Cứu giúp hàng ngàn người bệnh
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại TP.Pleku, từ nhỏ, cô gái Nguyễn Thị Thu Hằng đã sớm dứt nợ với đời để đi vào đường tu ở chùa Bảo Sơn, gửi mình nương nhờ nơi cửa Phật với pháp hiệu Thích nữ Minh Chánh.
Xuất gia đi tu từ nhỏ và bản thân từng chịu đựng những nỗi đau do bệnh tật hành hạ, cũng như chứng kiến bao cảnh người nghèo mắc bệnh nhưng không có điều kiện chữa trị, phải quằn quại trong cơn đau. Những lúc như thế, ước muốn trở thành một lương y để khám chữa bệnh cứu người, cứu đời cứ thúc giục trong tâm trí sư cô. Vậy nên sư cô đã quyết tâm vừa tu vừa theo học nghề Đông y.
Năm 2001, sư cô Minh Chánh tốt nghiệp lương y đa khoa và làm việc tại Minh Đường (quận 4, TP.Hồ Chí Minh). Năm 2003, sư cô được tặng giấy khen xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM trong việc khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
“Từ chuyện chính mình bị trượt đĩa đệm đốt sống lưng phải đi khắp nơi để tìm thầy, kiếm thuốc chữa bệnh, do vậy trong suốt quá trình học, làm việc và chữa bệnh tại TP.HCM, tôi được các thầy truyền dạy kinh nghiệm về chữa bệnh bằng đông y, chủ yếu là thuốc nam và châm cứu”, sư cô Minh Chánh cho biết.
Năm 2008, sau gần 15 năm theo học và chữa bệnh tại TP.HCM, sư cô Minh Chánh được ni sư trụ trì chùa Bảo Sơn gọi về phụ trách phòng khám bệnh y học cổ truyền từ thiện Tuệ Tĩnh đường vừa mới thành lập để chữa bệnh cứu người.
“Ban đầu khi mới mở, dù là phòng khám từ thiện nhưng người dân vẫn chưa tin tưởng nên đến khám rất ít. Dần dần, nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh, người bệnh nghèo đến khám và xin thuốc ngày một đông hơn. Chúng tôi lấy đó làm niềm vui như lời Đức Phật đã răn dạy “cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa phù đồ”, sư cô Minh Chánh bộc bạch.
Gần 10 năm nay, đều đặn các ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần, phòng khám Tuệ Tĩnh đường của chùa Bảo Sơn lại mở cửa phát tâm làm thiện khám bệnh, châm cứu giúp đỡ người nghèo. Buổi chiều thứ bảy và chủ nhật, phòng khám phát thuốc chữa bệnh miễn phí.
Mỗi ngày, sư cô Minh Chánh và các cộng sự đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 100 người, châm cứu cho 15 đến 20 người. Đa số người bệnh đến nương nhờ cửa từ bi đều có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có rất nhiều người dân tộc thiểu số và cả những người từ các tỉnh lân cận.
Từ ngày mở phòng mạch tới nay đã có hàng chục ngàn lượt người đến thăm khám và được sư cô Minh Chánh chữa bệnh thuyên giảm, nhiều người đã khỏi hẳn bệnh tật. Thậm chí, có những bệnh nhân đã đi nhiều cơ sở y tế, uống nhiều thuốc Tây y tưởng chừng không thể khỏi bệnh nhưng khi được điều trị bằng thuốc Nam, bệnh tình đã thuyên giảm nhiều, giúp kéo dài sự sống.
Trường hợp chị Y Tren (40 tuổi, ngụ thị trấn Đak Tô, huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum) bị bệnh ung thư gan bệnh viện trả về. Cách đây 3 năm, chị Tren tìm đến cửa chùa nhờ sư cô Minh Chánh chữa trị.
“Lúc bệnh viện trả về, tôi đi không nổi, da vàng bủng, xanh xao không còn hy vọng sống nữa. Được sư cô động viên uống thuốc thử, nên đều đặn 2 tuần một lần, tôi xuống chùa lấy thuốc về sắc uống. Từ đó, bệnh không tiến triển thêm mà người lại khỏe ra, da dẻ hồng hào trở lại, đi lại nhanh nhẹn hơn. Vừa rồi, tôi đi vào TP.HCM khám lại, bác sĩ ở đây rất ngạc nhiên”, chị Tren phấn khởi nói.
