“Sóng” của Bộ tiêu chí văn hóa gia đình đã lan tỏa rất mạnh

(PLVN) - Đó là thực tế tại các tỉnh, thành thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong 2 năm 2019-2020, trước khi Bộ tiêu chí được rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn quốc. Điều này cho thấy “sức mạnh mềm” của Bộ tiêu chí đã thực sự lan tỏa đến với mọi miền, gõ cửa từng nhà, làm bạn với từng cá nhân thành viên gia đình để góp phần giữ vững những giá trị gia đình tốt đẹp, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Bộ tiêu chí đã đến được với nhiều gia đình tại nhiều tỉnh, thành.
Bộ tiêu chí đã đến được với nhiều gia đình tại nhiều tỉnh, thành.

Nâng cao tình cảm gắn kết trong gia đình

Thái Bình là 1 trong 12 tỉnh thành của cả nước được Bộ VH-TT&DL chọn thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Bộ tiêu chí). Gia đình ông Đinh Văn Khuyên ở phường Đề Thám, thành phố Thái Bình là một trong những hộ tích cực hưởng ứng thực hiện Bộ tiêu chí. Ông Khuyên cho biết, Bộ tiêu chí chứa đựng quy định chi tiết các mối quan hệ, giúp cho người dân hiểu và dễ dàng thực hiện. 

“Trong cuộc sống phải hòa thuận, bố mẹ phải đúng trách nhiệm chỉ bảo con cái. Bố mẹ phải biết con mình hiện nay làm gì, đang đi đâu, trong cuộc sống theo dõi công việc con cái, các cháu của mình để khi phát hiện ra ngăn chặn sớm sẽ tốt hơn. Việc thực hiện Bộ tiêu chí góp phần gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, để cùng nhau sống có trách nhiệm hơn” – ông Khuyên bày tỏ.

Cùng quan điểm, ông Trần Trung Kiên, công chức văn hóa phường Đề Thám, thành phố Thái Bình nhận định: “Ứng xử trong gia đình là văn hóa. Bộ VH-TT&DL đã hệ thống lại thành Bộ tiêu chí để giúp nâng cao tình cảm gắn kết trong gia đình, ông bà với con cháu, vợ chồng, anh chị em. Để từ đó thực sự gia đình là nơi trở về, nơi chia sẻ”.

Cũng là một trong những tỉnh, thành được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình thực hiện Bộ tiêu chí, Lào Cai đã lựa chọn 2 xã Cốc San huyện Bát Xát và xã Tả Phời thành phố Lào Cai thực hiện thí điểm giai đoạn 2019-2020.

Theo tổng hợp của Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai, 100% các hộ gia đình tham gia đăng ký có hiểu biết, nhận thức rõ ràng về nội dung, ý nghĩa của 4 quy tắc chung và từng tiêu chí ứng xử cụ thể trong các mối quan hệ gia đình, hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện theo Bộ tiêu chí, từ đó quyết tâm và đăng ký thực hiện; 100% các hộ gia đình đăng ký thực hiện đều khẳng định rằng việc thực hiện Bộ tiêu chí là thực sự cần thiết, phù hợp và có hiệu quả trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc góp phần tạo sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

Có thể nói, qua một năm thực hiện cho thấy đã có những tác động tích cực trong đời sống xã hội. Ông Lục Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND xã Cốc San cho rằng, việc triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực đối với các hộ gia đình đăng ký thực hiện nói riêng và nhân dân trên địa bàn nói chung.

Việc triển khai Bộ tiêu chí đã góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội, các vấn đề như tảo hôn, bạo lực gia đình, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương… trên địa bàn thí điểm. Trong năm 2019, 2020 cả hai xã thí điểm không xảy ra vụ bạo lực gia đình hay phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường…

Phong phú nhiều hình thức tuyên truyền mới

Năm 2019, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thí điểm Bộ tiêu chí tại thị trấn Ea Pốk huyện Cư M'gar và xã Cư Bao thị xã Buôn Hồ, năm 2020 Sở VH-TT&DL tỉnh tiếp tục thí điểm tại xã Buôn Tría huyện Lắk và xã Ea Nuôl huyện Buôn Đôn. Tại Buôn Đôn có hơn 300 hộ gia đình đại diện các nhóm hộ đăng ký thí điểm trên địa bàn.

Để Bộ tiêu chí đến được với từng gia đình, từng người dân, UBND huyện Buôn Đôn chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là trên Đài truyền thanh của xã trong việc tuyên truyền triển khai các nội dung của Bộ tiêu chí. 

Cùng với triển khai Bộ tiêu chí, tỉnh Đắk Lắk cũng thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020. Sau 10 năm thực hiện, Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tại địa phương.

Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 364.167/444.649 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 81,9%); 73/184 xã, phường, thị trấn có Mô hình PCBLGĐ, với 611 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 829 nhóm PCBLGĐ, 596 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 468 đường dây nóng về PCBLGĐ.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà cho rằng bài học kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Đề án đó là lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện phải linh hoạt, sáng tạo, nội dung và hình thức phải phù hợp, công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức phong phú để thu hút sự tham gia, hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân…

Tại tỉnh Lào Cai, bên cạnh việc tập trung xây dựng mô hình thí điểm Bộ tiêu chí tại 2 xã được chọn làm thí điểm, Sở VH-TT&DL Lào Cai còn triển khai tuyên truyền rộng khắp trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền về “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, tuyên truyền kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình.

10.000 tờ rơi Bộ tiêu chí được in ấn, cấp phát cho 1.997 thôn bản, 164 xã phường, thị trấn nhằm tuyên truyền rộng khắp tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Sở đã đưa nội dung Bộ tiêu chí vào trong nội dung các chương trình công tác của ngành như: tuyên truyền thông tin lưu động tại cơ sở, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cấp tỉnh cho cán bộ văn hóa 164 xã, phường, thị trấn và 200 trưởng thôn, bản, chi hội trưởng phụ nữ thuộc 40 xã xây dựng nông thôn mới…

Nhận định về tình hình triển khai Bộ tiêu chí trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thái Bình cho biết, qua việc triển khai Bộ tiêu chí cố gắng tuyên truyền tới các hộ gia đình, mỗi thành viên, các cấp, các ngành thấy được vai trò của văn hóa gia đình trong hình thành nhân cách, trong phòng chống tác nhân xấu độc từ bên ngoài đến văn hóa gia đình…giữ vững những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Nếu mỗi con người chúng ta được sống trong gia đình, xã hội ngập tràn nhân văn, tinh thần yêu thương, vị tha thì chắc chắn xu hướng tội phạm, những hành vi lệch chuẩn sẽ bị đẩy lùi. 

12 tỉnh, thành phố được Bộ VHTT&DL chọn thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Lào Cai, An Giang, Thừa Thiên - Huế, Yên Bái, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thái Bình, Bình Thuận và Quảng Ninh.
Theo đó, các địa phương này sẽ triển khai các hoạt động như: tổ chức phát động đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí; tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương và trên pa-nô, áp-phích tại địa bàn xã/phường chọn mô hình thí điểm; tổ chức sinh hoạt cộng đồng tại mô hình chọn thí điểm; kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình thực hiện.

Đọc thêm