Thói côn đồ nơi công sở

(PLO) - Bác sỹ cấp cứu ở Bệnh viện 115 Nghệ An bị đánh theo một kiểu gia trưởng truyền thống: bạt tai và tát. Dẫu người đánh là ai, côn đồ hay giám đốc, dân chợ búa hay cán bộ lãnh đạo, dẫu bất cứ nguyên nhân gì thì việc đánh đó là sai và không thể bỏ qua.
Thói côn đồ nơi công sở

Không phải lần đầu tiên các bác sỹ bị hành hung mặc dù hành vi này bị dư luận lên án mạnh mẽ. Có nhiều nguyên do khác nhau nhưng dứt khoát phải có một tác động đáng kể từ phía người bị đánh (trực tiếp hoặc gián tiếp, môi trường hay hoàn cảnh) gây ra sự bức xúc nên mới xảy ra cơ sự.

Thứ nữa, mặt bằng đạo lý “lương y như từ mẫu” không còn được duy trì như trước nên có những người sẵn sàng bước qua đạo lý này. Nói cách khác, thầy thuốc không còn được tôn trọng khi thực hiện sứ mệnh cao cả “chữa bệnh, cứu người”.

Cũng như thầy giáo bị phụ huynh hay chính học sinh đánh, nhà báo bị cảnh sát hoặc doanh nhân hành hung, khi họ đều ở vị trí tác nghiệp của mình, trong nhà trường, tại hiện trường, các bác sỹ bị đánh cũng ngay tại bệnh viện, tất cả họ đang làm công việc của mình và bị đánh bởi công việc đó. Tuy nhiên, họ không được bảo vệ bằng điều luật hình sự “Chống người thi hành công vụ”, phải thế chăng mà thái độ côn đồ đối với những người đang thực hiện nhiệm vụ nghề nghiệp của mình ngày một lộng hành? 

Một câu chuyện khác, trái ngược với việc bạt tai bác sỹ này nhưng nó như một đối chứng về thái độ hành xử. Một Phó Tổng thanh tra nhà nước về hưu, 5 tháng không nhận được tiền lương hưu rót vào thẻ, thắc mắc với cô nhân viên bảo hiểm xã hội thì bị “mắng như tát nước vào mặt”.

Đó là một sự vô lễ với ông già về hưu đã đành, nhưng cái lớn hơn, mang tính phổ quát cao hơn đó là cách hành xử của các nhân viên nhà nước đối với dân.

Khác với hành vi côn đồ xông vào tận nhiệm sở để đánh người, cô này cậy thế ở cơ quan mà mắng mỏ người đến giải quyết quyền lợi của họ, chính xác, đây là thái độ cửa quyền và hẳn là không chỉ một trường hợp như cô. Nếu những người đương chức, đặc biệt là các lãnh đạo, không rèn giũa nhân viên của mình, không đặt đúng vị trí phục vụ người dân, khi về hưu, họ sẽ bị đối xử y như trường hợp của ông quan thanh tra rất to kia.

Chúng ta lên án thói hành xử thô bạo nhưng đồng thời phải xử lý nghiêm khắc và tạo ra môi trường để  hành vi vô văn hóa đó không còn đất sống. Khi những quan hệ xã hội bị đồng tiền chi phối, xóa nhòa các ranh giới đạo lý thì nảy sinh những hiện tượng bạo lực, cửa quyền, vô lễ, thiếu tôn trọng người khác,... nhất là ở những người có tiền và có quyền.

Đơn giản, họ tin rằng quyền và tiền giải quyết được tất cả mọi chuyện, vì thế họ tự cho phép mình ứng xử trịch thượng, bề trên, lỗ mãng, háo danh, “mục hạ vô nhân” và những hành vi trái tai gai mắt xảy ra như chúng ta đã chứng kiến sẽ còn xuất hiện thường xuyên hơn.