Hủy án sơ thẩm, điều tra lại vụ Phạm Văn Hải: Nhiều uẩn khúc sẽ được làm sáng tỏ

(PLO) - Như PLVN đã đưa tin, TANDTC trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại một số tình tiết liên quan đến việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn Hải. Các chuyên gia pháp lý cho rằng động thái này sẽ làm sáng tỏ được nhiều “uẩn khúc” của vụ án đồng thời có thể làm sáng rõ việc phạm tội hay không phạm tội của bị cáo Phạm Văn Hải.

Bị cáo Phạm Văn Hải được chấp nhận kháng cáo kêu oan.
Bị cáo Phạm Văn Hải được chấp nhận kháng cáo kêu oan.
Hủy án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo kêu oan
Bị cáo Phạm Văn Hải, nguyên là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Hà Đông. Ngô Xuân An, sinh năm 1983 là nhân viên của công ty, đồng thời là cháu gọi bị cáo Hải là ông trẻ.
Hơn 4 năm về trước, cuối tháng 3/2011, chị Nguyễn Thanh Yên giới thiệu chị Nguyễn Thị Mười đến gặp vợ chồng Ngô Xuân An và Phạm Thu Thủy nhờ mua đất làng nghề Vạn Phúc, Hà Nội. Chị Mười đã chuyển cho An, Thủy 9,6 tỷ đồng và hai vợ chồng An, Thủy đã tự ý lấy và giao bộ giấy tờ mua bán đất làng nghề cho chị Mười. Bộ giấy tờ này chỉ là bản viết nháp Phạm Văn Hải viết mẫu để tại văn phòng công ty, nhằm làm mẫu cho khách hàng.
2 tháng sau khi được vợ chồng An, Thủy giao cho bộ giấy tờ nói trên, chị Mười mới biết đây là giấy tờ không có giá trị nên đã nhiều lần đến tìm vợ chồng này đòi tiền nhưng không được. Chị Mười đã gửi đơn tố giác An, Thủy tới cơ quan cảnh sát điều tra, công an TP. Hà Nội.
Theo Kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra cũng như Cáo trạng của VKSND thành phố Hà Nội, Phạm Văn Hải bị cáo buộc đã tạo ra bộ hồ sơ mua bán đất giả và chỉ đạo bị cáo An cùng vợ là Thủy nhận số tiền 9,6 tỷ của chị Nguyễn Thị Mười rồi các bị cáo cùng nhau chiếm đoạt, sử dụng số tiền này.
Bản án phúc thẩm hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại.
Bản án phúc thẩm hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại. 
Sau khi bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt mức án 20 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Phạm Văn Hải đã làm đơn kháng cáo kêu oan. Ngày 21/05/2015, Toà phúc thẩm TAND Tối cao đã tiến hành mở phiên toà xét xử đối với Ngô Xuân An và Phạm Văn Hải về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của những cá nhân liên quan và kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Văn Hải, HĐXX TAND Tối cao đã tuyên bản án phúc thẩm: Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hải về kêu oan. Huỷ án sơ thẩm, giao lại cho Cơ quan CSĐT điều tra lại từ đầu để làm sáng tỏ một số hành vi liên quan đến mục đích của việc bị cáo Hải tạo dựng ra bộ hồ sơ chuyển nhượng đất làng nghề; việc bị cáo Hải có trực tiếp đưa bộ hồ sơ cho chị Nguyễn Thị Mười (người bị hại trong vụ án) hay không; bị cáo Hải có chiếm đoạt và sử dụng tiền của chị Mười để chuyển cho người thân và mua xe ôto Camry hay không?
“Phạm Văn Hải bị kết án oan!”
Đó là khẳng định của luật sư Phan Thị Lam Hồng – đoàn luật sư TP. Hà Nội. Luật sư Hồng cho rằng căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội ông Phạm Văn Hải là hoàn toàn không có. Bởi lẽ, Phạm Văn Hải không có hành vi lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của bà Mười thông qua việc tạo lập bộ mẫu giấy tờ đất. Lý do có mẫu nháp này là bởi trước đây khoảng tháng 9/2010, ông Hải có mua giúp ông Phan Quốc Thắng và bà Nguyễn Thị Hồng Vân 220m2 đất làng nghề Vạn Phúc. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch giữa vợ chồng An và bà Mười thì An đã tự ý lấy bộ giấy tờ này giao cho bà Mười mà không hề trao đổi, bàn bạc với ông Hải. 
Hành vi của An khi sử dụng bộ giấy tờ trên để lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Mười là nằm ngoài mong muốn của ông Hải, do đó không thể áp đặt, suy diễn ông Hải đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của bà Mười. Việc An lợi dụng lấy bộ giấy tờ nháp đó để đưa cho bà Mười thì chính An mới là người có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Mười.
Luật sư Phan Thị Lam Hồng
 Luật sư Phan Thị Lam Hồng 
Phạm Văn Hải cũng không có hành vi chiếm đoạt số tiền mà bà Mười đã giao cho vợ chồng An, Thủy. Kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng về việc ông Hải chiếm đoạt trên hai tỷ đồng của bà Mười là không có căn cứ. Ông Hải không chiếm đoạt tiền của bà Mười để gửi cho chị gái là bà Phạm Thị Lan qua tài khoản của ông Nguyễn Đức Hòe và mua xe ôto Camry. Số tiền này là của ông Hải và gia đình ông Hải không liên quan đến số tiền An, Thủy nhận của bà Mười. 
Gia đình ông Hải đã cung cấp toàn bộ các chứng cứ chứng minh: thông tin chuyển tiền tại ngân hàng Agribank chi nhánh Tỉnh Hà Tây, thông tin rút tiền tại ngân hàng VIB chi nhánh Ba Đình mà bà Phạm Thị Hoài (nhân viên của Thủy) là người làm chứng nhưng không được các cơ quan tố tụng xem xét, điều tra thu thập chứng cứ. Trong khi đó, An, Thủy không có chứng cứ chứng minh việc ông Hải chủ mưu thì các cơ quan tố tụng lại ghi nhận, từ đó đã buộc ông Hải phải chịu mức án oan 20 năm tù giam. Hành vi này của các cơ quan tố tụng có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc “Xác định sự thật của vụ án” và nguyên tắc suy đoán vô tội có thể dẫn đến hậu quả gây oan sai cho người vô tội và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. 
“Việc TANDTC tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại vụ án, chúng tôi hi vọng những ẩn khuất, oan sai trong vụ án này sẽ được các cơ quan tố tụng có trách nhiệm, có lương tâm nhìn nhận, đánh giá, xem xét một cách khách quan và công tâm để  người vô tội được trả lại sự công bằng, còn những kẻ phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì những hành vi sai trái của họ. Có như vậy, người dân mới có thể vững tin vào một nhà nước, một bộ máy chính quyền đại diện cho nhân dân tạo lập sự công bằng trong xã hội” – luật sư Hồng nói./.