Hoài Đức (Hà Nội): Hàng trăm lô đất nông nghiệp bị “nhào nặn”, ai hưởng lợi?

(PLO) - Để tăng cường quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi lấn chiếm, hủy hoại, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Vậy nhưng dường như những văn bản này chưa "đến tay" lãnh đạo huyện Hoài Đức? 
Hoài Đức (Hà Nội): Hàng trăm lô đất nông nghiệp bị “nhào nặn”, ai hưởng lợi?

"Phép vua thua lệ làng"?

Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm qua, tình trạng nhà kiên cố, nhà xưởng, nhà tạm ngang nhiên mọc trên đất nông nghiệp tràn lan ở huyện Hoài Đức (TP Hà Nội).

Để nắm rõ hơn về thực trạng này, trong nhiều ngày, PV Báo PLVN điện tử đã xâm nhập thực tế tại một số xã Tiền Yên, Dương Liễu, An Khánh, Xuân Phương... trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Cụ thể, mặc dù đã có quy hoạch nhưng tại cánh đồng thuộc Đội 7, Đội 8 (xã Dương Liễu) đã biến thành khu dân cư, cụm công nghiệp không phép, ngày đêm hoạt động gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn bủa vây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.

Tại Đội 7, PV chứng kiến hàng nghìn m2 đất nông nghiệp đã bị chiếm dụng trái phép. Thậm chí, đất nông nghiệp tại khu vực này còn được phân lô để làm nhà kiên cố chỉ cách trụ sở UBND xã chưa đến 1km, nhưng không hiểu vì sao chính quyền nơi đây vẫn không hề xử lý và có biện pháp ngăn chặn.

Còn tại xã Tiền Yên, tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp cũng diễn ra tương tự. Ở xã Tiền Yên, theo bản danh sách mà ông Tạ Đăng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã cung cấp cho PV thì chỉ trong thời gian từ 1/1/2015 đến tháng 9/2016 đã có đến 13 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích lấn chiếm là 1060m2, trong đó có nhiều trường hợp xây nhà cấp 4, nhà kiên cố để ở, còn lại là xây dựng lều lán, chuồng trại…

Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Đăng Nghiệp cho biết, mặc dù chính quyền xã rất kiên quyết nhưng vì người dân lén lút xây dựng vào ban đêm nên không kiểm soát được. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra hình ảnh rất nhiều người dân đang xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp ở địa bàn thôn Tiền Lệ vào ban ngày thì ông Nghiệp cho biết sẽ… kiểm tra lại?!

Ông Tạ Đăng Nghiệp trao đổi với PV
Ông Tạ Đăng Nghiệp trao đổi với PV

Còn tại xã An Khánh thì thực trạng nêu trên xem ra còn phức tạp và có phần "chuyên nghiệp" hơn bởi lẽ chỉ cần gõ cụm từ khóa “mua bán đất nông nghiệp xã An Khánh” trong công cụ tìm kiếm trên mạng, chỉ trong 0,43 giây đã cho ra gần 1 triệu kết quả.

Khi truy cập vào các mục tin rao bán này, người bán đều công khai địa chỉ, số điện thoại và cho biết là có thể xây nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp một cách vô tư. Mỗi m2 đất nông nghiệp tại đây được định giá từ 3 triệu – 8 triệu đồng, tùy vị trí.

Khi PV đến thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh) - được xem là "thiên đường" những ai muốn mua đất nông nghiệp để xây nhà ở hoặc làm xưởng, mặc dù chính quyền xã An Khánh luôn báo cáo với cấp trên sẽ "xử lý các trường hợp cũ và không cho phát sinh mới" nhưng qua quá trình tìm hiểu, điều chúng tôi ghi nhận được là ở địa phương này, người dân coi việc mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp là chuyện... thường ngày!?

Danh sách vi phạm đất đai xã Tiền Yên
Danh sách vi phạm đất đai xã Tiền Yên

Nghỉ chân tại một quán nước đối diện với cổng trường THPT Hoài Đức B, trong vai người đi mua đất nông nghiệp, chúng tôi được bà chủ quán cho biết, mua đất nông nghiệp ở đây là dễ nhất bởi "quỹ đất" nhiều, giá cả đa dạng, "chủ sở hữu" rất biết cách làm các thượng đế hài lòng!

Chưa biết thông tin trên đúng sai ra sao nhưng sau khi nghe bà chủ quán chỉ vào dãy nhà trọ khang trang nói: “Nhà tôi xây dựng trên đất nông nghiệp cả chục năm rồi. Trước đây tôi có hai sào đất nông nghiệp, sau khi xây cái nhà này thì tôi bán cho các hộ khác. Cả dãy trọ này và nhà mới xây kia là đất của tôi. Ngày xưa thì chỉ một vài triệu mỗi mét vuông, chứ giờ đây đắt gấp 3, gấp 4 rồi” thì chúng tôi đã hiểu thực trạng mua bán, lấn chiếm đất nông nghiệp trên địa bàn xã này ngang nhiên tới mức nào!

