Sức mạnh 'hồn xiêu phách lạc' của pháo binh Việt Minh

(PLO) - Đến 11h chiếc xe tăng cuối cùng trong đoàn quân cứu viện không thành mới quay trở về được khu Trung tâm, đúng vào lúc một bầu không khí tang tóc nặng trĩu trong sở chỉ huy trung tâm. Trung tá Piroth, chỉ huy cụm pháo binh vừa mới tự sát bằng lựu đạn trong hầm. Xác Piroth được mang về đây, đặt bên cạnh những chiếc áo quan vừa mới nhập thi hài, đó là Gaucher và các phó chỉ huy của ông. 
 Máy bay Pháp F8F Bearcat bị đạn pháo phá hủy
Máy bay Pháp F8F Bearcat bị đạn pháo phá hủy

Trong những ngày tiếp theo chúng tôi đào hầm trú ẩn và xây dựng các vị trí chiến đấu. Những máy bay vận tải dân dụng chở nhiều cuộn dây kẽm gai và bao gạo tới, cứ việc ném tự do xuống đất, không cần buộc dù. Một máy bay lên thẳng từ Luang Prabang đưa thư tới và chở lính bị thương đi.

Trong khoảng thời gian này chúng tôi tổ chức được hai hoặc ba cuộc vũ trang trinh sát ở bên ngoài cứ điểm. Rừng rậm đến mức các trinh sát vừa ra khỏi doanh trại đã mất hút. Đối phương có mặt khắp mọi nơi, tại những hầm kiên cố ngụy trang kỹ.

Chúng tôi từ bỏ ý định đánh ngay vào những nơi đã có chuẩn bị, mà chờ Việt Minh tiến công, lúc đó mới chống trả. Thỉnh thoảng Việt Minh lại bắn vài qua đạn một cách dè sẻn, keo kiệt, nhưng khéo léo và rất chính xác.

Đại đội dù của tôi có nhiệm vụ bảo vệ mặt đông bắc cứ điểm, được bố trí trên một sườn đồi rộng, đã chặt hết cây, rất dốc. Đó cũng là nơi hứng tất cả đạn pháo đối phương. Máy bay đã tới ném bom bắn phá loạn xạ khu rừng rậm có nhiều cây to, là nơi nghi ngờ có bố trí pháo Việt Minh nhưng xem chừng vẫn không đạt kết quả.

Suốt ngày đêm, tôi tung ra những đội tuần tiễu, đi càng xa càng tốt. Lính của chúng tôi luồn trong rừng rậm tới sát chân sườn núi đối diện rồi nằm phục ở đó. Nếu Việt Minh xuất hiện sẽ lập tức báo động. Đường chân trời có vẻ như chỉ cách họ vài ba mét. Họ có thể nghe thấy tiếng nói nhưng không nhìn thấy bộ đội Việt Minh.

Bộ đội kéo pháo vào trận địa
Bộ đội kéo pháo vào trận địa

Những tiếng gõ lốc cốc trên khúc tre rỗng, những khẩu lệnh phát đi bằng giọng mũi và nhiều tiếng động khác vang vọng tới. Không thể tiến xa hơn vì nhất định sẽ vấp phải một luồng đạn đã nhằm sẵn, từ một chỗ vào đó bắn ra. Có thể nói đây là biên giới giữa Việt Minh và chúng tôi. Việt Minh cũng không mạo hiểm vượt qua chiến tuyến này, nhưng bố trí canh gác rất chu đáo.

Rạng sáng 21 tôi đến chỗ các vọng gác báo động. Suốt đêm yên tĩnh. Cho đến sáng vẫn không có một tiếng động nào phá tan cảnh yên lặng trong rừng. Cũng không nghe thấy những tiếng quen thuộc chứng minh sự có mặt của đối phương tại nơi bố trí. Phải đến tận nơi xem sao.

Chúng tôi từ từ tiến theo hàng một, người sau cách người trước một mét. Một con đường mòn dốc ngược dẫn thẳng lên đỉnh núi. Chúng tôi leo lên và rơi vào một vị trí đã xây dựng các công sự chiến đấu mà Việt Minh vừa mới bỏ đi, dấu vết để lại hãy còn tươi rói.

Mặt trời đã chiếu ngang lưng. Khu rừng trở nên ngột ngạt, bốc hơi sương. Nhiệt độ đã làm khô khí ẩm ban đêm. Đến lừng chừng núi chúng tôi phát hiện thấy vị trí đầu tiên của pháo đối phương. Trong sườn núi Việt Minh đã khoét một hầm sâu. Phía mặt hầm được ngụy trang bằng cành cây, phải ra vào bằng cửa ngách.

Từ vị trí này nòng pháo có thể hướng thẳng xuống đường băng sân bay và các cứ điểm phòng ngự, và pháo có thể nhằm bắn thẳng. Chúng tôi khám phá được tới 20 hầm đặt pháo cùng một kiểu, cùng bố trí ở sườn núi. Dù có tiến sát đến vài mét vẫn không thể nào phát hiện ra những hầm pháo này vì đất đào lên đã được trồng lại cây như cũ.

Dĩ nhiên, không một chiếc hầm nào bị trúng bom. Ít  ai ngờ rằng chỉ ít ngày sau, pháo binh của Việt Minh sẽ quay lại.

Trước giờ nổ súng
Trước giờ nổ súng

Ngày 2/2/1954, khi lên thăm Điện Biên Phủ, tướng O Daniel tỏ ra ít bốc đồng hơn trước. Ông đi thăm tất cả các cứ điểm, chui vào trong hầm pháo để kiểm tra vũ khí, trèo lên các điểm cao, đi vào các hầm trú ẩn. Trước khi ra đi, ông đã vỗ vào vai Castries hai cái thật mạnh để tỏ sự tín nhiệm.

Năm ngày sau, Thứ trưởng chiến tranh De Chevigné lên thăm. Đã tốt nghiệp trường Cao đăng quân sự Saint Cyr, vị này có kinh nghiệm về những chuyến đi thanh tra chính thức và không tin vào những ấn tượng bề ngoài. Ông này chỉ đi có một mình và đến Điện Biên Phủ vào buổi sáng thứ ba cốt để cùng trải qua một ngày nghỉ cuối tuần với Castries.

Ngày hôm đó, hai tiểu đoàn dù do Langlais chỉ huy mở một cuộc tiến quân thăm dò đến tận các cao điểm 781 và 754 ở phía Đông. Mục đích cuộc hành quân này là nhằm phá hủy khẩu pháo 75 của Việt Minh, từ ngày 31/1 cứ vào lúc 17h những ngày lẻ là bắn vài quả đạn vào trung tâm cứ điểm của Pháp.

Trung tá Piroth chỉ huy cụm pháo binh Điện Biên Phủ đã chờ cho khẩu pháo Việt Minh bắn hết ba quả đạn để tính toán kỹ lưỡng vị trí đặt pháo, rồi mới cho các khẩu 105 của Pháp tưới đạn ào ạt lên chỗ nghi có pháo Việt Minh. Hôm sau là ngày chẵn, không nghe thấy một tiếng pháo nào.

Các pháo thủ của Piroth sướng phổng mũi, hy vọng đã tiêu diệt được pháo đối phương. Nhưng đến 17h ngày 3/2, tức ngày lẻ, khẩu pháo lại bắn, và ngày 5/2 lại tiếp tục bắn. Ngay hôm đó, trung tá Langlais đến tận vị trí cụm pháo binh để quát mắng các pháo thủ. Trung úy Constantin phụ trách cụm pháo 15 là người hứng chịu sự nóng giận của trung tá Langlais chỉ huy lực lượng phản kích. Trước khi quay về sở chỉ huy, Langlais còn đe một câu:

 - Tự tôi sẽ đích thân đi tiêu diệt khẩu pháo đó.

