Sự khác biệt trong hệ thống án lệ Việt Nam - Kỳ 4: Việc áp dụng án lệ hiện nay như thế nào?

(PLVN) - Mặc dù đã có lịch sử cả ngàn năm trong hệ thống luật pháp trên thế giới, tuy nhiên, đối với Việt Nam án lệ vẫn là một lĩnh vực pháp luật khá mới mẻ. Việc hình thành và áp dụng án lệ tại Việt Nam vào thực tế xét xử cũng có sự khác biệt so với thế giới. Vậy thực tế việc áp dụng án lệ ở Việt Nam hiện nay như thế nào? 
Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao
Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao

Nghị quyết 03  của Hội đồng Thẩm phán - Tòa án Nhân dân Tối cao ra đời vào năm 2015 đã chính thức công nhận sự tồn tại của án lệ trong hệ thống luật pháp của Việt Nam, có rất nhiều người hưởng ứng.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) đã nói rằng: “Việc ban hành và áp dụng án lệ là rất cần thiết ở Việt Nam vì có rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải có hướng giải quyết nhưng văn bản quy phạm pháp luật lại chưa đầy đủ. Việc ban hành và áp dụng án lệ sẽ giúp khắc phục được khiếm khuyết này của văn bản, tạo ra hướng giải quyết thống nhất trên toàn lãnh thổ VN, tránh được hiện tượng phổ biến hiện nay là vấn đề tương tự nhưng hướng giải quyết không giống nhau giữa các tòa án”.

PGS.TS Đỗ Văn Đại nhận định rằng, việc chính thức sử dụng án lệ trong thực tiễn xét xử là một thành công nhưng cũng là một thách thức. Thành công, vì đây là kết quả từ sự cố gắng nhiều năm nay của những ai mong muốn sử dụng án lệ ở Việt Nam. Còn thách thức là vì nó buộc cơ quan xét xử cũng như những người tham gia hoạt động xét xử phải thay đổi thói quen: Trước đây chỉ cần nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật thì ngày nay phải nghiên cứu cả án lệ (tức hướng giải quyết đã có trong một vụ việc tương tự) để xét xử.

Tính đến tháng 2/2020, trong số 37 án lệ của Việt Nam thì đa số là các bản án dân sự, án hình sự chỉ chiếm một phần nhỏ. Giải thích cho điều này, PGS. TS Đỗ Văn Đại cho rằng, tỉ lệ án lệ dân sự cao hơn hình sự không gây ngạc nhiên vì triết lý cho hai lĩnh vực này khác nhau.

Cụ thể, đối với hình sự, triết lý là nếu không có văn bản quy định thành tội thì không thể xét xử coi một người là có tội. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dân sự (theo nghĩa rộng bao gồm cả hôn nhân, gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại, hàng hải, hàng không...), khi văn bản không đầy đủ thì tòa án vẫn phải giải quyết như Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” và “trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

Tính đến nay, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành 37 án lệ
Tính đến nay, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành 37 án lệ 

Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại điều 3 của bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. PGS.TS Đỗ Văn Đại đã dẫn giải rằng, lúc đương nhiệm, cố Chánh án Trịnh Hồng Dương đã khẳng định tại Quốc hội rằng: “Ở nước ta, đôi khi án dân sự xử sao cũng được” và việc khẳng định này đã gây ra rất nhiều tranh luận.

Thực tế ở thời điểm đó, câu nói trên của chánh án Trịnh Hồng Dương đúng với thực tế nhưng là thực tế đáng buồn. Ngày nay, việc ban hành và áp dụng án lệ sẽ hạn chế được thực trạng “án dân sự xử sao cũng được”. Cụ thể trước đây khi văn bản pháp luật chưa đầy đủ, thực tế là “án dân sự xử sao cũng được” vì chúng ta không có gì để đối chiếu, không có cái gì cụ thể để làm theo. Còn với việc ban hành và áp dụng án lệ khi văn bản pháp luật chưa đầy đủ, chúng ta phải xét xử theo án lệ nên không còn “xử sao cũng được”. 

Với kinh nghiệm nghiên cứu tranh chấp tại tòa án cũng như tham gia xét xử với vai trò là trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), PGS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng, TAND Tối cao còn phải bổ sung rất nhiều án lệ nữa mới đáp ứng được nhu cầu xét xử hiện nay. Đồng thời, việc “sửa luật” là cần thiết và cần được duy trì dù án lệ được thừa nhận. 

Thực tế Bộ luật dân sự mới được sửa đổi năm 2015 và nhiều hướng giải quyết của tòa án đã được đưa vào trong Bộ luật Dân sự 2015, nhưng chính Bộ luật Dân sự 2015 đã phải thừa nhận tại điều 6 rằng vẫn có “trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng”. Vì vậy án lệ vẫn luôn cần thiết và cần được ban hành, áp dụng song song với việc “sửa luật”.

Tuy nhiên, ngoài những người hưởng ứng việc áp dụng án lệ trong luật pháp nước ta thì cũng có quan điểm không đồng tình với việc công nhận, áp dụng án lệ ở Việt Nam. Những lý do mà họ những người phản đối đưa ra là bởi: Hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng sửa đổi, bổ sung các quy định nên trong từng giai đoạn cụ thể thì chính sách pháp luật sẽ không còn giống nhau. Án lệ chính là pháp luật, nhưng để vận dụng phán quyết của bản án đó áp dụng cho vụ án sau, trong khi quy định của pháp luật luôn thay đổi.

Mặt khác, với một nước theo hệ thống luật thành văn như nước ta thì Hiến pháp là đạo luật gốc, có giá trị pháp lý cao nhất. Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật...”, do vậy không thể làm gì khác hơn. Về góc độ khoa học pháp lý, luật của chúng ta quy định ở dạng khung nên việc xét xử ở mỗi nơi, mỗi Tòa khác nhau là chuyện bình thường, vấn đề là không oan, sai người không có tội; bảo đảm lẽ công bằng cho đương sự là tốt.

Đọc thêm