Đã 50 năm kể từ khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng khởi xướng việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt và cho đến hôm nay, khi sự trong sáng tiếng Việt ít được quan tâm giữ gìn thì những đánh giá, đóng góp, kiến nghị, giải pháp và đặc biệt “đánh động” dư luận về vấn đề này là việc làm hết sức cần thiết và mang ý nghĩa lớn trong lĩnh vực văn hóa, truyền thông với xã hội.
Hiện trạng cho thấy, sự trong sáng tiếng Việt đang bị “xâm thực” bởi các từ nước ngoài, bởi cách dùng tùy tiện và đáng nói hơn cả là trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng lâm vào tình trạng này. “Ngôn ngữ mới” xuất hiện bắt đầu từ giới trẻ, từ bàn phím máy tính và di động, cái thứ ngôn ngữ “chát, chít” ấy với sự biến dạng của chữ viết, của cách dùng từ, viết tắt, tiếng lóng... dùng khi nhắn tin hoặc trên các mạng xã hội, các trang cá nhân đã làm lệch lạc đi rất nhiều ngôn ngữ tiếng Việt và đáng lo ngại là nó cũng ảnh hưởng đến ngôn ngữ, văn phong báo chí. Còn trên các phương tiện truyền thông, vốn là sự mẫu mực và có ảnh hưởng trực tiếp đến mọi tầng lớp xã hội thì việc dùng từ tùy tiện, câu tối nghĩa, què cụt, sai chính tả, viết tắt, thiếu tôn trọng ngữ pháp, nói ngọng và viết ngọng,... vẫn thường xảy ra.
Sự trong sáng của tiếng Việt có thể hiểu là cái gì ta có trong cái kho ngôn ngữ của ta thì ta dùng, chớ lai căng, bắt chước, vay mượn khiên cưỡng và đặc biệt thứ văn phong trong sáng, dễ hiểu và thuần Việt nên sử dụng. Đặc biệt, tiếng Việt là thứ ngôn ngữ uyển chuyển, mang tính biểu đạt cao và truyền cảm xúc mạnh mẽ. Thế mà, do thói quen thiếu vận động, nhà báo thường dùng các từ “có sẵn” khiến một số từ dùng với tần suất rất lớn, trở thành “sáo ngữ” đến nỗi chỉ cần đọc hoặc nghe từ đầu tiên thôi thì đã biết các từ xuất hiện tiếp theo là gì.
Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt không chỉ là giữ cái đã có mà sự trong sáng đó cần bổ sung bằng cách làm cho kho từ vựng chúng ta giàu có, phong phú hơn hoặc nói cách khác là “làm mới”. Nhưng, trước khi “làm mới” nó thì phải “thuộc” nó đã, ngữ pháp còn không thuộc đã vội “áp dụng” sinh ngữ nước ngoài thì đó là một sự hợm hĩnh, từ dùng mà chính mình không hiểu kỹ đã biến người viết thành kẻ ngây ngô. Tóm lại là cần lĩnh hội đầy đủ và sử dụng thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ trước đã. “Văn tức là người”, câu đúc kết đó bao giờ cũng đúng!
Có ý kiến đề xuất cần có một đạo luật về ngôn ngữ. Chuyện đó cũng cần thiết trong xu hướng luật hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện tại. Song, cái cần hơn là phải có những lớp học ngôn ngữ bắt buộc cho những người trong giới truyền thông và cần có những giải thưởng xứng đáng cho những ai nghiêm cẩn thực hành sự trong sáng tiếng Việt trong mỗi câu văn, lời nói của mình chứ không dừng lại ở chuyện kêu gọi giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt.