“Sống được mới khó chứ chết thì dễ lắm”
Người đàn ông đó là anh A Nức (SN 1970, dân tộc Bana, hiện ở làng phong Quy Hòa, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Phía sau bậu cửa, 4 người trong gia đình đang ăn trưa, một nồi cơm và chén mắm dằm cà nướng. 2 đứa nhỏ lóng ngóng, cơm rơi vãi ra cả ngoài mâm cơm.
Sau những giây phút e ngại vì sợ người lạ biết được căn bệnh mình đang mang, anh A Nức mới mở lòng trò chuyện với chúng tôi. Quê anh ở mãi một buôn làng xa xôi, hẻo lánh thuộc xã Con Thụp (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Tuổi thơ của anh là những tháng ngày theo cha mẹ lên nương làm rẫy, lên rừng bẫy thú.
Thế hệ A Nức ngày đó chẳng biết đến con chữ, bởi buôn làng những năm đầu sau giải phóng đâu đã có trường học. A Nức lớn lên như chim trên rừng, như cá dưới suối. Ngờ đâu năm 15 tuổi, A Nức mắc phải căn bệnh lạ. Đôi bàn chân ban đầu nổi những đốt trắng, véo không đau, gai đâm cũng không hay biết, mất đi cảm giác.
Thấy căn bệnh lạ chưa từng có, mọi người trong gia đình hoảng hốt tìm cây rừng để chữa trị. Nhưng nhiều ngày trôi qua, căn bệnh vẫn không thuyên giảm, ngược lại ngày càng trầm trọng hơn. Thế là A Nức chẳng biết làm gì hơn ngoài nhìn đôi chân cứ mỗi ngày một giống khúc gỗ, không sợ lửa, không sợ gai.
Đến lúc làng được xây dựng trường học, A Nức được đi học chữ. Lúc này, anh mới nghe thầy giáo nói mình bị bệnh phong và thấm thía thế nào là phận người cùi.
“Bạn bè thấy tôi bị bệnh lạ nên xa lánh. Người làng sợ tôi lây bệnh cho con em nên cũng ghét bỏ. Tôi đi học phải ngồi ở góc lớp. Không ai dám ngồi gần, không có bạn bè chơi cùng. Riêng chỉ có thầy giáo là thương tôi. Tôi học đến lớp 2 thì phải nghỉ vì ai thấy tôi đến gần cũng chạy trốn.
Ngày tôi nghỉ học, ai cũng mừng, chỉ có thầy giáo là khóc. Nhưng thầy cũng không giữ tôi ở lại được vì thầy có giải thích thế nào cũng không ai chịu nghe”, anh A Nức kể lại quãng thời mình bị người làng hắt hủi.
Nghỉ học ở nhà, A Nức tiếp tục sống cảnh lủi thủi. Cứ vậy, căn bệnh mỗi năm một nặng, các ngón chân bị sưng lên rồi lở loét, hoại tử. Bàn chân phải của anh bị kéo gân, co quắp khiến việc đi lại vô cùng khó khăn.
Năm 18 tuổi, A Nức đi chăn bò về nhà nhìn xuống chân thì thấy mình bị mất hai ngón út bên bàn chân phải từ lúc nào chẳng rõ. Chàng thanh niên hoảng sợ tái mặt, khóc lóc chạy đi tìm mẹ kể lại chuyện. Người mẹ thấy vậy cũng chỉ biết đau đớn ôm con vào lòng mà khóc.
Một năm sau, cha A Nức thấy bệnh tình con càng nặng nên mời thầy về cúng. Tuy nhiên, cúng bái đủ đường mà căn bệnh con trai vẫn không hết, người cha đâm ra phiền muộn, đổ bệnh rồi đột ngột qua đời.
Sau ngày cha mất, A Nức bị dân làng đuổi lên rừng ở vì sợ lây bệnh. Anh không còn cách nào khác phải lên chòi rẫy của gia đình sống. Thời gian này, anh phải trốn chui trốn nhủi vì sợ người làng bắt gặp sẽ hắt hủi mình như một “con ma rừng”. Nhưng chính những ngày tháng đau khổ này đã vực dậy trong anh một sức sống mãnh liệt.
|
Với anh A Nức, sống được mới khó chứ chết thì dễ lắm. |
“Nếu lúc ấy tôi mà chết thì dễ dàng lắm, nhưng phải cố gắng bám lấy cuộc sống này vì nếu tôi chết thì người làng sẽ nghĩ tôi bị “con ma rừng” bắt và quay lại nguyền rủa cả gia đình tôi. Tục lệ của người Bana là hễ ai đã bị đuổi ra khỏi làng là xem như đã chết rồi, vì thế sống được mới khó chứ chết thì dễ lắm”, anh A Nức tâm sự.
