Hiện Bộ luật Lao động chỉ áp dụng cho người lao động thuộc khu vực kinh tế chính thức, trong khi phần lớn trẻ em lao động trong khu vực phi chính thức nên không được bảo vệ.
Nhiều trẻ em phải đối mặt với các điều kiện nguy hiểm tại nơi làm việc
Có mặt tham dự Hội thảo Quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động sửa đổi do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (Unicef) tổ chức ngày 23/4/2019, Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ là người chưa thành niên và là người khuyết tật nên khi đi làm, Bảo gặp phải rất nhiều rào cản, khó khăn, sự kỳ thị từ người chủ và đồng nghiệp.
Ngoài ra, Bảo còn phải đảm nhiệm nhiều việc nặng, chế độ lương thấp và nhiều bất công khác. Vì thế, Bảo thu mình lại, tự ti, không dám giao tiếp với mọi người xung quanh, cũng như lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Thông qua hội thảo, Bảo mong muốn vấn đề phân biệt đối xử đối với nhóm lao động yếu thế, đặc biệt là người chưa thành niên cần được xem xét trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động.
Ông Đoàn Tấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm REACH chỉ ra rằng, nhóm lao động trẻ đặc biệt yếu thế như: khuyết tật, LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới), nhập cư, dân tộc thiểu số… đang gặp phải một số bất cập, hạn chế và có nguy cơ bị lạm dụng. Vì vậy, cần cụ thể hóa một số điều trong Bộ luật Lao động bằng văn bản hướng dẫn, tăng cường vai trò của Nhà nước và các tổ chức xã hội, bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhóm lao động trẻ yếu thế.
Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em, Việt Nam hiện có 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em, trong đó hơn 32,4% làm việc trên 42 giờ/tuần. Lao động trẻ em là thực tế đang tồn tại ở nhiều ngành nghề, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và dịch vụ thu hút hàng trăm nghìn trẻ em.
Còn theo các nghiên cứu quốc tế, tình trạng trẻ em Việt Nam lao động phải tiếp xúc với các điều kiện nguy hiểm hiện đang ở mức báo động. 43% trẻ từ 5 - 14 tuổi phải đối mặt với các điều kiện nguy hiểm tại nơi làm việc; tỷ lệ này ở nhóm trẻ lao động từ 15 – 17 tuổi thậm chí còn cao hơn, chiếm đến 51%.
Tuy nhiên, theo bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, kể cả Bộ luật Lao động chưa có một định nghĩa chính thức về lao động trẻ em. Chính vì vậy, bà Lesley Miller cho rằng, Bộ luật Lao động sửa đổi cần bổ sung định nghĩa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
Định nghĩa này sẽ giúp tập hợp những quy định hiện hành nhằm ngăn ngừa các tác động tiêu cực của lao động trẻ em; cũng như phân biệt giữa lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động phù hợp; giữa những kiểu công việc trẻ em có thể được thuê làm và những công việc không được phép thuê trẻ em làm.
Đại diện Unicef cũng cho rằng, tạo nơi làm việc an toàn và hòa nhập cho mọi lao động chưa thành niên cần phải là một ưu tiên, vì tình trạng phần lớn trẻ lao động làm nông nghiệp - lĩnh vực được xem là một trong ba lĩnh vực nguy hiểm nhất mà dù ở lứa tuổi nào trẻ em cũng phải đối mặt với các hiểm họa như: điều khiển máy móc nguy hiểm, tiếp xúc với thuốc trừ sâu và mang vác nặng…
Độ tuổi lao động tối thiểu là từ đủ 15 tuổi trở lên
Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, lần sửa đổi này, nội dung dự thảo tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung các điều luật nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lao động và yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như đặt ra các quy định nhằm nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Nội dung sửa đổi Bộ luật Lao động ở nhóm điều luật liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên gồm: việc xác định độ tuổi tối thiểu; nghiêm cấm sử dụng công dân dưới độ tuổi lao động tối thiểu; đưa ra nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; xác định giờ làm việc; thời giờ nghỉ ngơi hợp lý; xác định địa điểm làm việc phù hợp, người chưa thành niên, trẻ em khi tham gia lao động với tư cách là người lao động thì ngoài việc phải tuân thủ các quyền, nghĩa vụ cơ bản về điều kiện lao động (hợp đồng lao động, đào tạo nghề, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, kỷ luật lao động trách nhiệm vật chất…) thì còn phải tuân thủ các quy định riêng cho lao động chưa thành niên….
Cụ thể, theo ông Mai Đức Thiện, qui định độ tuổi lao động tối thiểu là từ đủ 15 tuổi trở lên; người lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 8 giờ/1 ngày hoặc 40 giờ/1 tuần.
Liên quan đến vấn đề lao động trẻ em, bà Nguyễn Thị Lan Minh chuyên gia bảo vệ trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, việc sửa đổi Bộ luật Lao động liên quan đến những lao động là vị thành niên phải cần phải đặt lợi ích của các em lên trên hết, đặc biệt là cần song hành với quy định của Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
“Chúng tôi mong muốn cơ quan soạn thảo phải đứng trên cơ sở tiếp cận lợi ích tốt nhất của trẻ vị thành niên, tức là vẫn tạo điều kiện để các em kiếm sống, hỗ trợ gia đình, nhưng đích đến lớn nhất vẫn là lợi ích cho các em chứ không phải cho chủ sử dụng lao động” - bà Minh nói.