Khi động vật dùng nỗi đau để đổi lấy nụ cười
Tại sao lại nói là “sự thật tàn khốc bên trong những rạp xiếc”, bởi để có được những màn biểu diễn nhảy qua vòng lửa của hổ, gấu đi bằng 2 chân, giữ thăng bằng trên một quả bóng khổng lồ, khỉ biết tung hứng thì động vật phải trải qua những ngày tháng huấn luyện kinh hoàng, tàn nhẫn, đi ngược lại hoàn toàn với tập tính hoang dã của chúng.
Tài liệu của Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA) thực hiện tại một số rạp xiếc của Trung Quốc đã tiết lộ một sự thật kinh hoàng về cách con người đối xử với động vật tàn tệ như thế nào, vì những gì diễn ra tại đây cũng đúng với rất nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam.
Lấy một ví dụ với màn biểu diễn xiếc gấu đi hai chân, trồng cây chuối. Đầu tiên, cần biết rằng động vật sinh ra không tự nhiên biết diễn xiếc. Gấu có thân hình đồ sộ, khả năng giữ thăng bằng ở mức trung bình và chẳng có lý do gì khiến chúng thích đứng bằng 2 chân cả. Thế nhưng bằng cách luyện tập tàn nhẫn, con người đã biến gấu thành những “diễn viên xiếc đại tài”.
Chỉ sau khi chào đời vài tháng, nếu ở trong thiên nhiên hoang dã, những chú gấu con này vẫn chưa rời mẹ, vậy mà ở rạp xiếc chúng đã bắt đầu bị huấn luyện. Theo tài liệu của PETA, những chú gấu con sẽ bị xích vào một móc treo trên tường, với độ dài chỉ vừa đủ để chúng chạm được 2 chân sau xuống đất.
Chúng sẽ bị bắt buộc phải đứng bằng hai chân trong nhiều giờ đồng hồ. Mệt cũng không thể nghỉ, vì nếu hạ chân xuống, chúng có thể ngạt thở mà chết. Cứ như thế đến bao giờ chúng chịu và quen đứng bằng hai chân thì thôi. Hay trò gấu trồng chuối, để luyện tập gấu con bị buộc phải trồng chuối trên một thanh sắt, cứ mỗi lần muốn buông tay nghỉ, gấu phải nhận một cú quất roi đau điếng.
Với gấu là vậy, với hổ, báo cũng không hơn gì. Những loài thú hung dữ như hổ, báo, sư tử... được rèn luyện để biết sợ con người ngay từ bé. Đòn roi, chúng nếm đủ. Vì thế, vốn là loài động vật hoang dã rất sợ lửa, vậy mà khi có tiếng roi da quất, con hổ răm rắp nhảy qua vòng lửa như không có chuyện gì xảy ra. Nỗi sợ con người lúc đó đã vượt qua bản năng sợ lửa của chúng.
Khỉ là một loài động vật có tập tính bắt chước nên trong mắt giới xiếc là rất có “tố chất” vậy mà khi huấn luyện vẫn bị đánh đập tàn nhẫn. Để chuẩn bị cho một tiết mục, những chú khỉ sẽ bị xích lên sừng của một con dê và buộc phải trồng chuối trên đó, trong khi con dê bắt đầu leo thang. Mỗi lần mất thăng bằng, người huấn luyện sẽ quất cho khỉ một roi trời giáng để lần sau không dám tái phạm nữa.
Con người chỉ biết đến mình
“Con người chỉ biết đến mình mà không quan tâm đến nỗi đau của động vật” - đó là quan điểm của nhà hoạt động vì động vật Nguyễn Tâm Thành thuộc Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) tại buổi tọa đàm “Xiếc thú, nhu cầu của con người và nhu cầu của động vật” diễn ra mới đây.
Theo ông Thành, nói đến xiếc thú thì nhu cầu của con người là muốn giải trí, cười vui khi được xem những con thú biểu diễn như người. Bên cạnh đó là bí quyết huấn luyện và quyết tâm theo nghề cha truyền con nối của những người làm nghề xiếc thú. “Nhu cầu của con người thì chỉ có vậy, nhưng nỗi đau của động vật thì rất nhiều để có thể đáp ứng nhu cầu con người”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, trước hết, khi biểu diễn xiếc thú là con người đã bắt động vật làm những hành vi phi tự nhiên như cưỡi xe đạp, xe máy, hút thuốc lá… trái với tập tính động vật. “Theo các tổ chức bảo tồn, khi làm vậy, con người chỉ nghĩ đơn giản là chứng tỏ con vật cũng làm được nhiều trò giống người nhằm mua vui, mà không hề biết là đối với động vật việc làm đó là “mất mặt” chúng, biến chúng thành thứ để mua vui, công cụ chứ không phải là một sinh vật bình đẳng, sản phẩm của tạo hóa ở thế giới này” – ông Thành phân tích.
Hơn nữa, khi huấn luyện xiếc thú con người đã cố tình làm trái với quy luật tự nhiên, quy luật của từng loài động vật. Ví dụ như hổ là loài ăn thịt - săn mồi, ngựa là loài ăn cỏ - làm mồi, trong tự nhiên hai giống loài này không bao giờ ở gần nhau. Vậy nhưng trong rạp xiếc có tiết mục hổ đứng trên lưng ngựa và ngựa phi xung quanh rạp, để huấn luyện được trò này, người huấn luyện thú phải bắt hai con vật ở cạnh nhau (tất nhiên là bằng áp lực đòn roi, bỏ đói, mồi nhử…) và khi như vậy cả hai con thú đều rất căng thẳng vì đi ngược lại với quy luật tự nhiên của chúng.
