Kỳ vọng xuất hiện các 'ông dẫn dắt'

(PLVN) - Đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn tất, trình Chính phủ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Đề án, có 7 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc diện này, bao gồm Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Tiêu chí để được chọn là những doanh nghiệp “mở đường, dẫn dắt”, theo đề án, là cần có tổng tài sản trên 20.000 tỷ đồng, chiếm thị phần từ 30% trở lên, lợi nhuận trên vốn lớn hơn 6%, được quản trị tốt trên cơ sở thông lệ quốc tế (OECD), có khả năng hấp thụ và làm chủ công nghệ cao, đứng vững trước những “rung lắc” của nền kinh tế...

Nhìn vào danh sách “dự kiến”, thấy có 3 tập đoàn lớn trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ số; 2 tập đoàn lĩnh vực thiết yếu (điện, dầu khí), 1 tập đoàn lĩnh vực cảng biển – logistics và 1 ngân hàng.

Chúng ta đang trong quá trình “nhận thức” về kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội, bởi chưa có tiền lệ trong lịch sử. DNNN từ mô hình đến quản trị, thể chế luật pháp, cơ chế chính sách đối với DNNN cũng đang trong quá trình mò mẫm.

Tháng 3/1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 91/TTg ngày 07/3/1994 thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh, ban đầu gọi là Tổng 91. Tháng 3/2005, Thủ tướng quyết định thí điểm hình thành Tập đoàn VNPT. Đã có lúc “xin lên tập đoàn” thành “hội chứng” và đổ vỡ (điển hình là Tập đoàn Vinashin sụp đổ, thay vảo đó là Tổng công ty SIBIC ốm yếu). Cho đến nay, chỉ còn 10 tập đoàn. Nghịch lý là các tập đoàn, TCT Nhà nước (đang giảm dần nhờ cổ phần hóa) đang nắm giữ tổng tài sản của Nhà nước cực lớn, nhưng mới đóng góp được 30% GDP, tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn cực thấp.

Cuộc cách mạng 4.0, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi cấu trúc, trật tự logistics toàn cầu. Việt Nam hiện đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Đây là những cơ hội lớn, nhưng DNNN đang trong tình trạng không thể vươn ra được thế giới.

Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cần phải tạo ra đội ngũ doanh nghiệp có tầm vóc, để đón nhận cơ hội mới, hướng vào các lĩnh vực mới, đưa đất nước đi lên. Trong những doanh nghiệp này, kỳ vọng có “khuôn mặt” DNNN.

Thương hiệu quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế thì quốc gia đó càng hùng mạnh. Bao giờ thương hiệu doanh nghiệp trở thành thương hiệu quốc gia? Kỳ vọng, những doanh nghiệp “mở đường”, tránh được “vết xe đổ” trước đây, thực sự “dẫn dắt” được kinh tế đất nước một cách bền vững.