Tờ mờ sáng hôm sau lính dù đã tới chân điểm cao 781. Sườn núi gần như dựng đứng. Quân Việt Minh đóng ở trên đỉnh, nấp trong những hầm hố ngụy trang rất kỹ, có thể tránh được bom và pháo 105.

Lính tiểu đoàn dù lê dương và tiểu đoàn dù số 8 bám vào vách đá cố tìm cách leo lên đã bị bộ đội Việt Minh ném lựu đạn xuống. Langlais rất kiên cường nhưng sau 36 giờ tiến công đẫm máu mà không đạt kết quả đành phải ra lệnh rút về.

Thứ trưởng chiến tranh Chevigné đã ngồi trên tháp xe tăng Hervouet theo dõi một phần trận chiến đấu và đã nhìn thấy khá rõ có một ý niệm về những khó khăn trong cuộc chiến tranh vùng rừng núi.

Đêm hôm đó, Chevigné nghỉ lại trong hầm đại tá Castries. Sáng Chủ nhật, Chevigné rời Điện Biên Phủ trước 5h chiều nên không được nghe Việt Minh lại bắn từ khẩu pháo 75, ba phát đạn vào cứ điểm Eliane.  

Bộ đội với súng Reibel (Đức sản xuất 1931) tấn công cụm cứ điểm Điện Biên Phủ
Bộ đội với súng Reibel (Đức sản xuất 1931) tấn công cụm cứ điểm Điện Biên Phủ

Từ những ngày đầu tháng 3/1954, Castries báo cáo về Tổng hành dinh là Việt Minh đang siết chặt vòng vây chung quanh Điện Biên Phủ. Đêm 10 rạng ngày 11/3, những khẩu pháo 105 của Việt Minh đã được bố trí trong hầm đắp đất.

Sáng hôm sau, Việt Minh bắn vài quả đạn pháo vào đường sân bay để chỉnh súng, phá huy một máy bay vận tải đang bốc dỡ hàng. Sáng 12/3, tướng Cogny từ Hà Nội gọi điện cho Castries theo hệ thống Z13 mà kẻ đối phương không thể nghe lén được, cho biết: “17h ngày mai, 13/3”.

***

Ngày 13/3, một giờ trước khi trời tối, máy bay ào ạt kéo lên ném bom. Nếu đúng là 5h chiều Việt Minh sẽ tiến công thì vào giờ phút này, bộ đội Việt Minh đã chiếm lĩnh xong các vị trí xuất phát tiến công. Suốt nửa giờ, máy bay B26 trút bom xuống các mỏm đồi bao quanh tập đoàn cứ điểm.

Máy bay Hellcatt bổ nhào giữa những cụm khói từ lưới lửa cao xạ phòng không của đối phương, nã đạn xuống các khe suối và những lùm cây trên đường mòn dẫn tới cứ điểm Him Lam. Cho tới khi thả hết bom, bắn hết đạn, các máy bay mới lần lượt biến dần trên vòm trời bay về hướng châu thổ. Thung lũng lòng chảo ngay lập tức lại chìm đắm trong sự im lặng.

Đúng 17h, pháo binh Việt Minh bất đầu bắn những loạt đạn chế áp đầu tiên. Từng loạt đạn pháo 105 mm rơi tới tấp xuống khu Trung tâm, khu đặt sở chỉ huy, bãi để pháo. Tại sân bay, hai chiếc máy bay đỗ trên đường băng bị bốc cháy. Lửa lan rộng tới cả kho dự trữ xăng và hầm chứa bom napalm.

Trên đồi Him Lam, nơi đặt cứ điểm Béatrice, không còn là những tiếng pháo lẻ tẻ như mấy hôm trước nữa, mà là cả một trận bắn tiêu diệt bằng đạn pháo tập trung tại mặt trước cứ điểm. Lính lê dương ngồi rụt cổ trong chiến hào nghe tiếng gầm thét của pháo và cối.

