Sự hình thành và những thăng trầm tại phố máy ảnh Vọng Đức đất Thăng Long

(PLVN) - Độ dài chỉ hơn trăm mét, nhưngcon phố Vọng Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có nhiều cửa hàng bán máy ảnh và tiệm sửa chữa máy ảnh tấp nập người vào ra, trở thành địa chỉ mà các thợ ảnh hay chủ các hiệu ảnh không ai là không biết đến. Chừng 20 năm trước, con phố này vẫn chỉ là hẻm vắng, nằm cạnh mấy tòa nhà tập thể cũ kỹ.
Một dòng máy ảnh phim vang bóng một thời.

Thầy cùng trò lập nên phố máy ảnh

Vọng Đức là một con phố nhỏ với chiều dài khoảng hơn trăm mét nằm cạnh mấy tòa nhà tập thể cũ kỹ, nối giữa phố Hàng Bài với phố Ngô Quyền thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tuy nhỏ và ngắn, nhưng trên con phố này lại có tới hàng chục cửa hàng kinh doanh, sửa chữa máy ảnh và các phụ kiện ngành ảnh. Khoảng 20 năm nay, Vọng Đức được biết đến như phố máy ảnh của Hà Nội, trở thành địa chỉ quen thuộc của giới nhiếp ảnh. 

Trên con phố, có những cửa hiệu đồ sộ, mặt tiền hơn chục mét, cao mấy tầng;  cũng có những cửa hiệu khiêm tốn chỉ vài mét nằm nép ở tầng một khu tập thể. Tuy nhiên, dù lớn hay bé thì các cửa hiệu đều tấp nập người vào ra. Khách đến mua máy cũng có, khách đến sửa máy cũng có, khách chuyên nghiệp cũng có mà khách nghiệp dư cũng có.

Theo giới thiệu của các chủ cửa hàng bán máy ảnh trong phố, thì người có thâm niên bán máy thuộc hàng lâu nhất ở đây là anh Bùi Thanh Quang, năm nay hơn 50 tuổi, đã có gần 30 năm trong nghề. Anh Quang là thầy của nhiều chủ cửa hiệu trong phố và cũng là chủ cửa hiệu thuộc top lớn nhất ở đây.

Anh Quang chia sẻ rằng, bản thân cũng chỉ là một người ngoại đạo, rẽ ngang vào nghề rồi sống lâu thành lão làng ở đây. Anh cho biết, bản thân có đam mê máy ảnh từ thời còn bé, dù được gia đình hướng theo học ngành kiểm sát nhưng khi tốt nghiệp đại học thì anh lại xin đi làm thợ phụ ở một hiệu máy ảnh trong khu phố cổ.

Phố Vọng Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với độ dài chỉ hơn trăm mét. 

Vừa làm thợ phụ, vừa học nghề, rồi sau đó là mở hiệu sửa chữa nhỏ với quãng thời gian hơn 10 năm. Đến năm 2005, anh rời cửa hiệu từ trong phố cổ về phố Vọng Đức, vừa sửa chữa vừa mua bán máy ảnh và trở thành cửa hiệu mua bán máy ảnh đầu tiên ở đây.

“Lúc mình về Vọng Đức thì ở đây đã có 2 cửa hiệu sửa chữa máy ảnh của 2 anh thợ chụp ảnh dạo ngoài bờ hồ Gươm, chưa có cửa hiệu bán máy ảnh nào. Con phố lúc này cũng vắng người qua lại, ngoài mấy cửa hiệu thì chỉ có vài quán trà đá vỉa hè ở hai đầu phố. Mình về đây thì cửa hiệu ngày một phát triển nên lại thuê thợ phụ, các bạn mình thuê cũng không phải là dân chuyên máy ảnh, đến vừa học vừa làm. Dần dần các bạn ra mở cửa hiệu riêng, rồi những người nơi khác cũng kéo về đây mở cửa hiệu, biến Vọng Đức thành phố máy ảnh”, anh Quang kể về quá trình hình thành con phố.

Anh Lê Kiểm (31 tuổi, quê Hưng Yên) là một trong những chủ cửa hiệu bán máy ảnh trẻ nhất trên con phố, cửa hiệu anh mở năm 2015 cũng là một trong những cửa hiệu mới nhất ở đây. Anh Kiểm là một trong những học trò của anh Quang đã tự mở cửa hiệu ngay cạnh cửa hiệu của thầy, dù trong kinh doanh là quan hệ cạnh tranh nhưng tình thầy trò thì vẫn khăng khít vui vẻ.

Anh Kiểm kể, bản thân chỉ học xong phổ thông thì rời quê lên thành phố làm thợ phụ một xưởng nhôm kính. Mất nhiều năm nhưng chẳng tích góp được gì, tay nghề không phát triển, thể chất cũng không phù hợp nên sinh ra chán nản. Trong những lần ghé sang Vọng Đức lắp tủ đựng máy ảnh cho các cửa hiệu ở đây, anh nhận ra đam mê mới của mình, từ đó bỏ công việc cũ rồi sang làm phụ việc lau chùi máy ảnh.

