Là người có trách nhiệm cao nhất của chính quyền xã Vĩnh Quỳnh lúc đó, ông nguyễn Quang Hưởng – Nguyên chủ tịch xã Vĩnh Quỳnh nhiệm kỳ ( 1986 – 2000), không phủ nhận mình chíCnh là người trực tiếp tiếp quản trạm trung chuyển nước sạch tại xã Vĩnh Quỳnh do thành phố bàn giao lại.
Trạm trung chuyển nước sạch xã Vĩnh Quỳnh |
Theo ông Hưởng: Vào thời điểm lúc đấy môi trường nước ở xã Vĩnh Quỳnh bị ô nhiễm nặng nề do nghĩa trang Văn Điển. Trước tình hình như vậy ủy ban nhân dân xã Vĩnh Quỳnh đã kiến nghị với quốc hội để đưa sự việc này lên chính phủ. Sau đó chính phủ đã chỉ thị cho lãnh đạo thành phố Hà Nội xây dựng hệ thống nước sạch cho huyện Thanh Trì, trong đó có xã Vĩnh Quỳnh.
Đây là dự án của thành phố làm chủ đầu tư xây dựng sau đó bàn giao lại cho huyện Thanh Trì. Tiếp đó huyện Thanh Trì bàn giao lại cho xã Vĩnh Quỳnh quản lí.
Ông Hưởng khẳng định: " Chúng tôi đã không nhận bàn giao công trình này từ huyện vì lúc đó xã không có kinh phí để sửa chữa nếu đường ống hư hỏng và không có chuyên môn về vấn đề đường ống dẫn nước. Tôi đã đề nghị huyện quản lí công trình này nhưng phía huyện không chấp nhận nên xã Vĩnh Quỳnh đành phả tiếp quản để quản lí"
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến việc đường ống dẫn nước mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, khiến nước không tới được nhà dân, ông Hưởng cho biết: Lúc đó, thành phố giao cho một công ty xây dựng trên huyện. Nhưng công ty này lại giao cho một người địa phương tại xã Vĩnh Quỳnh đứng lên nhận thầu và xây dựng. Vì không có chuyên môn nên đã xảy ra sự cố hư hại đường ống dẫn nước.
"Trước khi thi công bên xây dựng không khảo sát kĩ địa hình tại xã Vĩnh Quỳnh nên đã đặt đường ống ở cạnh đường bờ mương sát với mặt đường nên khi các phương tiện tham gia giao thông cộng với áp lực nước khi bơm khiến vị trí đặt ống vị sụt lún gây nên tình trạng nứt gẫy ống. Thêm vào đó là do đường ống dẫn nước là loại ống hợp kim nhôm, phi 100 được thiết kế không có gioăng để nối các đường ống lại với nhau nên phải hàn, vì vậy khi vận hành sẽ nhanh bị xuống cấp." - ông nói.
Theo nguyên chủ tịch xã Vĩnh Quỳnh, khi thi công công trình này, xã không được quyền giám sát. Phía huyện có 1 tổ phụ trách giám sát nhưng do tổ này phải giám sát nhiều dự án nên họ giám sát theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa
Sự tắc trách từ khâu triển khai dự án, chọn nhà thầu, chọn người thi công đến khảo sát mặt bằng, thi công giám sát... đã khiến cho hệ thống nước sách với nguồn vốn ban đầu là gần 5 tỷ đồng mới hoàn thành đã không thể sử dụng. Thậm chí phải nâng cấp thêm với số tiền rót thêm 1 tỷ nữa cũng chỉ là một công trình vô dụng.
3 máy bơm nước tới các hộ dân trong xã Vĩnh Quỳnh thì chỉ còn 2 máy hoạt động |
Tiếp rục đi tìm lời giải cho công trình nước sạch 6 tỷ chứa chất những nỗi niềm của người dân xã Vĩnh Quỳnh, PLVN đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Huy Toàn - Trưởng phòng quản lí đô thị huyện Thanh Trì. Theo ông Toàn, nguyên nhân khiến người dân xã Vĩnh Quỳnh không được sử dụng nước sạch trong nhiều năm qua là do trước kia lãnh đạo huyện Thanh Trì đã giao toàn bộ hệ thống xử lí nước và đường ống dẫn nước cho xí nghiệp môi trường đô thị huyện Thanh Trì quản lí. Ông Toàn lý giải đây là đơn vị sự nghiệp, không có chuyên môn nên đã xảy ra tình trạng như vậy.
Vị trưởng phòng quản lý đô thị huyện Thanh Trì cũng có biết huyện Thanh Trì hiện không có kế hoạch cải tạo lại hệ thống đường ống dẫn nước tại xã Vĩnh Quỳnh vì trong thời gian tới UBND thành phố Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống nước sạch sông Đà do công ty Viwaco làm chủ đầu tư. Tuy nhiên dự án này đến bao giờ mới thực hiện thì huyện cũng chưa nắm được.
Điều khiến chúng tôi khá ngạc nhiên là khi được hỏi về vấn đề thất thoát nước, hỏng đường ống của trạm cung cấp nước sạch cho xã Vĩnh Quỳnh, ông Toàn cho biết : “Chúng tôi hoàn toàn không biết việc này, vì xã không báo cáo lên huyện. Lần cuối cùng xã báo cáo lên huyện về vấn đề nước là xin huyện đầu tư xây dựng thêm một trạm trung chuyển nước tại thôn Vĩnh Ninh chứ không đề cập gì tới việc thất thoát nước cả. Nếu như có sự việc đấy xảy ra huyện sẽ có phương án xử lí.”
Ông Nguyễn Huy Toàn - Trưởng phòng quản lí đô thị huyện Thanh Trì |
Theo lời ông Toàn, PV PLVN tiếp tục đặt lịch làm việc với bà Nguyễn Thị Kim Hồng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh. Tuy nhiên PV đã nhiều lần xuống trụ sở của xã Vĩnh Quỳnh, và rất nhiều lần gọi điện và nhắn tin liên hệ để tìm hiểu và xác minh thông tin. Tuy nhiên không nhận được bất cứ phản hồi nào từ bà Hồng.
Như vậy có thể thấy rằng nguyên nhân khiến người dân xã Vĩnh Quỳnh không được sử dụng nước sạch trong nhiều năm qua là do sự tắc trách của chính quyền các cấp trong thời gian qua.
Dư luận đặt câu hỏi: Chính quyền xã Vĩnh Quỳnh phải chịu trách nhiệm như thế nào về việc người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan bị ô nhiễm nặng nề, trong khi nguồn nước sạch vẫn ngày đêm xối xả chảy phí phạm vào lòng đất?