Sóc Sơn khởi tố, bắt giam vì cho là có hành vi kéo ngã bà Lê Thị Ngân (SN 1947, hàng xóm). Sau khi giám định, Trung tâm Pháp y – Sở Y tế Hà Nội cho rằng bà Ngân bị “vỡ mẻ chỏm xương cánh tay trái” (tổn hại 25% sức khỏe) và “sẹo nông mờ gối phải và trái” (1%).

Trước phiên xử cũng như tại phiên tòa, Luật sư (LS) Nguyễn Anh Tuấn và LS Hoàng Mạnh Trường (Cty Luật TNHH Trường Lộc) đều cho rằng bị hại không hề bị “vỡ mẻ chỏm xương” như kết luận giám định (KLGĐ). Bản KLGĐ này được ban hành trái pháp luật, không khách quan, không có giá trị chứng minh vì cơ quan trưng cầu giám định không thu thập đủ hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sóc Sơn, trong đó quan trọng nhất là phim X-quang thể hiện thương tích của bị hại. 

Tuy nhiên, trả lời trước Tòa, Giám định viên (GĐV) Nguyễn Ngọc Thanh lại cho rằng, việc không có phim X-quang không ảnh hưởng đến kết quả giám định. 

Ngay lập tức, các LS đã phản đối trả lời này bởi Luật Giám định tư pháp; Quy trình Giám định pháp y (do Bộ Y tế ban hành) đều quy định rõ, hồ sơ giám định thương tích vùng tứ chi phải có “bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ bệnh án liên quan đến thương tích cần giám định; Các hồ sơ về y tế có liên quan đến giám định pháp y...”.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định rõ hồ sơ bệnh án bao gồm cả phim X-quang và tài liệu này được lưu trữ trên 10 năm. Nếu không có phim X-quang thể hiện thương tích của bị hại thì cũng có nghĩa không có bằng chứng pháp lý để xác định bị hại bị vỡ mẻ chỏm xương. 

Tòa án đã từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung “xác định kết quả chụp X-quang của bị hại để làm căn cứ giám định pháp y thương tích đối với bị hại” nhưng CQĐT và VKS không đáp ứng được yêu cầu này.

Đáng lẽ, ngay từ đầu, cơ quan giám định phải từ chối giám định vì hồ sơ gửi giám định chỉ có Bản sao Giấy chứng thương của Lê Thị Ngân- không phải là một tài liệu trong hồ sơ bệnh án. Nghiêm trọng hơn, Giấy chứng thương này có dấu hiệu “vẽ” thêm thương tích của bị hại vì một loạt các tài liệu quan trọng trong hồ sơ bệnh án (như phiếu chụp X-quang; Chẩn đoán vào viện; Giấy ra viện…), lời khai của chính bà Ngân và con bà Ngân đều thể hiện bà Ngân chỉ bị “trật khớp vai trái” chứ không thấy có thương tích “vỡ mẻ chỏm xương”. Quá trình bị hại nằm viện cũng không thấy được chỉ định chữa trị vỡ mẻ chỏm xương.

Tuy GĐV Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng việc xác định thương tích của bị hại là căn cứ vào Thông tư số 20/2014/TT – BYT của Bộ Y tế (quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong Giám định Pháp y) nhưng các LS khẳng định, toàn văn Thông tư này không có mục nào quy định loại thương tích “vỡ mẻ chỏm xương cánh tay trái hạn chế tác động khớp vai mức độ vừa” cả.

Tại văn bản trả lời Tòa án, cơ quan giám định cũng không xác định được chính xác tổn thương “trật khớp vai, vỡ mẻ chỏm xương cánh tay trái hạn chế tác động khớp vai mức độ vừa” thuộc mục nào của Thông tư 20 để đưa ra con số 25% sức khỏe.

Án tù đúng bằng thời hạn tạm giam

Tuy bị cáo được Tòa tuyên trả tự do ngay sau phiên tòa sơ thẩm nhưng bị cáo Hiền khẳng định sẽ tiếp tục kêu oan. Trong khi đó, tại phần tranh luận, các LS cũng khẳng định vụ án này đã có sai phạm ngay từ giai đoạn khởi tố vì theo quy định khoản 1, Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), CQĐT chỉ được khởi tố vụ án về tội phạm theo khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự theo yêu cầu của bị hại. Tuy nhiên, nội dung Quyết định khởi tố vụ án cũng như Quyết định khởi tố bị can đều không căn cứ vào khoản 1, Điều 105 BLTTHS, tức là không có yêu cầu của bị hại.

Bảng Thống kê tài liệu có trong hồ sơ của vụ án do điều tra viên và cán bộ thống kê lập cũng không có đơn yêu cầu khởi tố vụ án của bà Ngân. Như vậy, vụ án này đã được khởi tố khi không có yêu cầu của bị hại, trái quy định tại khoản 1, Điều 105 BLTTHS? 

Tuy nhiên, tất cả các nội dung tranh luận của LS nêu trên đều không thấy được HĐXX xét xử đánh giá, nhận định trong bản án để đưa ra quan điểm chấp nhận hay phản bác. Ngay sau phiên xử, rất đông người dân theo dõi phiên tòa đã lớn tiếng thể hiện sự bất bình với bản án không tâm phục, khẩu phục này.

Trong vụ án này, bị cáo Hiền bị CQĐT ra lệnh bắt tạm giam từ ngày 19/2/ 2016 với lý do “không nhận tội và không nhận quyết định khởi tố bị can, gây cản trở điều tra”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 49 BLTTHS thì việc nhận quyết định khởi tố là quyền của bị can nên việc không nhận quyết định khởi tố không phải là hành vi cản trở điều tra. Vì vậy, cùng với việc kháng cáo kêu oan thì rất có thể tới đây, bị cáo Hiền sẽ có đơn tố cáo việc mình bị các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Sóc Sơn lạm dụng quyền lực để tạm giam không đúng quy định.