Niềm tự tôn dân tộc từ những hành động nhỏ

(PLO) -Chuyện du khách người nước ngoài mà chủ yếu là du khách Trung Quốc ở Khánh Hòa, Đà Nẵng gây mất trật tự, đốt tiền Việt, đòi xài tiền Trung Quốc; hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động chui nói sai, nói xấu về lịch sử địa lý Việt Nam đã gây bức xúc dư luận. Báo chí cũng đã thông tin về cách ứng xử chừng mực của chị bán hàng rong, người bán hàng mỹ nghệ ở Đà Nẵng nhất định nói không với tiền Trung Quốc. 
Hoa hậu Ngọc Hân và cờ đỏ sao vàng tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) .
Hoa hậu Ngọc Hân và cờ đỏ sao vàng tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) .

Cơ quan quản lý ở Đà Nẵng, Khánh Hòa đã thực hiện chức năng quản lý xử phạt người vi phạm khách quan, không kỳ thị một ai, để lập lại trật tự và cũng để thể hiện chủ quyền quốc gia. Vấn đề là làm sao trong mỗi người dân giữ được lòng tự hào, ý thức tự chủ trong từng hành vi sinh hoạt.

Du khách đến nhiều là điều đáng mừng cho đất nước, địa phương. Người Việt Nam xưa nay vốn cởi mở theo tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”, “bốn biển đều là anh em”, đâu câu nệ, bài ngoại, bài xích một ai. 

“Nhập gia, tùy tục” 

“Nhập gia tùy tục”, dù là khách quý đến mức nào cũng phải chấp hành pháp luật nếp sống văn hóa sở tại. Đến hoàng cung, đến chùa của Thái Lan, ai cũng phải mặc quần dài quá gối; đến chùa của Myanmar phải bỏ dép, giày, vớ; đến các quốc gia Hồi giáo phải kiêng khem bia rượu… Đó cũng là thông lệ, là luật chơi chung của toàn thế giới. 

Luật lệ phổ biến của mọi quốc gia trên thế giới là du khách phải dùng tiền của quốc gia sở tại. Đó không là biệt lệ, mà là luật phổ quát, là an ninh kinh tế, là thể hiện chủ quyền quốc gia. Vi phạm điều đó là thiếu văn hóa, vừa là phạm pháp. 

Vừa qua dư luận đã phản ứng mạnh trước nhiều trường hợp du khách Trung Quốc gây mất trật tự, xài tiền Trung Quốc; nhiều hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động chui, thuyết minh sai về lịch sử, chủ quyền của Việt Nam.

Mấy hôm nay, một số người kinh doanh ở Đà Nẵng đã phải làm một việc chẳng đặng đừng là treo bảng hiệu nói không với đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Hình ảnh của du lịch Đà Nẵng có thể sẽ xấu đi một chút trong mắt du khách nước nào đó.

Nhưng “đó là một phản ứng đúng pháp luật và đề nghị các công ty du lịch cần khuyến cáo du khách không sử dụng ngoại tệ mua hàng”, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Đà Nẵng khẳng định.

Câu chuyện bắt đầu do một sinh viên chứng kiến việc một tiểu thương chợ Hàn (Đà Nẵng) kiên quyết không nhận NDT do du khách Trung Quốc thanh toán khi mua hàng. Trên trang mạng cá nhân của mình, bạn nữ này viết:

“Sáng nay có việc vào chợ Hàn mua đồ. Dân Trung Quốc tràn ngập khắp chợ. Đi vào tiệm bán đồ thủ công mây tre thì gặp một toán người Trung Quốc cũng vào mua hàng, hỏi giá xong thì xòe mớ NDT ra đưa. Chị bán hàng nhất quyết nói không với NDT “VNĐ only (không lấy NDT)”. Du khách Trung Quốc thì cứ khăng khăng nhét mấy đồng NDT vào tay chị bán hàng rồi nhao nhao, song chị bán hàng “chốt” luôn: “No VNĐ, no sale” (không có tiền Việt Nam, không bán)”.

Tiểu thương tự treo bảng không xài tiền ngoại

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái có một cửa hàng bán nhạc cụ trên đường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng). Anh xác nhận, nhiều khách Trung Quốc chỉ muốn trả bằng NDT. Trưa 4/7, một nhóm du khách Trung Quốc đã gây náo loạn khi mua và giật một nải chuối của người bán hàng rong, anh đã quay một đoạn clip ngắn đưa lên trang cá nhân phê phán và nhận được nhiều ý kiến đồng tình. 

Anh kể, khi chị bán chuối nói 40 ngàn đồng, người đàn ông Trung Quốc đưa tờ tiền NDT. Chị bán chuối lắc đầu, bảo với họ là ở đây không dùng tiền Trung Quốc. Sau một hồi xì xồ, người đàn ông Trung Quốc đưa ra tờ 50 ngàn đồng và chị bán chuối thối lại 10 ngàn đồng.

