'Sáng tạo' tiếng Việt và chuyện những cán bộ 'sống ký sinh'

(PLO) - Ngôn ngữ Việt vốn phong phú, ngữ pháp Việt phức tạp. Cha ông ta đã dạy: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Không phải tự nhiên có thành ngữ này.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Nhiều khi phức tạp do người Việt luôn “sáng tạo” tiếng Việt, dạy và học.

Sau hơn 30 năm đổi mới, hệ thống giáo dục Việt Nam trải qua nhiều đợt “cải cách”, thay đổi. Cải cách dạy và học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành, diễn ra trong thời kỳ bốn đời Bộ trưởng. Từ năm 1986 tới nay, với việc ban hành Luật Giáo dục các đợt khác nhau (1998, 2005, 2009 (sửa đổi)), hệ thống giáo dục Việt Nam liên tục có nhiều thay đổi. Hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết tiếp tục cải cách.

Đáng tiếc, càng cải cách càng thấy rối. Một cô giáo từng thốt lên: Đừng làm “phong ba” thêm, “bão táp” thêm ngữ pháp tiếng Việt để các em học sinh phải quay cuồng trong trong những trận tố lốc?

Đấy là trong giáo dục, dạy chữ, dạy người. Báo hại “sáng tạo”, “cải cách”.

Trong cuộc sống thì sao? Người Việt luôn “sáng tạo” làm cho cuộc sống luôn “rối”.

Trong lịch sử tư pháp của nước ta, gần đây người ta nghe đến cụm từ “tẩu tán nhân sự”. Đó là phát ngôn của một đại biểu Quốc hội với báo chí, nhân việc tỉnh nọ công bố bản kết luận thanh tra sai phạm trong vụ “bổ nhiệm thần tốc” một nữ trưởng phòng. Thậm chí vừa qua câu chuyện “thần tốc” bị phát giác hơi nhiều trên mặt báo.

Trên lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng, gần đây người ta nghe đến các cụm từ “tham nhũng quyền lực”. Trong lịch sử chính trường, người ta đã từng nghe đến cụm từ “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “bình minh nguyên lão”. “Hoàng hôn nhiệm kỳ” là chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến về vụ ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự vào “phút 89” của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền/thậm chí nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ kế nhiệm ông Truyền cũng đi vào “vết xe đổ” này. Câu chuyện đề bạt cán bộ trước khi nghỉ hưu/nâng đỡ thuộc hạ trước khi nhận nhiệm vụ mới… thật không giấy bút nào liệt kê hết. 

Gần đây, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nhân, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hoá nêu nhiều ý kiến thẳng thắn, trong đó có câu làm ông thêm nổi tiếng: “50% công chức ngồi bói chữ hơn là làm”. Trước đây dân ta chỉ có “bói Kiều”, bây giờ công chức thêm sở trường “bói chữ”.

Khi còn ở cương vị Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”. Khi còn là Bộ trưởng Bộ  TT&TT, ông Lê Doãn Hợp còn thêm: “30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ”.

Có nghĩa là cán bộ trong các cơ quan công quyền sống “ký sinh” trên giọt mồ hôi của người lao động còn đang rất, rất nhiều, ai cũng biết, từ người dân đến nguyên thủ quốc gia. Xem ra ngữ pháp Việt Nam vô cùng khó, trở thành “bão tố” bởi chính chúng ta luôn “sáng tạo” tiếng Việt!