“Một năm đầu đi làm, công việc của mình chỉ là lau chùi, sắp xếp máy ảnh vào đúng chỗ, kê hàng dọn hàng, quét nhà cửa và không có lương, cửa hàng chỉ bao ăn ở. Vì thấy việc làm đúng đam mê, có tương lai nên mình mới bám trụ và mình nghĩ ai bám trụ với nghề bước đầu cũng cần đam mê. Làm được một năm thì mình bắt đầu được trả lương, đến khoảng năm 2012 thì lương mình là 10 triệu đồng một tháng, cao hơn mặt bằng chung thời đó. 

Đến năm 2015, sau khi tích lũy được kha khá kinh nghiệm và kiến thức, cũng như vốn liếng thì mình ra mở cửa hàng riêng. Đồng nghiệp trong phố quan hệ với nhau cũng rất tốt, dù có cạnh tranh nhưng càng nhiều cửa hiệu thì càng nhiều tiếng tăm, khách từ các nơi lại đổ về. So về mặt bằng chung thì thu nhập trong nghề này có cao hơn một chút”, anh Kiểm chia sẻ.

Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đến nay, anh Kiểm cũng đã đào tạo được một số thợ phụ. Có những người từng là thợ phụ của anh thì nay cũng đã có cửa hàng riêng và kinh doanh tốt. Trên con phố Vọng Đức, mỗi năm lại có thêm một vài cửa hiệu mở mới. Hầu hết mọi người đều có quan hệ thầy trò, quen biết. Việc thầy giúp trò mở cửa hiệu kinh doanh đã dần thành truyền thống trong con phố nhỏ.

Thăng trầm phố máy ảnh

Theo các chủ cửa hàng máy ảnh ở Vọng Đức, đầu những năm 2000, người mua máy 90% là thợ chuyên nghiệp, số lượng cũng rất giới hạn. Hồi ấy, sản phẩm không đa dạng mà chỉ có một vài nhãn hiệu, một vài kiểu máy phim. Gía trị những chiếc máy ảnh so với thu nhập trung bình thời bấy giời thì có thể coi là một gia tài.

Từ những năm 2005 đến năm 2010, đời sống xã hội phát triển hơn, thu nhập nâng cao, máy ảnh số ra đời và ngày càng tiện dụng, nhỏ gọn nên trở thành phổ cập. Hầu hết các gia đình trung lưu đều tậu cho mình một chiếc máy ảnh du lịch, nhà nào điều kiện và chịu chơi thì tậu hẳn máy ảnh chuyên nghiệp. Việc kinh doanh của con phố thời điểm này đạt cực thịnh, người bán thì “cháy” hàng, người sửa thì không hết việc.

Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, thị trường đã gần như bão hòa, các dòng điện thoại có thể chụp ảnh ra đời nên thị phần máy ảnh co hẹp. Người mua máy lúc này chỉ là những thợ ảnh chuyên nghiệp hoặc những người có đam mê và chịu chơi thật sự. Sản phẩm bán chạy lúc này là những con máy Nikon, Canon kích thước lớn, trông hầm hố.

Những năm gần đây, việc chơi máy ảnh lại sôi động trở lại. Thị trường lại quay về chuộng những dòng máy bỏ túi nhỏ gọn. Người chơi máy thì đủ mọi thành phần, từ học sinh, sinh viên đến công chức hay những người đã nghỉ hưu. Máy ảnh trở thành sản phẩm phổ cập.

Những chiếc máy số mới nhất có giá chỉ từ vài triệu đồng cho dân tập chơi cho đến hàng trăm triệu đồng cho dân chuyên nghiệp. Những chiếc máy phim thì đã gần như bị lãng quên. Theo những chủ cửa hàng ở Vọng Đức thì mười khách vào mua máy chưa đến một khách mua máy phim.

“Dù hình ảnh từ máy phim chất lượng luôn tốt hơn hẳn máy số. Máy phim cũng thể hiện được trình độ của người thợ ảnh. Tuy nhiên, dòng máy này yêu cầu quá nhiều công phu khi chụp cũng như khi rửa ảnh. Dù ngày nay đã có nhiều công cụ hỗ trợ nhưng với những yêu cầu khắt khe như vậy thì để chơi máy phim chỉ có những người đủ kiên nhẫn, đủ yêu thích hoặc những thợ ảnh thế kỷ trước, mua và dùng vì hoài niệm”, một chủ hiệu máy ảnh chia sẻ.

Để đuổi theo thị hiếu khách hàng, các mặt hàng máy ảnh và phụ kiện ở đây cũng luôn luôn thay đổi và đa dạng. Cũng vì thế, tay nghề, sự hiểu biết của thợ máy ảnh trên con phố cũng được cập nhật thường xuyên.

Đọc thêm