Sau những tháng ngày sống chui lủi, A Nức được một cô giáo tốt bụng thương tình, đưa xuống làng phong Quy Hòa vào một ngày cuối năm 1995. Bị bệnh thời gian dài không chữa trị nên ngày xuống Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, chân phải của anh đã bị lở loét, dòi ăn.
Đôi bàn chân bị hoại tử nên các bác sĩ phải cắt bỏ trong quá trình chữa trị. Tuy vậy, căn bệnh ăn sâu vào xương thịt nên 5 năm sau đó, anh lại phải cắt chân lần thứ hai.
“Cắt hai lần rồi mà chân vẫn còn lở loét, mục nát nên năm 2006 bác sĩ cắt chân tôi lần nữa. Bây giờ thì đỡ rồi, chỉ khi vận động nhiều thì vết thương mới lở loét ra thôi”, anh A Nức cho biết.
“Sỏi đá” tìm nhau
Không chỉ được chữa bệnh, ở làng phong Quy Hòa, anh A Nức còn tìm được bến đỗ của đời mình. Đó là chị M Lơi (SN 1983, vợ anh A Nức).
Năm 2005, khi A Nức đang nằm điều trị tại khu an dưỡng trong bệnh viện thì gặp chị M Lơi, người cùng huyện. Cô gái trẻ người Bana này cũng bị bệnh phong nhưng được phát hiện sớm nên điều trị chừng 1 tháng thì xuất viện.
Trong thời gian ngắn ngủi, A Nức chủ động làm quen, rồi hai người trở nên thân thiết. Một ngày, người đàn ông tật nguyền nhận ra tim mình loạn nhịp khi đứng trước cô gái.
“Một buổi sáng, tôi vô tình bắt gặp một số người đang làm những chiếc nhẫn bằng nhôm. Thấy vậy, tôi mua ngay 2 chiếc nhẫn với giá 1.000 đồng rồi đến tặng cho M Lơi với lý do để sau này gặp lại sẽ nhận ra nhau.
Sau đó, M Lơi xuất viện về quê. 3 tháng xa cách tôi thấy dài đằng đẵng nên đánh bạo tìm về quê thăm M Lơi. Sau đó, tôi nhờ già làng đến mai mối cho chúng tôi, một tuần sau thì chúng tôi cưới nhau” A Nức kể lại chuyện tình của mình.
Sau đám cưới, vợ chồng anh A Nức xin phép buôn làng, người thân xuống lại làng phong Quy Hòa sinh sống. Ngày về lại Quy Hòa, vợ chồng anh được làm lễ cưới tại nhà thờ, có cha xứ chứng giám. Đông đảo bệnh nhân và người làng cũng tới tham dự, chúc phúc cho hai người.
Sau đó, vợ chồng anh về sống trong căn nhà tập thể của làng phong Quy Hòa. Chẳng bao lâu chị M Lơi sinh đứa con trai kháu khỉnh, đặt tên A Phước. Tiếp đó là con gái M Phương, hạnh phúc nhân đôi nhưng cơ cực cũng bội phần.
Mỗi tháng, hai vợ chồng được nhận khoản tiền hỗ trợ 400 ngàn đồng cho người khuyết tật. Anh được giao cho công việc tưới cây, nhổ cỏ cho vườn hoa của bệnh viện, tiền công được 1 triệu đồng/tháng.
“Trong làng có ai thuê gì thì mình làm nấy. Khi không có ai thuê thì mình lên rừng đốn củi về bán. Rồi có khi lại róc lá dừa để bán cho người ta làm chổi. Cứ thế, đắp đổi qua ngày, lo cho con. Được cái là các con đi học không tốn tiền học phí, nhà trường, chính quyền cũng tạo điều kiện cho cháu nhiều lắm”, chị M Lơi cho biết.
Trước khi chúng tôi ra về, anh A Nức tâm sự: “Nhìn gương mặt đáng yêu và ánh mắt trong veo của các con, bao đau thương của một thời đã qua trong đi bị đẩy lùi vào quá khứ hết rồi. Cuộc sống sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn vất vả nhưng tôi sẽ cố gắng để lo cho vợ con. Bởi với tôi, mái ấm gia đình là món quà quý giá nhất mà ông trời ban tặng”.