Câu chuyện tách luật

(PLVN) - Câu chuyện tách Luật Giao thông đường bộ thành hai gồm Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ gây tâm lý lo ngại về “tách – nhập”. Quan sát thảo luận cho thấy các ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau.
Đa số đại biểu Quốc hội không đồng ý tách luật Giao thông đường bộ và không chuyển thẩm quyền cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Đa số đại biểu Quốc hội không đồng ý tách luật Giao thông đường bộ và không chuyển thẩm quyền cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Thực tế là, trước nhiều ý kiến trái chiều của ĐBQH tại phiên thảo luận hôm 16/11 về hai dự án luật dự kiến được “tách” , sáng 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về ba nội dung của hai luật trên. Kết quả, 62,79% đại biểu không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

Ở nội dung thứ nhất là có tách thành hai luật hay không? Kết quả, số đại biểu không đồng ý tách luật là 302, tương đương 72,95% trên tổng số phiếu và 62,79% tổng số ĐBQH. Không chọn phương án và ý kiến khác có 20 đại biểu. Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an; kết quả cho thấy, số đại biểu chọn phương án không đồng ý chuyển là 321 phiếu, chiếm 77,54% trên tổng số phiếu, tương đương 66,74% tổng số ĐBQH.

Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm Kỳ sau (Khoá XV), có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này, chiếm 60,63% số phiếu lấy ý kiến, tương đương 52,18% tổng số đại biểu Quốc hội.

Câu chuyện “tách” luật, thực ra không phải lần đầu. Trước đây trong lĩnh vực xét khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân có Luật Khiếu nại, tố cáo (năm 1998, sửa đổi các năm 2004, 2005). Năm 2011 thì được tách ra thành 2 luật: Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo; thậm chí, năm 2013 còn thêm Luật Tiếp công dân. Như vậy, từ một Luật thành 3 Luật. Bộ máy chuyên trách giải quyết KNTC, tiếp dân cũng thay đổi, Vụ thành Cục và thêm nhiều Cục. Thế nhưng, KNTC của công dân giảm không đáng kể. Nói điều này để thấy, nguyên nhân nhiều khi nằm ở chỗ khác.

Tương tự, chưa có một báo cáo nào đánh giá, nguyên nhân tai nạn giao thông là do công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nằm ở Bộ này chứ không phải ở Bộ kia. Trên thế giới càng không thấy đánh giá nguyên nhân này.

Việc một luật liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ, ngành là thực tế khách quan. Luật nào cũng thế, ở chương “tổ chức thực hiện” đều có trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố. Do đó, không thể chỉ vì phạm vi quản lý của 2 bộ, 2 lĩnh vực mà tách luật. Ngược lại, như nhiều ý kiến tại Quốc hội, tách luật cần xem xét khách quan, toàn diện các vấn đề liên quan.