Lính Pháp tháo chạy trước đạn pháo bộ đội Việt Minh khu vực sân bay Mường Thanh
Lính Pháp tháo chạy trước đạn pháo bộ đội Việt Minh khu vực sân bay Mường Thanh

Theo thói quen, mọi người không hề bộc lộ cảm xúc của mình mà cứ thản nhiên mặc cho số phận. Thỉnh thoảng, thiếu tá Pégot chỉ huy cứ điểm lại gọi điện liên lạc với các đại đội. Đường dây điện thoại đã bị đạn pháo cắt đứt, chỉ còn máy bộ đàm vô tuyến.

Hai đại đội trấn giữ mặt Bắc là những đơn vị bị bắn phá thiệt hại nhất. Nhiều lô cốt bị sập, giao thông hào bị xới tung. Đột nhiên, tiếng pháo ngừng bặt. Lính lê dương lại ngẩng đầu nhìn lên, lúc đó mới thấy, qua lớp rào kẽm gai bị pháo bắn tơi tả, hình ảnh những người lính Việt Minh đang xung phong, ánh lưỡi lê lấp loáng trên đầu súng.

Lúc đó là 18h15. Tại vị trí trung tâm, các sĩ quan tham mưu đang quây quần chung quanh trung tá Gaucher, chợt thấy trung úy Veyes là sĩ quan trực ban tại phòng tổng đài chạy vào nói to:

 - Báo cáo trung tá. Việt Minh đã xung phong vào đồn Béatrice, đề nghị pháo bắn chặn.

 Gaucher quay điện thoại nối chỉ huy trưởng Castries:

 - Báo cáo đại tá. Béatrice sẽ giữ vững nhưng phải có pháo bắn chặn hết cỡ.

 - Béatrice sẽ được ưu tiên về pháo.

 Các pháo thủ nã pháo rất mãnh liệt. Cứ bắn liên tục bốn hoặc năm viên đạn lại nhảy xuống hố bảo vệ trước khi Việt Minh bắn trả rồi lại nhảy lên bắn tiếp. Nhưng đã có hai khẩu 105 bị phá hủy, các pháo thủ đều bị thương, một số bị chết. Từ gian hầm tổng đài, người lính nghe điện báo với Veyes:

 - Thưa trung úy? Không thấy Béatrice trả lời.

 - Kiểm tra lại máy xem.

 - Báo cáo, máy vẫn chạy tốt. 

Liền sau đó anh lính báo vụ lại tiếp tục gọi trong máy:

 - Alô! Béatrice! Nghe rõ trả lời!

 Đột nhiên, qua loa phóng thanh một giọng nói hổn hển từ xa vọng lại:

 - Béatrice đây! Toàn thể ban chỉ huy cứ điểm đều tử trận… Một quả đạn nổ chậm đã lọt vào trúng hầm chỉ huy… Tất cả.., chết hết.., chết, hết…

 - Sở chỉ huy trung tâm đây? Hãy đưa máy cho một sĩ quan! Gọi lại cho chúng tôi!

 - Chết hết rồi… Chúng tôi vẫn đang tiếp tục bị bắn như giã giò…

***

Trung úy Veyes liếc nhìn đồng hồ, anh ghi lại rất chính xác trong sổ trực ban: 19h45. Chỉ vài giây sau Veyes đã bị một luồng gió mạnh quật ngã xuống đất. Gian hầm rung lên. Điện tắt ngấm. Dư âm của tiếng nổ còn kín đặc trong đầu. Trong bóng tối và trong đám bụi đất, Veyes lần mò tìm chiếc đèn pin. Một luồng ánh sáng lóe lên soi rõ gian hầm. Nhiều xà gỗ trên nóc hầm đã bị rơi xuống.

