Không để sai phạm nhưng không xử lý được

(PLO) - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa họp phiên toàn thể xem xét Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và vấn đề được quan tâm là làm thế nào ngăn chặn một cách hiệu quả nạn tham nhũng cũng như xử lý thích đáng hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tài sản. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Kê khai tài sản đối với những cán bộ có chức quyền sẽ còn chỉ là một biện pháp hình thức, nếu không có kiểm tra, phát hiện sự thiếu trung thực và nhất là có khối tài sản lớn hiện hữu đấy mà không xử lý được, thậm chí còn không dám đụng đến xem nó có hợp pháp hay bất minh không.

Có trường hợp khi dư luận riết róng quá thì buộc phải tiến hành thanh tra, “câu giờ” công bố kết quả, dùng dằng hình thức xử lý và cuối cùng là xử lý không đến nơi, đến chốn, nửa vời với hình thức kỷ luật “phủi bụi”, không thuyết phục được một ai về quyết tâm chống tham nhũng và khối tài sản lại càng không suy suyển, trêu ngươi dư luận.

Tịch thu tài sản bất minh – đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi bàn thảo về Luật phòng, chống tham nhũng. Việc xác minh nguồn gốc tài sản không khó, vấn đề là ở chỗ có làm hay không mà thôi. Một khi đã trở thành quy định của pháp luật thì phải tuân thủ, thế nhưng, trên thực tế cho thấy có trường hợp vi phạm pháp luật rõ ràng nhưng người ta vẫn ra sức bao che và tìm cách “lách luật”, bẻ cong sự thật.

Không chỉ lĩnh vực chống tham nhũng mới gặp khó khăn trong phát hiện, xử lý mà ở các lĩnh vực khác như quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ rừng hoặc đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng không xử lý đến nơi đến chốn khi xảy ra sai phạm.

Mới đây, dư luận hết sức bức xúc về sự kiện người gửi tiền vào một ngân hàng, tiền đó ngân hàng “đánh mất” mà lại không chịu trách nhiệm chi trả, kéo dài thương lượng, đẩy người gửi tiền vào nguy cơ bị mất. Một việc rõ ràng đến thế, trách nhiệm là của ngân hàng nhưng khi cần họ sẵn sàng trì hoãn, kiếm cớ và kể cả việc “hy sinh” uy tín và danh dự của mình.

Không phải là những “lỗ hổng” pháp luật gây ra chuyện này mà ở chính một bộ phận người có trách nhiệm thực thi và tuân thủ pháp luật đã “đánh rơi” trách nhiệm và lòng tự trọng. Điều này cho thấy, dù pháp luật có bao quát và điều chỉnh mọi mối quan hệ xã hội bằng những quy định chặt chẽ song người thực hiện không tuân thủ thì gây tổn hại cho lẽ công bằng và nền công lý của một quốc gia.

Pháp luật và thực thi pháp luật luôn luôn phải song hành, tạo nên tinh thần “thượng tôn pháp luật” trong mọi tầng lớp xã hội. Thực hiện được điều này sẽ loại trừ tình trạng “sai phạm mà không thể xử lý”!