Xử lý tin trên facebook thế nào để niềm tin của dân không tổn thương?

(PLO) - Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng giải pháp chống thông tin xấu độc là “cần định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật. Để làm được, cần phải sửa một số quy định của pháp luật”. 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần có quy định cụ thể tin nào xấu, độc hại.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần có quy định cụ thể tin nào xấu, độc hại.

Đúng vậy, một thông tin công dân chia sẻ trên mạng xã hội phản biện, bày tỏ quan điểm về các chính sách của Chính phủ, về hoạt động của lãnh đạo cần phân biệt rõ ràng giữa sự vu khống, nhục mạ khác với góp ý, phản biện, xây dựng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã gửi câu hỏi về lĩnh vực thông tin và truyền thông tới tân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ông Cương cho rằng: “Lâu nay trên mạng xã hội có một số cá nhân tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói, xúc phạm ai thì xúc phạm. Một ví dụ là sau lấy phiếu tín nhiệm, đã có nhiều phát ngôn xúc phạm đến các bộ trưởng. Thậm chí có cá nhân đăng lên là đại diện cho dân, đi ngược lòng dân”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Cương, Bộ trưởng Hùng bày tỏ quan điểm: “Thứ nhất, cần định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật. Để làm được, cần phải sửa một số quy định của pháp luật.

Thứ hai, cần có công cụ giám sát phân tích đánh giá, bằng cách dùng công nghệ. Một ngày trên mạng xã hội bằng tiếng Việt có trên 100 triệu thông tin, do đó chúng ta không thể dùng người được.

Bước đầu Bộ TTTT đã xây dựng một trung tâm quốc gia giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, có thể đọc 100 triệu tin mỗi ngày, phân tích, đánh giá, phân loại".

Ông Hùng nhấn mạnh. "Quan trọng là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật, có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng".

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng mạng xã hội không ảo mà là thật, chúng ta không nên bỏ trống trận địa này, đặc biệt là người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên mạng xã hội.

"Cái tốt lớn lên thì cái xấu giảm đi. Chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức của người dân. Thông tin trên mạng xã hội là thông tin không được kiểm duyệt, cho nên không phải cái gì ta xem cũng tin ngay, cái này cần phải truyền thông", ông nói.

Đúng vậy, nếu tin như đại biểu Cương bày tỏ “muốn nói gì thì nói, xúc phạm ai thì xúc phạm. Một ví dụ là sau lấy phiếu tín nhiệm, đã có nhiều phát ngôn xúc phạm đến các bộ trưởng. Thậm chí có cá nhân đăng lên là đại diện cho dân, đi ngược lòng dân” được xác minh, thì cần có chế tài cụ thể để căn cứ xử lý.

Vấn đề này cần có sự phân biệt rõ ràng, không thể xử phạt hay hình sự vụ việc theo cảm xúc. Nói thế nào là xúc phạm, viết ra sao, lời họ viết đúng không…?.

Rồi lời nói đó ảnh hưởng ra sao tới các vị bộ trưởng?. Mức độ nghiêm trọng ra sao?. Nếu việc làm của bộ trưởng sai thì người dân có được phép lên tiếng không?. Từ lâu chúng ta thường nói “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Giờ lên tiếng việc sai nếu bị xử lý thì lòng dân băn khoăn, niềm tin bị tổn thương.

“Tôi xin hỏi Chính phủ và Bộ Công an có cần xử lý và xử lý được tình trạng này không?”, ông Cương nêu.

Muốn xử lý những thông tin vu khống, lăng mạ, lạm nhục... phải bằng luật và quy định hướng dẫn để thi hành. Cần phải có quy định cụ thể thế nào là tin độc hại, thế nào là không độc hại, cái nào phản biện, góp ý xây dựng?

Ranh giới giữa phạm luật và không phạm luật  không thể mơ hồ, quy chụp hay suy diễn.

Nói như ý bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng “Quan trọng là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật, có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng".

Giảng viên Võ Trí Hảo, khoa Luật, Đại học Kinh tế TP HCM nêu quan điểm: “Xúc phạm, lăng mạ, xuyên tạc, vu khống trên internet hay bằng "mồm", bằng "tay" chỉ khác nhau ở công cụ phương tiện, chứ không nên coi là hai hành vi khác loại, độc lập với nhau. Cái này vốn dĩ đã được Bộ Luật Hình Sự quy định rồi; việc sử dụng internet với tư cách là công cụ phạm tội cũng đã được xem là tình tiết lượng hình (về hậu quả, thủ đoạn) hoặc tình tiết tăng nặng rồi.

Cần phân biệt và xây dựng tiêu chí tường minh giữa hành vi xuyên tạc, xúc phạm, khác với hành vi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng như bày tỏ yêu, ghét; bày tỏ chính kiến; nhận định tích cực, tiêu cực; nói xấu, nói tốt.

Chỉ khi xác định rõ tiêu chí hành vi vi phạm thì cơ quan nhà nước mới có căn cứ xử lý; người dân, doanh nghiệp mới có quyền khởi kiện người vu khống mình và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Gần đây, cộng đồng lên tiếng vụ anh Cà Rế đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, vụ sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học, vụ học sinh bị đuổi học khi nói xấu thầy cô trên Facebook..., cơ quan quản lý đã nhanh chóng tiếp thu, sửa sai. Nên việc góp ý để xây dựng một chính phủ minh bạch là việc cần thiết làm của mỗi người dân. Im lặng đôi khi là đồng lõa với sai lầm.

Việc xử lý tin vu khống, giả mạo, nhục mạ, không phải dùng “Chính phủ, công an để dọa, xử lý ngay” mà phải quy định chặt chẽ, rõ ràng trong các điều luật. Chúng ta cứ theo luật mà làm, người viết thông tin và người thực thi pháp luật cần phải hiểu điều đó để không bước qua ranh giới của Luật.