Tòa chưa xử đã tiến hành cưỡng chế tài sản

(PLO) - Trong khi chủ tài sản đang đi gõ cửa các cơ quan có thẩm quyền vì bị tòa “ngâm” không chịu xử thì bất ngờ công an phường hỗ trợ ngân hàng đến đòi cưỡng chế tài sản - được coi là tang vật liên quan đến vụ án. Nhiều ý kiến cho rằng, tài sản liên quan đến vụ án chưa được tòa giải quyết thì không ai được cưỡng chế.
Tòa chưa xử đã dán thông báo cưỡng chế.
Tòa chưa xử đã dán thông báo cưỡng chế.

Công an “giúp” ngân hàng cưỡng chế?!

Bà Đ.M.H. Giám đốc Cty TNHH Bất Động Sản Minh Quang- Chủ DNTN Liên Hà (địa chỉ tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng trình bày bức xúc của mình trước việc Ngân hàng TMCP Á Châu (gọi tắt là ACB) đã cho người đến đòi cưỡng chế lấy tài sản là căn nhà của bà tại 658/61 Cách mạng Tháng 8, phường 11, quận 3.

Cụ thể, vào lúc 14h30, ngày 6/7/2016, đại diện ACB dẫn theo 8 bảo vệ cùng ông Nguyễn Mạnh Hùng - cảnh sát khu vực và một cảnh sát khác của phường 11 đến số nhà trên dán vào cổng thông báo cưỡng chế thu hồi tài sản. Cảnh sát còn yêu cầu mọi người trong nhà thu dọn và giao nhà trống.

Quá bất ngờ, gia đình bà H. chống đối quyết liệt bằng các chứng cứ pháp lý và yêu cầu ACB liên hệ TAND quận Tân Phú hoặc C45-Bộ Công an để giải quyết vụ việc, mãi đến 17h30, hai cảnh sát khu vực và toàn bộ nhân viên ACB bỏ ra về. 

Sau đó, bà H. đến trụ sở Công an phường 11 gặp ông Phạm Văn Kiên, trình bày sự việc và nộp cho ông Kiên Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mua bán nhà ở trả chậm trả dần số 004494 ký ngày 28/4/2010, giữa bà Đoàn Minh H. và GP Bank; Thông báo thụ lý vụ án số 251/2013/TLST-DS ngày 28/8/2013 của TAND quận Tân Phú về việc bà H. yêu cầu hủy bỏ các hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa bà và GP Bank; Biên bản kê biên tài sản là căn nhà 658/61 Cách mạng Tháng 8, của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an (C45).

Tuy nhiên, ông Kiên nói, biên bản kê biên tài sản không có giá trị pháp lý, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở mới có giá trị pháp lý. Ông Kiên yêu cầu tất cả mọi người đang cư ngụ tại đây ra khỏi nhà và giao nhà cho ACB khóa cửa. Trong khi đó, cha mẹ, các em và cháu của bà H. đều có hộ khẩu và cư ngụ tại đây từ năm 1993... 

Khi được hỏi, vì sao ACB đến đòi lấy tài sản(?), bà H. nói: Trước đây vào tháng 3/2009, Cty TNHH Bất Động Sản Minh Quang do bà làm Giám đốc có đầu tư dự án bất động sản vào khu đất 15-17-19B Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1 với tổng giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng. Và bà đã đầu tư 247,3 tỉ đồng để triển khai dự án.

Thời điểm này, bà được GP Bank cho vay hơn 549 tỷ đồng (tài sản đảm bảo chính là khu đất 19B Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1 có diện tích 4.316m2). Để tiến hành thực hiện giao dịch, GP Bank mời Cty thẩm định giá, định giá trị tài sản khu đất dự án hơn 973 tỷ đồng. Chính vì  các khoản cho vay của GP Bank vượt hạn mức của Ngân hàng Nhà nước nên GP Bank bị Thanh tra Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giải trình và thu hồi vốn. Vì vậy GP Bank tìm cách đối phó với thanh tra... 

Giá trị pháp lý của hợp đồng giả cách?!

“Mặc dù khoản vay 549,97 tỉ đồng của bà H. đang đóng lãi vay đầy đủ và đúng hạn cho GP Bank nhưng ông Đoàn Văn An (lúc đó là phó Chủ tịch thường trực HĐQT GP Bank) nói với chúng tôi: Do khoản vay của chúng tôi sai quy định, vượt tỷ lệ 15% đối với doanh nghiệp và 15 tỉ đồng đối với cá nhân của ngành ngân hàng, mà cá nhân tôi vay 149,9 tỉ đồng... nên cần phải đưa một số tài sản thuộc sở hữu của cá nhân tôi và DNTN Liên Hà để làm hợp đồng bán, chuyển nhượng “giả cách” cho GP Bank nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu cho GP Bank” – bà H. trình bày.

Theo đó, GP Bank có cam kết: Sau 18 tháng, kể từ ngày hai bên ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tại cơ quan công chứng... thì bản thân bà H. và DNTN Liên Hà được chuộc lại các tài sản đã bán, trước đó đã chuyển nhượng giả cách. Hai bên thỏa thuận sẽ không làm thủ tục thuế, không tiến hành thủ tục đăng bộ chuyển dịch sở hữu... vì chắc chắn sẽ hủy các hợp đồng mua bán, chuyển dịch tài sản. 

Tất cả những việc làm trên nhằm mục đích giúp GP Bank cân đối nợ. Vì vậy, từ ngày 22/4/2010 - 7/5/2010, DNTN Liên Hà  đã ký 11 hợp đồng mua bán, nhà đất (trong đó có nhà 658/61 Cách mạng Tháng 8) theo hình thức trả chậm trả dần; giá cả ghi trên hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Hợp đồng giả cách còn nêu: Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nếu DNTN Liên Hà và bà Đ.M.H. có đề nghị mua lại tài sản chuyển nhượng thì GP Bank đồng ý về nguyên tắc bán lại tài sản đã chuyển nhượng...

Tuy nhiên, nhiều lần bà H. gửi công văn đến GP Bank yêu cầu được mua lại (chuộc lại) 11 tài sản nhưng không được GP Bank chấp nhận. Đó là chưa nói, 4/11 tài sản là 4 thửa đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản, về nguyên tắc GPBank không được nhận chuyển nhượng theo quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản.

Sau khi giữa hai bên xảy ra tranh chấp và kéo nhau ra tòa, bất ngờ ngày 16/8/2011, GP Bank gửi bản dự tính thu tiền lãi của khoản 379 tỷ đồng cho C46 và bà H.; theo bảng tính lãi của GP Bank, mức lãi cao nhất là 28%/năm. Và theo yêu cầu của C46, bà H. đã giao 8 tài sản cho GP Bank – bà H. cho biết. Chưa hết, trong khi vụ việc đang được TAND quận 1 và  quận Tân Phú thụ lý xét xử thì ông An một lần nữa làm đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C45) và Cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà H. về hành vi trốn thuế khi chuyển nhượng 11 bất động sản cho GP Bank.

Chính vì vậy, ngày 22/1/2015, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an đã kê biên nhà số 658/61 CMTT, có sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương là Thiếu tá Phạm Văn Kiên - Trưởng Công an phường 11. Theo đó, biên bản ghi rõ giao cho bà H. bảo quản căn nhà này cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền...