Đôi bên đều “lên gân”, vụ kiện 630 nghìn đồng thành chuyện lớn

(PLO) -Cho rằng thủ quỹ giả chữ ký của con trai mình để ăn chặn 630 ngàn tiền trợ cấp, ông Lê Văn A (SN 1966, ngụ xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) yêu cầu hiệu trưởng phải làm rõ. Hiệu trưởng không xử lý sai phạm của nhân viên lại đề nghị phụ huynh bỏ qua. Hai bên làm căng, cuối cùng Hiệu trưởng thách phụ huynh “kiện đâu thì kiện”.
Ông Lê A cho rằng con trai bị thủy quỹ trường “quỵt” tiền trợ cấp.
Ông Lê A cho rằng con trai bị thủy quỹ trường “quỵt” tiền trợ cấp.

Phụ huynh tố trường bao che sai phạm

Theo trình bày của ông Lê A, năm học 2015-2016, con ông học lớp 9 Trường THCS Cao Bá Quát (huyện Cư M’gar). Thời điểm đó, chính phủ có Nghị định số 49, hỗ trợ mỗi học sinh miền núi 630 ngàn đồng. Nhưng đến khi ra trường, con ông A vẫn không nhận được tiền. 

Băn khoăn không biết con mình đã nhận rồi giấu cha mẹ, hay nhà trường “quên”, ông Lê A và vợ năm lần bảy lượt lên trường hỏi cho rõ. Sau nhiều lần nhà trường trả lời “chưa có”, sáng 7/6/2016, ông A đi qua hội trường Trường THCS Cao Bá Quát thấy các giáo viên đang họp nên vào hỏi thăm về khoản trợ cấp.

Lúc đó, ông Lê Văn Bảy, Hiệu trưởng trường  dẫn ông A đến gặp bà Nguyễn Thị Việt (nhân viên thư viện, kiêm thủ quỹ). Tại phòng làm việc của mình, bà Việt trả lời đã giao tiền cho con ông A và đưa ra danh sách nhận tiền có chữ ký kèm theo. 

Thấy chữ ký “lạ hoắc”, ông A hỏi Hiệu trưởng: “Học sinh hay phụ huynh được quyền nhận khoản tiền này?”. Hiệu trưởng đáp không biết.

Nhận thấy có điều khuất tất, ông A kiên quyết làm rõ sự việc. Trưa cùng ngày, Hiệu trưởng cùng hai nhân viên của trường mang danh sách học sinh ký nhận tiền trợ cấp đến nhà ông A để so sánh chữ kí của con trai ông.

Sau khi đối chiếu, hiệu trưởng khẳng định chữ ký trong danh sách khác hoàn toàn chữ ký của con ông A. Ông A trình bày: “Thầy Bảy khẳng định chữ ký trong danh sách không hề giống chữ con tôi. Thế nhưng, ông ấy lại đề nghị tôi xóa chữ ký giả này để nhận tiền mà không đề cập tới việc làm của cô Việt. Nhận thấy có sự bao che, dung túng ở đây, tôi không chấp nhận và yêu cầu gặp cô Việt để hỏi rõ ngọn ngành.

Khoảng 30 phút sau, cô Việt đến. Ban đầu, cô ấy nói con tôi bị trừ tiền sách vở và chi phí khác nên chỉ còn 181 ngàn. Dù vậy, sau một hồi nói chuyện, cô ấy nhận sai sót và đưa lại 630 ngàn, nhưng tôi từ chối thẳng”.

Ngay hôm đó, ông A yêu cầu hiệu trưởng và thủ quỹ phải rà soát lại tất cả danh sách, xem còn học sinh nào chưa nhận tiền, còn trường hợp nào bị giả mạo chữ ký để xử lý. Được trả lời “Anh là trường hợp cuối cùng”, ông A chất vấn: “Nếu tôi không lên trường, không tinh ý phát hiện ra chữ ký giả mạo thì làm sao biết tôi là người cuối cùng?”. Trước thái độ của ông A, phụ huynh này đành ra về. 