Một lớp đất khô phủ lên các cỗ máy thu phát hãy còn lập lòe tín hiệu le lói qua lớp bụi đất. Trung úy Veyes hiểu rõ ngay: Một quả đạn pháo của Việt Minh đã rơi trúng gian hầm bên cạnh, nơi đặt vị trí chỉ huy của tham mưu trưởng. Anh vội soi đèn nhảy sang. Thiếu tá tham mưu trưởng Vadot đang đứng, có vẻ như không việc gì, nói với trung úy Veyes:

 - Trung tá bị… Anh hãy nhìn xem?

Veyes bấm đèn pin, soi toàn bộ gian hầm. Các cây gỗ trên nóc đều bị sập, rơi chất đống, lộn xộn. Đất phủ đầy lên những xác người. Dưới gầm chiếc bàn làm việc đã bị phá hủy, trung tá Gaucher nằm thẳng cẳng, hai mắt mở to, miệng phủ đầy đất, ngực vẫn còn phập phồng đang cố hít không khí.

Bộ đội làm chủ cứ điểm vào 9h sáng ngày 14/3
Bộ đội làm chủ cứ điểm vào 9h sáng ngày 14/3

Nhưng cả hai cánh tay của trung tá đã bị lìa khỏi cơ thể. Bên cạnh trung tá là một xác người đã bị cụt đầu, nhưng Veyes vẫn nhận ra được, đó là Bailly, bạn cùng học trường kỵ binh Coetquidam. Gần bên cạnh là trung úy Bredeville đang thở hổn hển trước khi tắt thở. Thiếu tá Martinelli cũng bị thương.

Bên ngoài, pháo Việt Minh vẫn tiếp tục. Đến 20h30, Veyes mới bắt liên lạc được với Béatrice.

Từ một vị trí còn lại ở phía Tây Bắc cứ điểm, điện đài báo về cho biết: “Việt Minh ở khắp mọi nơi, chúng tôi đang chiến đấu chung quanh sở chỉ huy.” Đến 21h thì cả đại đội cuối cùng này cũng không thấy trả lời nữa, cho tới nửa đêm thì toàn bộ cuộc chiến đấu đã được sắp xếp mường tượng lại như sau:

Cả hai sĩ quan Pégot và Gaucher đều bị tử trận từ đầu, cuộc phòng ngự thiếu người chỉ huy rơi vào hỗn loạn, vô tổ chức. Dù sao, cũng không thể tin được rằng toàn bộ tiểu đoàn 1 thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 thiện chiến lại bị đè bẹp nhanh chóng chi trong vài giờ mà không có một lực lượng cứu viện nào.  

Buổi sớm hôm sau rất yên tĩnh, một sự yên tĩnh hoàn toàn khác xa với thực tế. Cuộc đấu pháo đã ngừng, không ai nghe thấy một tiếng súng nào. Những chiếc máy bay lượn tít trên cao cũng không bắn phá.

Đến 17h, Việt Minh đã lại nã pháo chuẩn bị vào cứ điểm Gabrielle đặt trên đồi Độc Lập như đã bắn phá Béatrice ở Him Lam ngày hôm trước. Từ vị trí chỉ huy đặt trong hầm có mái đắp đất dày tới 1m trên những thân cây lớn, thiếu tá Mecquenem tỏ vẻ tin tưởng sẽ chịu đựng được trận bắn phá.

Ông đang chán ngán cuộc chiến tranh và xứ sở này, đang căm ghét cái khí hậu nóng ẩm, cái gió bụi. Chỉ còn hai hoặc ba ngày nữa thôi ông sẽ được rời khỏi đây, được trở về Pháp bằng phương tiện nhanh nhất. Người thay thế ông là thiếu tá Kah cũng đã bay thẳng từ Pháp tới Điện Biên Phủ, đã có mặt tại đây và đang ngồi cùng với ông trong cứ điểm này.

Từ tám ngày hôm nay, thiếu tá chỉ huy đã theo dõi sát từng giờ những động tác đào hào của Việt Minh ngày càng sát gần những vị trí phòng ngự của ông. Đêm hôm trước, ông cũng đã theo dõi trận đánh tại Béatrice ở Him Lam. Ông đã dự đoán, đêm hôm sau sẽ đến lượt Gabrielle của ông bị tiến công.