Căn phòng để sư cô Minh Chánh châm cứu cho bệnh nhân. |
Hay như trường hợp ông Nguyễn Thưởng (ngụ TP.Pleiku) mắc chứng nan y và dị ứng phong khiến chân lở loét, sưng tấy. “Tôi mắc bệnh gần 29 năm, đi khám nhiều nơi không bớt. Khi về đây, được sư cô Minh Chánh châm cứu và uống 70 thang thuốc, qua 4 tháng bệnh đã đỡ khoảng 70%, chân của tôi đã mọc da non, không ngứa nữa”, ông Thưởng kể.
Tiếng lành đồn xa, người bệnh khắp nơi đổ về chùa khám bệnh ngày càng đông. Như chị Võ Thị Hoài Mỹ (ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị bệnh huyết trắng, cộng thêm bệnh chảy mủ tai đã chữa nhiều nơi không khỏi. Khi hay tin sư cô Minh Chánh có thể chữa khỏi, chị ra đây nhờ sư cô giúp. Qua thời gian chữa bệnh, đến nay chị đã khỏi hẳn hoàn toàn, sức khỏe tốt.
“Niềm vui và mong muốn lớn nhất của tôi là giúp chữa bệnh cho được nhiều người và thấy họ lành bệnh. Đó là niềm vui duy nhất và không có gì hơn. Nhiều người đến tôi chữa bệnh cho họ và họ vui mừng báo cho tôi biết họ đã hết bệnh, nhất là các bệnh mãn tính thì tôi rất vui và mãn nguyện”, sư cô Minh Chánh tâm sự.
Tâm thiện nơi cửa chùa
Chứng kiến việc làm đầy tính nhân văn của sư cô Thích nữ Minh Chánh và các cộng sự, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến cúng dường, quyên góp tiền của giúp nhà chùa xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Nhiều người bệnh khi đến khám xin thuốc về sắc uống thấy các cây cỏ là vị thuốc của nhà chùa phơi ở sân quen quen như ở rừng, ở rẫy mình thường thấy đã hỏi và được sư cô Minh Chánh hướng dẫn cẩn thận nên họ để tâm tìm kiếm và lấy về tặng chùa làm thuốc.
“Bình quân mỗi tuần, nhà chùa cấp phát khoảng 1.400 thang thuốc. Hầu hết người bệnh tìm đến nương nhờ cửa chùa là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nên nhà chùa cấp phát thuốc miễn phí cho họ chứ không bán. Cũng có nhiều người gửi lại chút ít tiền cho chùa mua thuốc nhưng đó là tấm lòng hảo tâm họ cúng dường chứ nhà chùa không đòi hỏi”, sư cô Minh Chánh cho biết.
Để có nguồn kinh phí mua thuốc phục vụ người bệnh và duy trì hoạt động của phòng khám, sư cô Minh Chánh cùng tăng ni trong chùa đã không quản ngại khó khăn đi khắp nơi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, thuốc.
“Khám chữa bệnh từ thiện tại chùa cũng là vì chư phật, phục vụ chúng sanh như Đức Phật đã dạy, là tâm nguyện của những vị chân tu. Chùa Bảo Sơn may mắn có đệ tử Minh Chánh phát được tâm nguyện, rất ít có được những người có tâm cứu đời như Minh Chánh. Vậy nên, dù có khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng cố gắng duy trì Tuệ Tĩnh đường để đệ tử Minh Chánh chữa bệnh cứu người, giúp đời”, ni sư Thích nữ Hạnh Nguyên - trụ trì chùa Bảo Sơn cho biết.
Chùa Bảo Sơn, nơi sư cô Minh Chánh chữa bệnh cứu người. |
Không chỉ chữa bệnh cứu người, 8 năm nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, tuần nào cũng vậy, cứ đến ngày chủ nhật các sư cô chùa Bảo Sơn lại đến phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Các sư cô phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị 10 thùng cháo đầy đủ dinh dưỡng, với số lượng 15kg gạo, 15kg khoai tây, cà rốt, 8kg thịt.
Chắc có lẽ, với nhiều người, một bát cháo buổi sáng rất bình thường. Nhưng đối với người nghèo không chỉ là bát cháo ăn cho ấm bụng mà ở đó còn là tình thương, sự tiếp sức cho bệnh nhân có thêm sức lực, niềm tin đấu tranh với bệnh tật.