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái là một trong những chủ cửa hàng đầu tiên dán tấm bảng từ chối tiền ngoại lên cửa kính cửa hàng. Anh kêu gọi mọi người cùng anh kiên quyết lắc đầu khi khách trả bằng NDT

Trước đó vài ngày, tại một Câu lạc bộ ca nhạc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, một khách Trung Quốc cũng bị nhân viên Câu lạc bộ từ chối nhận NDT. Du khách này tỏ thái độ bằng cách đốt tờ 200 ngàn VNĐ trước mặt mọi người.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng (Phòng bán hàng Công ty Du lịch Việt Nam, Vitour), cho rằng, cách hành xử đó là do ý thức kém của du khách Trung Quốc và anh cũng đã gặp không ít người xử sự như vậy. Nhiều cửa hàng ở Đà Nẵng, Hội An đã treo bảng “Nói không với nhân dân tệ” bằng cả ba thứ tiếng Việt, Anh và Hoa. .

Ông Tùng cho rằng, việc du khách Trung Quốc trả tiền NDT tại Việt Nam một phần cũng do vài công ty du lịch đã tỏ ra dễ dãi đối với nhóm khách này. “Khi gửi chương trình tour đến du khách, chúng tôi đều thông báo rất rõ ràng về việc sử dụng tiền trên lãnh thổ Việt Nam và cả địa chỉ đổi tiền của ngân hàng. Tuy vậy, hiện các điểm đổi ngoại tệ của nước ta còn ít, đặc biệt ở các điểm tập trung đông du khách càng hiếm”, ông Tùng nói.

Một tiểu thương ngành hàng bánh kẹo Trung tâm thương mại chợ Cồn (Đà Nẵng), thì cho rằng, bên cạnh việc người Trung Quốc vô ý thức khi sử dụng đồng tiền của họ trên đất nước khác, thì bản thân các tiểu thương cũng phải biết tự tôn, bảo vệ đồng tiền của đất nước mình. Trước đây, không ít người thấy lợi nên nhận đồng NDT của du khách Trung Quốc mà không một chút băn khoăn.

Không kỳ thị nhưng quản lý chặt, xử lý nghiêm 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết, về vụ hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc “chui”, ông đi họp Trung ương, khi được người khác hỏi thì “rất mắc cỡ và xấu hổ”. Bí thư Xuân Anh đề nghị Giám đốc Sở Du lịch quản lý chặt lĩnh vực này, nhưng không phân biệt, kỳ thị, tẩy chay.

“Khách nào cũng thế, mình cũng tôn trọng người ta. Người ta đến đây tiêu xài đưa nguồn thu cho mình, mình không kỳ thị phân biệt. Cũng như mình đi ra nước ngoài, người ta tôn trọng người nước khác, kỳ thị mình, mình cũng tự ái. Nhưng quản lý nhà nước phải chặt. Bất kể anh là ai, vi phạm thì phải xử lý, rút giấy phép, trục xuất. Làm việc trên tinh thần tôn trọng chứ không tạo luồng dư luận tẩy chay. Do quản lý nhà nước không chặt nên người ta mới coi thường mình”, ông Xuân Anh nhận định.

Tại Đà Nẵng, trong những ngày qua, Sở Du lịch đã phối hợp với công an phạt 6 người Trung Quốc hành nghề trái phép, rút giấy phép 24 tháng một đơn vị lữ hành sai phạm. Khánh Hòa đã trục xuất 64 người Trung Quốc thuộc Công ty Silent Bay (công ty gia đình của nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL Khánh Hòa) do sử dụng lao động Trung Quốc trái phép.

Công ty này đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Đó là những cách hành xử đúng luật, thể hiện được nếp sống, tinh thần tự chủ dân tộc.

Cũng trong mấy ngày qua, Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đã có bài viết trên trang cá nhân, tự sự về tâm trạng của mình. Khi anh tham gia Ban Giám khảo của một chương trình truyền hình, có một người hâm mộ ghép hình ảnh của anh, Thúy Hạnh, Huy Tuấn vào hình bộ ba thầy trò Đường Tăng. Anh đã nhã nhặn cảm ơn sự hâm mộ nhưng xin đừng bày tỏ bằng cách này.

Thành Lộc đề nghị: “Hãy tỉnh táo sáng suốt bảo vệ những giá trị văn hóa Việt. Và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình. Tôi không kêu gọi kỳ thị mà tôi kêu gọi sự thức tỉnh. Nghệ sĩ Việt trước hết phải là công dân Việt”.

Có người cho rằng Thành Lộc cực đoan, không tiếp nhận tinh hoa văn hóa nước ngoài, nhưng nhiều ý kiến cho rằng sự tự chủ trong tiếp nhận, biểu hiện những giá trị văn hóa của Thành Lộc là cần thiết.

Trong điều kiện bối cảnh chính trị, văn hóa xã hội hiện nay, thái độ bảo vệ quyền tự chủ trong văn hóa, đời sống; từ hành vi nhỏ nhặt nhất như chuyện mua bán nải chuối, món hàng mỹ nghệ của người dân Đà Nẵng; đến việc thể hiện của nghệ sĩ Thành Lộc, là điều đáng quý.

Thái độ ứng xử của chính quyền Đà Nẵng, Khánh Hòa không phân biệt, kỳ thị, tẩy chay du khách nhưng quản lý chặt, như Bí thư Xuân Anh chỉ đạo, là hết sức cần thiết.

Nếu ý thức, tình cảm này thấm đẫm trong trái tim, trí não của hơn 90 triệu người dân, sẽ là một sức mạnh tinh thần, một thứ “nỏ thần” vô địch bảo vệ cho sự trường tồn của dân tộc.