Sửa đổi thông tư số 19/2015/TT-BTP: Quy định cụ thể việc tường trình về hành vi vi phạm

(PLO) - Qua gần hai năm triển khai thực hiện Thông tư số 19/2015/TT-BTP ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã đạt nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng cho thấy bộc lộ nhiều khó khăn. 
Sửa đổi thông tư số 19/2015/TT-BTP: Quy định cụ thể việc tường trình về hành vi vi phạm

Tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ 

Theo kết quả các Sở Tư pháp báo cáo về Bộ Tư pháp từ khi Thông tư có hiệu lực đến nay số đối tượng bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND cấp huyện quyết định là: 14.987 đối tượng. Số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: 284 đối tượng; Số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: 475 đối tượng; Số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 14.144 đối tượng. 

Nhìn chung, theo nhận định của Bộ Tư pháp Thông tư số 19/2015/TT-BTP được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hướng dẫn áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trước khi chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân xem xét, quyết định; góp phần bảo đảm tính khả thi của quy định về kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; phát huy tối đa hiệu quả của công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính. 

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Thông tư đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập làm ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc chẩn đoán và xét nghiệm người nghiện ma túy trên thực tế khá khó khăn và phức tạp do các đối tượng lẩn tránh, chống đối. Quá trình này được thực hiện chủ yếu bởi lực lượng công an đã theo dõi, điều tra bắt quả tang, triệu tập…và thực hiện kiểm tra nhanh. Do vậy, công tác phối hợp giữa đội ngũ công an xã, y tế xã và việc xét nghiệm xác định tình trạng nghiện ma túy của đội ngũ y, bác sỹ có thẩm quyền đôi khi chỉ là hình thức. 

Việc thông báo cho người bị đề nghị áp dụng trên thực tế đã được thực hiện nhưng thường gặp khó khăn, vướng mắc do đối tượng sau khi được thông báo thường trốn tránh, nên lực lượng công an thường bỏ qua thủ tục này và Phòng Tư pháp luôn phải yêu cầu thực hiện và bổ sung thành phần hồ sơ về nội dung này. 

Trong quá trình xác định nơi cư trú của các đối tượng vi phạm để thực hiện việc lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhiều trường hợp các đối tượng không có nơi cư trú ổn định, cố tình không khai hoặc khai không đúng sự thật dẫn đến việc xác minh gặp nhiều khó khăn, xác minh nhiều lần nên kéo dài thời gian xác minh nhưng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để xử lý. 

Bảo đảm phù hợp về độ tuổi, hành vi vi phạm 

Đặc biệt, trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện hiện nay phải qua nhiều cơ quan như: Công an cấp xã và cấp huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân cấp huyện nên mất nhiều thời gian, trong khi đó thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rất ngắn (3 tháng kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép lần cuối bị phát hiện và lập biên bản). 

Mặt khác, trong thời gian chờ có quyết định, người nghiện có nơi cư trú ổn định được gửi về gia đình quản lý, người không có nơi cư trú ổn định phải được đưa đến các cơ sở xã hội quản lý. Hiện nay, hầu như ở các quận, huyện chưa có nhà lưu giữ, không có cán bộ chuyên môn để xử lý cắt cơn nghiện nên việc quản lý, lưu giữ đối tượng gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp người nghiện ma túy biết bị lưu giữ để áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc sẽ bỏ trốn hoặc không hợp tác, việc thực hiện là rất khó khăn. 

Bộ Tư pháp hiện đang xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 19 nói trên. Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính cho Trưởng phòng Tư pháp kiểm tra tính pháp lý đối với người vi phạm có nơi cư trú ổn định và người vi phạm không có nơi cư trú ổn định. 

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể việc tường trình về hành vi vi phạm của người vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trong đó, nêu rõ bản thân đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nào, thực hiện hành vi đó như thế nào, lý do dẫn đến các hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra và những việc đã làm để khắc phục hậu quả, vi phạm đã bị xử lý như thế nào để bảo đảm việc áp dụng trên thực tế được thuận lợi, thống nhất hơn. 

Riêng Điều 18 được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở có sự thay đổi về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 136/2016/NĐ-CP. Theo đó, đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm phù hợp về độ tuổi, hành vi vi phạm và các điều kiện theo quy định. 

Việc sửa đổi nói trên kỳ vọng kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành; bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định.

Đọc thêm