Đó là thực tế đang diễn ra tại tòa nhà LK11 Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) của nhóm đối tượng thuộc hệ thống Pocolo mà PV Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trong bài viết “Màn mở đầu cho những chiêu trò lừa dối khách hàng của TPCN Mạch Nhất Khang”...
TPCN được ví như “tiên dược”
Tại website https://www.suckhoe-giadinh.online/mo-mau Mạch Nhất Khang được quảng cáo là sản phẩm được chiết xuất từ các thảo dược “Sách đỏ Việt Nam” với những công dụng đẩy lùi mỡ máu, mỡ gan, men gan cao. Đồng thời “cam kết hiệu quả 100% sau 1 liệu trình” và sử dụng rất nhiều hình ảnh thư tín, lời cảm ơn của khách hàng nhằm khẳng định hiệu quả của việc sử dụng sản phẩm.
|
TPCN Mạch Nhất Khang quảng cáo "nổ" |
Trên Youtube có rất nhiều kênh quảng cáo Mạch Nhất Khang với những tác dụng “thần thánh”, là bài thuốc gia truyền 100 năm nức tiếng của dòng họ Nguyễn, đã điều trị khỏi hoàn toàn bệnh máu nhiễm mỡ cho rất nhiều bệnh nhân.
Hay như việc có bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ đã từng điều trị ở nhiều nơi, thậm chí cả Bệnh viện Bạch Mai nhưng không khỏi, sau khi được nhiều người giới thiệu bà Minh chữa bệnh máu nhiễm mỡ rất tốt cũng đến đây để bốc thuốc trị bệnh...
Tất cả đều sử dụng danh tiếng của Lương y Nguyễn Thị Minh, nhưng trên mỗi kênh lại để một số điện thoại liên hệ khác nhau, điều này đặt ra nghi vấn không biết số nào là của Lương y Minh thật, hay tất cả chỉ là được dựng lên hòng lừa dối người tiêu dùng?
|
"Bác sĩ online" đang thăm khám, kê đơn cho khách hàng là người bệnh. |
“Còn nói luôn với bác là tôi đã hỗ trợ cho ai thì người ấy phải có kết quả, cứ 7-10 ngày tôi gọi điện cho bác 1 lần vào buổi tối bác à! Gọi để xem bác uống thế nào, tăng giảm liều lượng khi cần thiết. Làm thì phải có trách nhiệm bác ạ, làm sao giúp cho bác có hiệu quả, chứ không phải đem con bỏ chợ bác ạ...”, câu nói được thốt ra từ mồm một cô/cậu mặt mũi non choẹt, tuổi đời chưa quá đôi mươi.
Đủ chiêu trò mạo danh
Chỉ cần cuộc gọi tiếp cận được khách hàng đang có nhu cầu điều trị mỡ máu thì các nhân viên kinh doanh tại đấy sẽ ra sức câu kéo. Những mánh khóe bắt đầu được tung ra, bằng mọi cách khiến khách hàng tin TPCN Mạch Nhất Khang là thuốc trị mỡ máu. Ngồi cạnh PV là những nhân viên tự xưng là “bác Tuấn”, “bác Quyết”, tuổi đời còn rất trẻ, nhưng tự quảng cáo có "tuổi nghề thì gấp đôi tuổi đời”, thậm chí là hơn.
|
Mạo danh Bộ Y tế lừa dối khách hàng |
Không chỉ vậy, các nhân viên kinh doanh tại đây còn mạo danh Bộ Y tế để lấy được lòng tin của khách hàng: “Không biết các cháu nhà tôi đã gọi điện cho mình chưa, báo cho mình một câu, hôm nay có chương trình tri ân bệnh nhân, tri ân khách hàng của Sở - Bộ Y tế đưa xuống cắt giảm chi phí cho bà con...
Đây là cái chương trình của Bộ Y tế người ta đưa xuống cho mình thôi, thì thấy mình ở đây chưa có chuyển biến gì nhiều nên mới cắt giảm nhiều chi phí như vậy chứ, giá niêm yết của Bộ Y tế là 2.250.000 đồng chứ không phải là 1.600.000 đồng hôm nay tôi hỗ trợ đâu... Mỗi gia đình 1 thẻ bảo hành, đảm bảo cho bác sau 3 tháng không có hiệu quả đơn vị nhà tôi sẽ làm theo lời của Sở Y tế hoàn trả lại bác toàn bộ chi phí bác đã gửi và hỗ trợ thêm cái lộ trình 5 tháng nữa...”.
Đồng thời, không quên đem “uy tín rởm” của mình ra khẳng định với khách hàng: “Thẻ bảo hành này đăng kí với Bộ Y tế là quy định rồi, nên bác hoàn toàn yên tâm, chứ nhà tôi là nói được làm được, không phải vì một hai trường hợp mà làm mất tai mất tiếng nhà tôi xây dựng 35-40 năm nay rồi”.
|
Mạo danh nhân viên Bưu điện nhà nước |
Các nhân viên kinh doanh còn mạo danh nhân viên bưu điện gọi điện để xác nhận đơn hàng với khách hàng, nhằm tạo lòng tin tuyệt đối: “Em ở bộ phân giao hàng bên bưu điện của nhà nước, có tiếp nhận hồ sơ của bác Minh là bên bác Quyết gửi cho người thân là 2 hộp Bổ tỳ Mộc Nhiên, 1 hộp Mạch Nhất Khang, 1 hộp Thảo Đường Khang cho người thân của mình...”.
Chứng kiến những thủ đoạn đó, PV thật sự bất ngờ trước biệt tài diễn xuất của các nhân viên tại đây, họ nhập vai quá xuất sắc, nét diễn rất tự nhiên và không chút gượng gạo. Chỉ cần câu dụ được khách hàng mua TPCN, giúp tăng doanh số bán hàng thì vai gì họ cũng diễn, bộ ngành nào họ cũng dám xưng danh.
Khi khách hàng phản ánh tình trạng bệnh chưa có chuyển biến, bị mất ăn, mất ngủ nhiều, nhưng nhân viên kinh doanh không khuyên khách hàng nên đến bệnh viện để thăm khám, mà còn tư vấn cho khách hàng kiên trì sử dụng thêm liệu trình... đợi kết quả. Việc làm này có thể dẫn đến nguy cơ cướp đi “cơ hội vàng” chữa bệnh của người bệnh. Vậy nhưng vì doanh số, nhân viên tại đây sẵn sàng bất chấp.
Cần nghiêm trị hành vi quảng cáo “láo”
Theo Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners) nhận định, hành vi quảng cáo TPCN, thuốc rởm trên mạng xã hội có thể bị xử lý theo nhiều góc độ.
Về các vi phạm trong quy định về quảng cáo thực phẩm: Đối với các dấu hiệu lừa đảo, các video quảng cáo có dấu hiệu mời những người nổi tiếng, những nghệ sĩ, các bác sĩ, chuyên gia, với mục đích tâng bốc, quảng bá, đánh giá chất lượng cũng như hiệu quả của các sản phẩm TPCN, thuốc rởm, không rõ nguồn gốc, có sự tham gia của những người bình thường với vai trò đóng giả bệnh nhân, người đã dùng thuốc chữa khỏi bệnh để tạo niềm tin cho người tiêu dùng đều có dấu hiệu của việc lừa đảo.
Ở đây có thể xác định, người làm quảng cáo đã lợi dụng sự nổi tiếng, tầm ảnh hưởng, chuyên môn nghiệp vụ cũng như sự đồng cảm để lôi kéo người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của mình, thổi phồng những tác dụng đáng kinh ngạc của TPCN để lừa tiền của mọi người.
Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), hành vi này đủ để cầu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng và hình phạt tù lên đến mức án chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu tiếp tục hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với các bác sĩ, chuyên gia tiếp tay cho hành vi quảng cáo TPCN, “thuốc rởm” sẽ bị xem xét kỷ luật; các nghệ sĩ tham gia quảng cáo sẽ tự hạ thấp uy tín, danh dự của mình. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Về hành vi cắt ghép, sử dụng hình ảnh người khách, hình ảnh đài truyền hình để tiến hành tạo lập quảng cáo, việc lợi dụng niềm tin, uy tín của một cơ quan nhà nước để quảng cáo sản phẩm kinh doanh nhằm thu hút khách hàng, tăng doanh thu, trục lợi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa dối khách hàng” theo Điều 198 của BLHS 2015 với mức phạt tiền lên đến 500 triệu đồng, phạt tù đến 5 năm.
Ngoài ra, các đối tượng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Quảng cáo gian dối” (Điều 197 BLHS 2015) nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.