Cái giá của một chỗ yên ổn nghỉ “đẹp về vị trí, tốt về phong thủy”, mộ trong công viên... có lúc bằng giá cả căn nhà mà rất nhiều người dành dụm cả đời không có được. Đáng chú ý, không chỉ đại gia, người giàu có mà ngay cả những người có kinh tế khó khăn cũng cố gắng mua cho được một sinh phần làm quà biếu cha mẹ, thậm chí nhiều người trong số họ không có tiền trả một lần, đã phải tìm đến dịch vụ mua đất nghĩa trang trả góp…
“Có cầu ắt có cung”
Chị Ngọc Anh (một giảng viên thanh nhạc ở Hà Nội) cho hay, chuyện hậu sự, “nhà cửa” cho cha mẹ đang là nỗi lo lắng của nhiều người, vì bây giờ đất nghĩa trang trước sau ai cũng phải mua, ai không “xí chỗ” còn không có chỗ mà “ở”. Do vậy, chị đã mua sẵn cho cha mẹ các phần mộ khang trang để báo hiếu với các cụ.
“Ngày xưa, các cụ cao tuổi ở dưới quê lúc nào cũng mong muốn được nhìn thấy một cỗ áo quan cho mình. Việc mua sẵn áo quan khi còn sống khiến các cụ cảm thấy yên trí, bởi suy nghĩ “an tâm sau này đã có một nơi để nằm”. Ngày nay, cỗ quan tài là điều đơn giản và buộc phải có, phần mộ nghĩa trang sạch đẹp tôi tin sẽ làm các cụ vui hơn”, chị Ngọc Anh tâm sự.
Trao đổi với phóng viên, chị Khánh, đại diện một đơn vị cung ứng dịch vụ đất nghĩa trang cho biết, việc mua đất nghĩa trang để báo hiếu cha mẹ những năm gần đây đang có xu hướng tăng. Đặc biệt, vào tháng 7 âm lịch, số lượng đặt hàng tăng cao hơn hẳn so với các tháng trong năm. Bản chất của đất này không có tính đầu cơ, đầu tư, thừa kế, cầm cố nên nhu cầu thực sự là nhu cầu thực tế.
“Hiện nay, nhiều người đã thay đổi quan điểm về việc tìm nơi an nghỉ cho cha mẹ. Thay vì mua phần mộ cho người đã chết, xu thế bây giờ là rất nhiều người trẻ đi tìm nơi an nghỉ cho cha mẹ mình để phòng khi bất trắc. Tôi cho rằng việc lo cho “tới nơi tới chốn” nơi yên nghỉ của cha mẹ cũng là một phần của chuyện hiếu đạo”, chị Khánh nói.
“Vừa rồi, công ty chúng tôi có tiếp nhận một khách hàng là doanh nhân thành đạt, bí mật mua phần mộ cho bố, tuyệt nhiên không nói với ai vì sợ đến tai bố, ông cụ sẽ hiểu lầm là cậu con trai muốn bố chết sớm. Anh này cũng không hề hay biết bố anh cũng tự đi mua phần mộ cho mình nhưng giấu con cái, sợ con nghĩ bố đang mang bệnh tật gì mà phải mua đất nghĩa trang.
Hai bố con lẳng lặng đi mua nhưng không hiểu duyên cớ gì mà lại chọn thời điểm mua cùng lúc. Cả hai vô cùng ngỡ ngàng khi thấy nhau, nói ra thì mới biết, hai bố con đều có dự định giống nhau”, chị Khánh tiếp lời.
Cũng theo chị Khánh, sinh lão bệnh tử là quy luật, ai cũng phải trải qua. Trước đây, người Việt thường né tránh nhắc đến chuyện ma chay, hậu sự cho người đang còn sống, nhưng bây giờ, đất nghĩa trang ngày càng co hẹp, việc “phòng xa” đất mai táng đối với người cao tuổi là chuyện nghiêm túc đối với nhiều gia đình.
Người ta quan niệm, chọn đất đặt mộ là việc vô cùng quan trọng. Nó không những ảnh hưởng việc siêu thoát vong linh của người mất mà còn tác động không nhỏ tới cuộc sống của người ở lại. Vì thế, không ít người con còn cầu kỳ dẫn cha mẹ đi cùng để ngắm nghía, tham quan nghĩa trang, chọn cho cha mẹ một phần mộ như ý.
Với nhiều người, việc tìm kiếm đất để mai táng thậm chí còn phải chu đáo, cẩn thận hơn cả tìm đất cho người sống. Điều này cũng dễ hiểu bởi quan niệm của Việt Nam là “mồ yên mả đẹp” thì các cụ sẽ phù hộ độ trì cho con cháu, con cháu mới được nhờ. Đồng thời, dân gian cũng thường nói, linh hồn người chết có yên ổn thì người ở lại mới thịnh vượng, vì vậy các thầy phong thủy xem trọng âm trạch hơn dương trạch.
