Khâu yếu trong tổ chức cán bộ

(PLVN) - Sau Hội nghị Trung ương 12 (khóa 12), Kỳ họp thứ 8 (Quốc hội 14) sẽ khai mạc. Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa quan trọng bởi sau Đại hội 13 là bầu cử Quốc hội 15, lần thứ 3 thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá 10 về đổi mới tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một thời điểm, theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng hợp trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp này của các bộ, ngành gửi Ban Dân nguyện, cho thấy dân nhiều nơi kiến nghị Chính phủ có kế hoạch để triển khai xem xét, đánh giá lại tính hiệu quả trong hoạt động điều hành, quản lý của bộ máy lãnh đạo các bộ, ngành. Cử tri đặt vấn đề: Nếu xét thấy lãnh đạo của bộ, ngành nào hoạt động không hiệu quả thì nên bãi nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật. Đây là vấn đề được cho còn nhiều lúng túng. Đánh giá cán bộ, miễn nhiệm cán bộ đang là “khâu yếu” về tổ chức.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây có tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Luật cũng quy định kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác theo tinh thần nghị quyết của Trung ương.

Về tinh thần là như vậy, rất hợp lý, văn minh. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn thấy cán bộ có “vấn đề”, nếu ở xã, phường thì lên quận, huyện, hoặc phải chờ hết nhiệm kỳ đại hội mới có thể thay thế được. Tình trạng cán bộ lãnh đạo quản lý bố trí không đúng người, đúng việc, còn mắc vi phạm bị kỷ luật và đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, cá nhân làm công tác cán bộ. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương nơi để xảy ra các sai phạm tạo niềm tin của nhân dân vô cùng khó khăn và chậm trễ mặc dù Trung ương có nhiều Nghị quyết, Chính phủ có nhiều Nghị định.

Nói đến cán bộ tự nguyện từ chức nếu chức trách, nhiệm vụ, vị trí được giao không hoàn thành thì có lẽ vẫn phải chờ; khó có thể trông đợi vào việc hình thành nên “văn hóa từ chức”, bởi quyền hành mang lại cho cán bộ tất cả. Bao giờ quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền” thực sự đi vào cuộc sống?