Theo chỉ dẫn của bà chủ quán nước, chúng tôi đã đi một vòng xung quanh khu vực trường THPT Hoài Đức B và nhận thấy tình trạng xây dựng nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp nhiều đến mức nào. Một người đàn ông tên L. (đề nghị giấu tên - PV) cho hay, việc xây dựng nhà cửa trên đất nông nghiệp đã diễn ra cả mấy chục năm nay, nhiều người đã ở được 20, 30 năm. Tuy nhiên, việc quy hoạch vẫn chưa được cụ thể, người dân vẫn tự ý mua bán trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp.

Ông L. đưa chúng tôi đi một vòng xung quanh khu vực thôn Ngãi Cầu, thôn Vân Lũng, men theo hai bên Quốc lộ 423, nơi đây cả chục ngôi nhà đang hoàn thiện. Nhiều ngôi nhà kiên cố cao 3, 4 tầng mới đi vào sử dụng hoặc những nhà xưởng rộng cả trăm mét vuông mà theo lời ông L. rằng những công trình trên đều được xây dựng trên đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Huy Hoán, Chủ tịch xã An Khánh xác nhận, hiện trên địa bàn xã, thôn nào cũng có hiện tượng xây dựng trên đất nông nghiệp, trong đó, điển hình như thôn Ngãi Cầu có hơn 200 trường hợp vi phạm.

Nói về nguyên nhân, vẫn với điệp khúc muôn thuở, ông Hoán cho rằng, đây là do vấn đề lịch sử để lại và đã xảy ra hàng chục năm qua. “Từ khi lên làm Chủ tịch UBND, tôi đã chỉ đạo làm nghiêm về vấn đề này, tuy nhiên, người dân họ làm lén lút vào ban đêm nên chính quyền không kiểm soát được”, ông Hoán nói.

Cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành phố

Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đất công của Thành phố đã chuyển biến tích cực, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp được nâng cao, người nông dân đã gắn kết chặt chẽ với đất nông nghiệp, tạo điều kiện ổn định sản xuất, trật tự nông thôn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Tuy nhiên do quá trình đô thị hóa, dân cư biến động cơ học dẫn đến tăng nhu cầu về đất phi nông nghiệp (đất xây dựng nhà ở, nhà xưởng, nghĩa trang, nghĩa địa…) tăng mạnh, dẫn đến việc quản lý, sử dụng có diễn biến phức tạp.

Việc lấn, chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công, đất nông nghiệp trái pháp luật dưới nhiều hình thức, diễn ra trên nhiều địa bàn, nhất là tại các vùng ven đô, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị, phát triển công nghiệp.

Nhà xưởng mọc trên đất nông nghiệp.
Nhà xưởng mọc trên đất nông nghiệp.

Nhiều trường hợp vi phạm chưa được chính quyền phường, xã, thị trấn và quận, huyện, thị xã ngăn chặn kịp thời, kiểm tra và xử lý triệt để theo quy định của pháp luật gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, về quy hoạch phát triển đô thị, ảnh hưởng đến sản xuất, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Nhằm tăng cường việc quản lý đất nông nghiệp, đất công, UBND Thành phố đã có chỉ thị 04/CT-UBND, ngày 14/1/2014 UBND. Nội dung chỉ thị 04 nêu rõ: Yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật.

Ai là người chịu trách nhiệm về những công trình vi phạm này?
Ai là người chịu trách nhiệm về những công trình vi phạm này?

Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Trong quá trình xác minh thông tin trên, PV báo PLVN điện tử đã thu thập rất nhiều chứng cứ, tài liệu về thực trạng lấn chiếm, hủy hoại, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Đức là hoàn toàn có căn cứ.

Trước những sai phạm nghiêm trọng kể trên, lãnh đạo của UBND huyện Hoài Đức cần nghiêm túc nhìn thẳng vào thực trạng nêu trên.

Có hay không việc chính quyền cố tình làm ngơ, tiếp tay cho tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp của rất nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn các xã này?

Lãnh đạo huyện Hoài Đức đã nhận được báo cáo của cấp xã về thực trạng nêu trên hay chưa và đã có động thái xử lý như thế nào? Vậy nên, câu hỏi đặt ra ở đây là trách nhiệm thuộc về ai khi để tình trạng “xẻ thịt” đất nông nghiệp diễn ra công khai nhiều năm qua trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn?