Sống ở chung cư: Dân khổ vì “quả bóng” trách nhiệm

(PLO) -Nỗi lo thiếu nước trong mùa hè mới dứt cách đây ít lâu thì nay hàng nghìn hộ dân sống tại các chung cư ở Hà Nội lại khổ sở khi phát hiện nước sinh hoạt chưa đảm bảo chất lượng. Đáng nói, quanh các vụ việc này, người dân phải sống trong cảnh “cha chung không ai khóc” khi “quả bóng” trách nhiệm về chất lượng nước sinh hoạt vẫn liên tục được đưa đẩy, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính vẫn chưa xác định rõ.

Nước sinh hoạt nhiễm bẩn

Nước sạch từ lâu được xem như một yếu tố quan trọng cấu thành nên chất lượng cuộc sống. Y học đã chứng minh, rất nhiều bệnh đem đến cho con người đều xuất phát từ nguyên nhân là sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh hay bị nhiễm bẩn.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Cũng theo đánh giá tổng hợp của các đơn vị này, hàng năm có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước.

Ở Hà Nội, nguồn nước sinh hoạt cấp cho một số khu tập thể, chung cư, kể các các chung cư cao cấp đang ở trong tình trạng báo động, nơi thì bị mạch nước thải chảy thẳng vào bể, nơi thì bị nước nguồn nhiễm bẩn ngấm qua bể ngầm bê tông… dẫn đến nguy cơ gây các bệnh ngoài da, mắt, mũi, họng… ngày càng cao, không những ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân mà còn gây ấn tượng không tốt với người dân về loại hình nhà ở chung cư – một xu hướng đang rất được thịnh hành thời nay.

Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng) là điển hình của việc người dân phải sống chung với nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo. Theo phản ánh, suốt gần 5 năm nay, các hộ dân Khu đô thị Tân Tây Đô phải dùng nước nước nhiễm asen, gây hại cho sức khỏe. Tại đây, nước có màu đen sậm và rất nhiều cặn.

Theo kết luận của Tổng cục Đo lường chất lượng, nước do chủ đầu tư cấp bị nhiễm asen và amoni gấp hơn 3 lần tiêu chuẩn Việt Nam cho phép. Đặc biệt, tất cả các mẫu xét nghiệm được tiến hành trong suốt 5 năm qua cũng đều cho kết quả hàm lượng asen gấp 3 lần, amoni 6 lần so với bình thường, chưa kể những thành phần khác.

Đợt kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiến hành kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại Khu đô thị Tân Tây Đô ngày 9/11/2017 cũng phát hiện ra nhiều hóa chất chưa có tem nhãn phụ về tiếng Việt được sử dụng trong nước.

Cư dân khu đô thị Tân Tây Đô căng băng rôn yêu cầu đơn vị có trách nhiệm phải giải quyết dứt điểm tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo.
Cư dân khu đô thị Tân Tây Đô căng băng rôn yêu cầu đơn vị có trách nhiệm phải giải quyết dứt điểm tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo.

Tương tự, các cư dân thuộc Khu đô thị Kiến Hưng (Hà Đông), H2 Hòa Bình Green City (Minh Khai)… các hộ dân sinh sống tại tòa nhà HH01A, HH02 – 1A, HH02 – 1C, HH03 – A, B, C và các tòa nhà khác tại dự án Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 (do Tập đoàn Mường Thanh làm Chủ đầu tư) ở xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) cũng liên tục phản ánh trước công luận hiện tượng nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Điểm tương đồng tại các nơi này chính là tình trạng nước sinh hoạt bị vẩn đục, lắng cặn. Nhiều hộ gia đình tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 còn cho biết họ phải mua nước sạch, nước đóng bình để sinh hoạt, bao gồm ăn uống, tắm rửa, vệ sinh vì sợ dùng nước mà chủ đầu tư cung cấp sẽ mang bệnh vào người.

Cần quy rõ trách nhiệm

Khách quan nhìn nhận, hiện tượng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, không đảm bảo có thể  do nhiều nguyên nhân khác nhau và các đơn vị phụ trách quản lý cũng thuộc từng khâu đoạn nên nếu quy trách nhiệm sẽ rất khó khăn. Chẳng hạn, hiện nay nước sinh hoạt tại các chung cư, nhà cao tầng, khu đô thị trước khi cấp đến từng hộ dân đều được chứa tại các bể trung gian xây ngầm tại các tòa nhà.

Trong khi đó, các đơn vị cung cấp nước sạch đều cho rằng chỉ có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đến đồng hồ tổng trước khi chảy vào hệ thống bể ngầm của chung cư, còn việc phân phối nước đến các hộ dân là trách nhiệm của chủ đầu tư. Riêng phía chủ đầu tư, Ban quản lý chung cư lại cho rằng, chỉ biết mua nước của đơn vị cung cấp, khi nguồn cấp của các đơn vị nước sạch vào bể ngầm không đủ rất dễ gây ra hiện tượng nước đen, vẩn đục.

Hệ lụy nhãn tiền từ tình trạng trên đó là cảnh “cha chung không ai khóc” diễn ra ở các chung cư. Cư dân Khu đô thị Tân Tây Đô là ví dụ. Theo tìm hiểu, cho đến nay, chủ đầu tư của Tân Tây Đô và Công ty cung ứng nước Tây Hà Nội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc làm thế nào đấu nối nguồn nước sạch cho người dân.

Sống chung với nguồn nước không đảm bảo, người dân Tân Tây Đô vẫn đang chờ nguồn nước sạch sông Đà của Công ty nước Tây Hà Nội. Tương tự, tại dự án Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, cho đến nay lỗi thuộc về chủ đầu tư hay đơn vị cấp nước, hay là do từ hai phía dường như vẫn chưa  ngã ngũ. Chỉ biết rằng, hàng ngày cư dân nơi đây vẫn đang phải đau đầu, khổ sở cho việc đi đòi quyền mưu cầu tối thiểu của mình- muốn có nước sạch.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sinh chuyên viên tư vấn luật - Công ty Cổ phần tư vấn ĐLS Việt Nam cho biết, trước khi mua nhà, cư dân là thượng đế. Nhưng, mọi thứ đảo chiều lúc về ở. Chủ đầu tư ở thế cầm chuôi, còn cư dân luôn phải “rồng rắn” đi đòi quyền lợi dịch vụ bao gồm nước sạch sinh hoạt.

Theo ông Sinh, nếu quá trình sinh sống tại tòa nhà xảy ra tình trạng nước nhiễm bẩn, gây tác hại tới sức khỏe của cư dân, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan kiểm tra, xử lý để cung cấp nước sạch. Trong trường hợp chủ đầu tư chây ỳ, lâu không xử lý, cần có sự vào cuộc của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, luật sư để bảo vệ quyền lợi của cư dân.

Rõ ràng, việc quy trách nhiệm hay xử lý nghiêm đối với những chung cư có nguồn nước chưa đảm bảo đã đưa vào sử dụng là hết sức cần thiết. Có như vậy người dân sống tại chung cư mới sớm thoát khỏi cảnh “quả bóng” trách nhiệm bị đá qua đá lại, phải dùng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng hàng ngày. 

Đọc thêm