Chị Khánh cho biết, hiện những khuôn viên 800m trên đỉnh đồi, hay những khuôn viên ở gần chùa (quan niệm có ánh sáng phật chiếu vào, đem lại sự bình yên), phong thủy tốt… có giá rất cao, lên đến nhiều tỷ đồng. Không ít gia đình sẵn sàng đổ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, vừa để đầu tư xây dựng các phần mộ cho cha mẹ thật đẹp đẽ, chu đáo, vừa được tiếng hiếu thảo.
Có khuôn viên mộ được xây dựng “đúng bài” phong thủy, phía sau mộ là năm ngọn núi được ghép từ các khối đá lớn sừng sững, phía trước là ao sen rộng rãi tạo cảnh sơn thủy hữu tình. Có khuôn viên thì khép kín với tường bao quanh ốp đá sang trọng, cổng vào trang trọng dựng từ gỗ quý theo kiểu đình chùa. Non bộ, ao sen chạy dọc theo những ngôi mộ đã được xây dựng sẵn, chỉ còn chờ người mất... vào nằm.
Xu thế xây mộ theo kiểu gia tộc đang ngày càng thịnh hành. Người ta muốn ông bà, bố mẹ, người thân trong dòng tộc nằm cùng chỗ nên xây dựng thật lớn một lần và con cháu tiện bề hương khói, thăm nom, chăm sóc sau này.
“Mặc dù các nghĩa trang có nhiều khu với những mức giá khác nhau, nhưng những ngôi mộ xây càng đắt tiền lại càng được khách hàng ưu tiên chọn lựa. Vì đất nghĩa trang rất thiêng liêng, quan trọng nên không chỉ người giàu có, mà ngay cả người khó khăn cũng tìm cách mua cho được các phần mộ làm quà cho cha mẹ. Những người không có điều kiện kinh tế thường mua mộ đơn, liền kề, diện tích nhỏ. Bố mẹ họ cũng không đòi hỏi, bởi họ biết điều kiện của con mình chỉ thế thôi”, chị Khánh chia sẻ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty này còn sáng tạo ra các dịch vụ mới lạ như bán đất mộ trả góp hay cúng giỗ online. Chị Khánh giới thiệu, dịch vụ mua đất mộ trả góp là để đáp ứng nhu cầu của những người ở độ tuổi trên tuổi lao động, nhiều cụ già không có chỗ dựa, không có thu nhập. Chị Khánh tin tưởng dịch vụ mua trả góp đất nghĩa trang sẽ trở thành một dịch vụ mà nhiều người… trông đợi.
“Mới đây, có anh con trai đưa cả mẹ đến công ty chúng tôi, với mong muốn mua một khuôn viên mộ đôi cho cha mẹ anh vào đúng dịp tháng 7 âm lịch, bởi tâm nguyện của các cụ là khi sống được biết sau này họ chắc chắn sẽ nằm cạnh nhau lúc khuất núi. Trường hợp này không đủ tiền chi trả phần mộ, chúng tôi chấp nhận cho họ đặt trước 50% rồi trả góp mỗi tháng 1 triệu”, chị Khánh kể.
Đối với dịch vụ cúng giỗ online, khách hàng chỉ cần truy cập vào trang website công ty, chọn các gói dịch vụ và chọn các sản phẩm, đăng ký ngày giờ làm lễ. Bộ phận dịch vụ hậu cần của công ty này sẽ triển khai, thực hiện cúng giỗ theo đúng ngày, giờ và các sản phẩm dịch vụ đi kèm tại khuôn viên phần mộ người thân của khách hàng. Sau đó bộ phận dịch vụ hậu cần sẽ gửi email (Video và hình ảnh) cho khách hàng thông báo về kết quả triển khai gói cúng giỗ mà khách hàng đã đăng ký.
“Khi đưa ra dịch vụ cúng giỗ online, chúng tôi gặp rất nhiều các ý kiến trái chiều cho rằng làm thế là làm mất bản chất của tục thờ cúng linh thiêng và hiếu lễ của con cháu với ông bà tổ tiên. Nhưng chúng tôi làm dịch vụ này xuất phát từ nhu cầu thực sự của khách hàng và quan niệm về cái tâm của người sống với người đã khuất là ở trong lòng.
Với những người đang học tập, lao động ở nước ngoài hoặc đi công tác ở các tỉnh, thành xa Hà Nội, việc chăm sóc mộ người thân hoặc cúng giỗ, ngày rằm, mùng một... là khó thực hiện. Việc xây dựng dịch vụ cúng giỗ online sẽ đáp ứng nhu cầu hương khói cũng là để những người ở xa đó được yên lòng”, chị Khánh phân trần.
Chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Bùi Hồng Quân và PGS.TS Trịnh Hòa Bình |
Mộ tiền tỷ cho cha mẹ có là báo hiếu?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình (giám đốc Trung tâm dư luận xã hội - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, hiện nay, việc mua bán đất nghĩa trang để dành đang dần trở thành một xu thế khi đất cát ngày càng trở nên đắt đỏ, các mô hình kinh doanh công viên nghĩa trang cũng ngày càng phát triển và được quảng cáo rầm rộ.
Bên cạnh đó, quan niệm xây mồ mả, thờ cúng tổ tiên, cha mẹ là chuyện linh thiêng ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và của con cháu sau này. Vì vậy, nhiều người không tiếc tiền để sở hữu khu đất ưng ý, rồi còn bỏ ra hàng tỷ đồng xây dựng mộ xa xỉ.
“Việc mua đất nghĩa trang tiền tỷ làm quà biếu cha mẹ cũng thể hiện xu hướng ăn tiêu, một biểu hiện cho thấy người Việt ngày càng biết hưởng thụ hơn so với xã hội thời xưa. Mặt khác, tôi cho rằng, có người xây để thấy yên lòng rằng mình đã báo hiếu được cho cha mẹ, nhưng cũng không ít người chủ yếu là muốn khoe giàu, thậm chí lấy tiếng trong việc làm ăn”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhìn nhận.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, không phải tiền càng cao, quà biếu càng giá trị thì lòng thành càng lớn, bởi tiền không phải thước đo tình cảm với bậc sinh thành. “Giữa lúc kinh tế đang khó khăn, tôi không nghĩ những ai làm ăn chân chính lại đổ ra nhiều tiền chỉ để xây mồ mả. Xã hội bây giờ cũng không thiếu người phất lên bằng những con đường không chính đáng, ít nhiều muốn thể hiện “đẳng cấp”, ông Bình nhấn mạnh.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, việc người giàu bỏ ra hàng tỷ đồng để mua và xây mộ cho cha mẹ phần nào đang đánh vào lòng tự tôn của người nghèo, khiến nhiều người trong nhóm này cũng đua chen báo hiếu theo xu thế. Việc mua trả góp hoặc nợ nần để mua cho bằng được một sinh phần vượt quá khả năng tài chính của mình cũng cho thấy bệnh thành tích, thói háo danh, sĩ diện ở một bộ phận hiện nay.
“Bản thân tôi cũng tin vào chuyện tổ tiên phù hộ, tâm linh nhưng tôi nghĩ, tận hiếu với cha mẹ, ông bà lúc họ đang sống mới quý, chứ cần gì phải mồ mả nguy nga”, ông Bình nói.
Còn theo chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Bùi Hồng Quân, phán xét việc con cái mua đất nghĩa trang tiền tỷ cho cha mẹ là có hiếu hay không cần căn cứ vào động cơ và mục đích của những người con.
Với những người con bỏ mặc cha mẹ khi họ còn sống, không thèm đoái hoài hay quan tâm chăm sóc, nhưng bỗng dưng lại mua đất rồi xây những ngôi mộ thật to cho cha mẹ nói rằng để báo hiếu, thì đó là chữ hiếu méo mó.
Ngược lại, nếu như trong cuộc sống hàng ngày, con cái đã làm rất tốt việc chăm lo cho cha mẹ khi họ còn sống, thì việc con cái có điều kiện, mua tặng cho cha mẹ một sinh phần đáng giá để sau này cha mẹ có một cuộc sống “ở bên kia” cũng là điều đáng trân trọng, thể hiện lòng hiếu thuận.
Tuy nhiên, chuyên gia Bùi Hồng Quân cho rằng, thay vì bỏ ra hàng tỷ đồng mua đất nghĩa trang báo hiếu cha mẹ (số tiền có thể mua được cả căn nhà khang trang cho người sống) thì những người con nên tiền dùng số tiền đó vào những việc thiết thực hơn cho cha mẹ, như đưa họ đi du lịch, mua những món ăn thật ngon cho họ… Như vậy lòng hiếu thuận sẽ được thể hiện một cách ý nghĩa hơn.
“Thực sự tôi cảm thấy những trường hợp con cái không có điều kiện kinh tế mà vẫn nợ nần để cố gắng mua phần mộ làm quà cho cha mẹ rất đáng suy ngẫm. Theo tôi, họ cần phải hiểu, nếu cha mẹ biết con cái phải chịu nợ nần vì họ thì họ có vui không? Chắc chắn là không rồi. Trong khi đó, điều quan trọng nhất của việc tặng quà là làm cho người nhận vui lòng. Cha mẹ không vui thì món quà đó không có giá trị”, Thạc sĩ Hồng Quân nêu quan điểm.