Cũng theo ông A, sáng 8/6, thủ quỹ trường gọi lại cho ông nói chuyện hơn một tiếng, năn nỉ “thông cảm” cho mình. Đến ngày 22/6, ông A gọi cho Hiệu trưởng hỏi kết quả việc rà soát những trường hợp khác, nhưng Hiệu trưởng “nổi đóa” thách thức ông đi kiện. 

Phụ huynh này bức xúc: “Thầy Bảy nói ông ấy chẳng sợ ai, thách tôi muốn làm gì thì làm, kiện đâu thì kiện. Trước những lời thách đố ấy, ngay trong ngày 22/6, tôi đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng”. 

Hiệu trưởng kêu phụ huynh “nhì nhèo mãi chuyện tiền bạc” 

Nhận đơn của ông A, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) huyện Cư M’Gar đã cử cán bộ xác minh. Tuy nhiên, ông A cho rằng cán bộ này làm việc không khách quan, còn xin hộ cho Hiệu trưởng Bảy.

Ông A nói: “Trong quá trình xác minh, cán bộ phòng giáo dục huyện đã gọi tôi lên xã làm việc. Chỉ vài ngày sau, ông này lại đích thân vào nhà tôi, “định hướng” tôi nhẹ tay một chút”.

Ông A không chấp nhận, còn “cảnh cáo” cán bộ phòng: “Ông đi xác minh thì làm cho đến nơi đến chốn, công bằng, minh bạch. Nếu phát hiện có khuất tất, tôi kiện ông luôn”. 

Để xác nhận những thông tin trên, XLPL đã liên hệ với ông Lê Văn Bảy, Hiệu trưởng Trường THCS Cao Bá Quát. Vị hiệu trưởng giải thích, tiền trợ cấp theo Nghị định 49 nhằm hỗ trợ cho các học sinh năm học 2012-2013, nhưng đến tháng 6/2015, nhà trường mới nhận được.

Lúc này, con ông A đã tốt nghiệp. Hơn nữa, thời điểm phát tiền hỗ trợ là dịp nghỉ hè nên nhà trường vừa dán thông báo vừa thông qua đài phát thanh địa phương để báo tin cho học sinh quay lại nhận tiền.

Về chữ kí giả trong danh sách nhận hỗ trợ, ông Bảy cho biết: “Sau khi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện trừ tiền mua sách vở thì em Tuấn được nhận 181 ngàn tiền Nghị định 49. Ngoài ra, học sinh này còn đang nợ nhà trường 616 ngàn. Nhận thấy số tiền nợ nhiều hơn tiền nhận, em Tuấn chủ động bỏ về mà không kí tên vào danh sách”. 

Cũng theo vị Hiệu trưởng, do muốn quyết toán đúng thời gian quy định, thủ quỹ trường đã nhờ học sinh khác kí nhận 181 ngàn của con ông A, sau đó viết chứng từ truy thu số tiền trên. Việc này Hiệu trưởng thừa nhận thủ quỹ sai. 

Ông Bảy giải thích, sau khi sự việc xảy ra, ông gặp ông A khuyên “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Để cho phụ huynh và nhà trường cùng “vui vẻ”, ông đã đề nghị thủ quỹ xóa phiếu thu, không truy thu tiền của con ông A nữa mà phát trả lại 181 ngàn. Dù vậy, ông A không đồng ý, khăng khăng đòi đủ 630 ngàn theo Nghị định 49. 

“Sau bữa đó, ngày nào ông Lê A cũng gọi điện, nhì nhèo mãi chuyện tiền bạc nên tôi bực và nói “chú muốn làm gì thì làm, muốn kiện ở đâu thì kiện””. Còn nội dung cán bộ phòng giáo dục nói với ông A, vị hiệu trưởng cho rằng không thể biết được.

Về phía Phòng GDĐT huyện Cư M’Gar, ông Lê Hữu Quynh (Trưởng phòng) cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức của bộ phận xác minh về vụ việc, do đó chưa thể kết luận nội dung đơn tố cáo đúng sai chỗ nào.

Về việc ông Lê A phản ánh cán bộ phòng đến xin giùm cho Hiệu trưởng Bảy, Trưởng phòng cho biết sẽ kiểm tra lại. Nếu đúng như phản ánh sẽ có biện pháp xử lý, nhất quyết không bao che.