Cũng theo ông Thành, trong quá trình huấn luyện con người luôn dùng những phương pháp tiêu cực ép buộc bằng tinh thần và bạo lực để con vật buộc phải nghe theo như bỏ đói để chúng phải biểu diễn mới được thưởng phần ăn, đánh bằng những loại roi đặc biệt gây đau đớn thể xác, và thêm vào đó là điều kiện chuồng nuôi nhốt vô cùng tồi tệ.
Trong nhiều trường hợp, khi bị dồn đến cùng cực về tinh thần và thể chất, động vật đã phản ứng lại, Bằng chứng là một loạt các vụ tai nạn trong xiếc thú ở thế giới và Việt Nam khi mà hổ vồ chết người huấn luyện, voi dẫm chết khán giả, cá sấu đớp vào mặt người biểu diễn…
Những nhận định của ông Thành cũng phù hợp với tài liệu của Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA) thực hiện tại một số rạp xiếc của Trung Quốc. Thực tế cho thấy, chỉ trừ những lúc huấn luyện, tất cả các loài thú trong rạp xiếc đều bị nhốt trong chuồng. Ăn, uống, vệ sinh, tất cả đều chỉ gói gọn trong chiếc chuồng chật hẹp.Vốn là động vật hoang dã vốn sống tự do tự tại, nay bị nhốt trong một không gian chật hẹp, nên như một hệ quả tất yếu, hầu hết các con thú đều rơi vào tình trạng căng thẳng và sợ hãi tột độ. Những chú khỉ đập phá chuồng khi có người đến. Những chú gấu lết tấm thân đầy đau đớn vì phải đứng hàng giờ đồng hồ, vươn tay ra khỏi chuồng như để trông chờ một sự giải thoát.
Các chuyên gia từ PETA cho biết, việc bắt gấu đứng như vậy sẽ khiến cơ thể chúng phải chịu những vấn đề như viêm khớp, thậm chí là hoại tử hoặc bại liệt. Đã thế, sau khi về già không còn có thể biểu diễn được nữa những con thú sẽ bị nhốt ở những khoảng tối nhất, không được quan tâm, thậm chí bị bỏ đói cho đến chết.
Cấm xiếc thú – nhiều nơi đã làm
Vì những lo ngại về việc động vật bị đối xử không tốt, trong bối cảnh con người đang dần xóa bỏ những hành vi ngược đãi động vật, bên cạnh việc nói không với những sản phẩm được thử nghiệm trên động vật, đưa ra điều luật phạt tiền, thậm chí phạt tù đối với những hành vi ngược đãi, giết hại thú vật, thì rất nhiều tổ chức và cộng đồng đề ra những quy định hà khắc đối với gánh xiếc sử dụng động vật.
Tại Mỹ, nhiều thành phố thậm chí đã chính thức cấm hoạt động đối với bất kỳ gánh xiếc nào có sử dụng động vật. Nhờ vậy, những rạp xiếc “địa ngục” đang dần dần bị loại bỏ, số lượng sụt giảm đáng kể. Lệnh cấm sử dụng tất cả các loài động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc hoặc áp dụng đối với một số loài động vật nhất định đã được ban hành toàn quốc tại: Trung Quốc, Úc, Bolivia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Hi Lạp, Malta, Slovakia, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Đài Loan (TQ), Singapore, Costa Rica, Ấn Độ, Pêru và Israel.
Còn ở Việt Nam, hàng trăm động vật hoang dã vẫn đang phải chịu đựng trong các rạp xiếc, phúc lợi của những động vật này trong các rạp xiếc cố định và di động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quá trình huấn luyện, biểu diễn và điều kiện sống không giống với môi trường tự nhiên, không đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của động vật hoang dã. Hầu hết thời gian trong ngày, động vật trong rạp xiếc bị xích và nhốt trong lồng, dưới 10% thời gian dành cho biểu diễn/huấn luyện và thời gian còn lại bị nhốt trong các chuồng luyện tập.
Do đó tại Việt Nam, các tổ chức bảo vệ động vật cũng đang nỗ lực lên tiếng để loại bỏ dần xiếc thú. Cách đây 3 năm, năm 2014, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) đã tổ chức lễ trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi vẽ tranh “Cuộc sống của động vật hoang dã trong các rạp xiếc” tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo. Cuộc thi đã rung lên hồi chuông kêu gọi tôn trọng quyền lợi động vật, nên có những hành động thiết thực tiến tới chấm dứt việc nuôi và khai thác động vật hoang dã, đặc biệt trong môi trường như rạp xiếc.
Thí sinh đạt giải nhất Dương Đoàn Anh Minh (Hà Nội) chia sẻ: “Khi còn bé, tôi cũng đã xem xiếc thú, nói thực tôi cũng đã từng nể phục những người dậy thú lắm. Nhưng sau quá trình tìm hiểu, tôi biết được rằng để làm được những hành động đổi lại tiếng cười đấy là một địa ngục với các con vật. Chúng được dạy bằng roi vọt, những dụng cụ tra tấn, xiềng xích. Tôi không muốn con, hoặc cháu tôi sẽ tiếp tục chứng kiến điều đấy.Tôi muốn con cháu tôi phải yêu thiên nhiên và động vật, dựa trên sự tôn trọng”.