Đối với nhiều người già, ở tuổi gần đất xa trời, họ rất nhạy cảm khi nói đến cái chết. Vì vậy, con cái trước khi muốn mua đất nghĩa trang biếu cha mẹ thì nên thăm dò, trò chuyện qua những câu hỏi. Để từ đó nắm bắt được tâm lý của cha mẹ và hành động thuận lòng các cụ.
“Trong trường hợp bản thân chúng ta thấy cần thiết mà cha mẹ có biểu hiện không đồng tình thì chưa cần công khai việc tặng quà này. Khi mà các cụ cảm thấy cuộc sống không còn bao lâu nữa thì lúc đó con cái mới nên nói. Bởi tặng quà cho cha mẹ cũng cần phải vào thời điểm thích hợp, để cha mẹ cảm thấy được hạnh phúc nhất. Như thế mới đúng với mục đích của người tặng”, anh Hồng Quân lưu ý.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, lòng hiếu thuận của con cái dành cho cha mẹ phải được thể hiện trong suốt cả cuộc đời, bằng những hành động cụ thể xuất phát từ thực tâm của mình, với tâm nguyện làm cho cha mẹ yên tâm, hài lòng nhất. Nếu như chỉ mùa Vu Lan chúng ta mới quan tâm tới cha mẹ thì chữ hiếu đó chưa trọn vẹn.
Vu Lan nhắc đạo làm con
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bằng A, Đại biểu Quốc hội khóa XIV), lễ Vu Lan rất có ý nghĩa, đặc biệt trong xã hội hiện đại. Đó là truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, một nét đẹp văn hóa, đề cao giá trị đạo đức cho người dân Việt Nam chúng ta trong báo ân, báo hiếu. Đây cũng là một trong tứ ân của nhà Phật.
“Dù chúng ta ở lứa tuổi nào, ở tầng lớp nào và địa vị nào trong xã hội thì với người Việt của chúng ta thì chữ hiếu cũng phải đứng lên hàng đầu. Các bậc vua chúa ngày xưa cũng phải hiếu với vua cha và mẫu hậu của mình. Những người con dân cũng có hiếu với cha mẹ mình. Cho nên tất cả gặp nhau một chữ Hiếu”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
“Chúng ta biết rằng, chữ hiếu của đạo Phật và lòng hiếu đạo của người Việt Nam luôn được coi trọng bậc nhất. Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam được hơn 2000 năm, do đó, tư tưởng, quan niệm và cách hành xử hiếu đạo của người Việt và chữ “Hiếu” trong giáo lý Phật giáo gần nhau và có thể coi là một.
Trong Kinh điển, Đức Phật rất đề cao hiếu đạo. Đức Phật cũng là một người con có hiếu. Trong các điều phúc, không có điều phúc nào lớn bằng con cái có hiếu với cha mẹ. Và ngược lại, trong các điều tội, bất hiếu là tội nặng nhất.
Trên tinh thần hiếu đạo, Đức Phật có dạy rằng, người con có hiếu là người con lúc cha mẹ còn sống thì lo chăm sóc, lúc cha mẹ thác đi thì lo lễ cầu siêu. Đây là việc rất đơn giản nhưng cần nhất là cái tâm, sự thành ý của mỗi người.
“Không chỉ ở mùa Vu Lan mới đề cập đến chữ hiếu. Chữ hiếu phải được giáo dục trong gia đình, trong nhà trường. Tôn giáo kết hợp với nhà trường, xã hội để có những điều răn dạy thấm nhuần đạo hiếu ở đời. Tôi rất thích câu hát, “mẹ của em ở nhà, là cô giáo mến thương... Cô giáo như mẹ hiền”.
Ông cha ta đề cao công ơn thầy như cha mẹ, đề cao tình thầy trò. Nếu thầy ra thầy, trò ra trò, tôi tin chắc rằng những điều hiếu nghĩa ở đời sẽ được truyền thụ chứ không chỉ những kiến thức”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ.
Để truyền đạo hiếu cho đời, chùa Bằng A thường tổ chức các khóa tu tuổi trẻ (thường là sau kỳ thi đại học); khóa tu báo hiếu; khóa tu sinh viên. Nhiều ngày trong tuần, đều có những buổi giảng giáo lý cho các bạn thanh niên, trung niên, người lớn tuổi.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết: “Thông qua giáo lý nhà Phật, chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp sống tốt đời đẹp đạo đến cho mọi người. Tôi cũng mong rằng, trong lễ Vu Lan sẽ được nhìn thấy thật nhiều người có bông hồng đỏ cài trên ngực”.