***

Gabrielle là một cứ điểm cách trung tâm 4km về phía Bắc nhưng là một vị trí được chọn lọc và mạnh. Cứ điểm được xây dựng trên đỉnh một điểm cao trơ trọi (vì vậy gọi là đồi Độc Lập), sườn rất dốc nhất là ở mặt Bắc.

Những gì còn lại của quân Pháp sau khi bị một trận pháo kích
 Những gì còn lại của quân Pháp sau khi bị một trận pháo kích

Cây cối trên cao điểm đã bị chặt hết để dùng làm vật liệu xây hầm và lô cốt, tất cả đều vững chắc. Tiểu đoàn phòng ngự được bố trí trên đỉnh cao, tất cả các sườn dốc đều có lưới lửa quét sát đất. Thiếu tá Mecquenem không có lý do gì để lo ngại.

Từ tối hôm đó, pháo Việt Minh đã bắn phá liên tục Gabrielle trong suốt chín tiếng. Đại đội 4 bố trí ở mặt Đông Bắc cứ điểm bị pháo bắn nhiều nhất. Đến 10h tối, một quả đạn đã rơi trúng hầm chỉ huy của trung úy đại đội trưởng Moreau làm trung úy chết ngay tại chỗ.

Những đơn vị đi đầu của Việt Minh đã bám chân ở mặt Bắc cứ điểm giữa vị trí của đại đội 1 và đại đội 4. Đến 3h sáng Việt Minh ngừng bắn pháo.

Mecquenem tranh thủ thời gian củng cố công sự và tiếp tế đạn cho các đại đội. Đến 4h các trung đoàn của sư đoàn 308 bắt đầu xung phong đánh chiếm cứ điểm từ các mặt phía bắc và phía đông.

 Khoảng 4h30, Gabrielle gọi điện báo cáo với sở chỉ huy của Castries:

 - Cuộc tiến công có vẻ như đang yếu dần. Các vị trí của ta nhìn chung vẫn còn nguyên vẹn trừ khoảng giữa đại đội 1 và đại đội 4 có một đơn vị nhỏ đối phương  đang chiếm giữ.  

Chỉ vài phút sau, hầm chỉ huy của Gabrielle được coi là một vị trí vững chắc nhất đáng làm khuôn mẫu cho toàn cứ điểm bị pháo Việt Minh bắn sập. Một quả đạn pháo đã xuyên qua nóc hầm rơi đúng giữa ban chỉ huy rồi phát nổ.

Thiếu tá Kah bị đứt lìa một chân. Mecquenem và các sĩ quan khác may mắn thoát chết. Sau khi được đại úy Gendre chỉ huy đại đội 3 báo cáo, Castries ra lệnh cho Langlais và Pazzis tổ chức phản kích. 

Khi ba chiếc xe tăng dẫn đầu tiến ngang qua cứ điểm Anne Marie thì đã 6h sáng. Những đại đội thuộc tiểu đoàn dù số 5 người Việt do thiếu tá Bottela chỉ huy tiến theo vết xích của xe tăng.

Gabrielle chỉ còn cách họ có 1200m. Chợt những quả đạn từ 24 khẩu pháo 105 của Việt Minh rơi xuống đầu đoàn quân đang kéo đi phản kích. Tiểu đoàn dù số 5 nằm như bị đóng đinh trên mặt đất. Thiếu tá Bottela bị thương nhẹ ở chân, nhảy tập tễnh từ chỗ này đến chỗ nọ, quát mắng ầm ĩ, lấy gậy vụt cả vào người đám lính đang nằm run cầm cập.

Martin thúc đại đội dù lê dương từ phía sau vọt lên, bám sát những chiếc xe tăng mở đường. Lúc này, một tiểu đoàn Việt Minh đã đóng giữ Bản Khe Phai và cao điểm 477 như đóng nút cổ chai. Các xe tăng bắn pháo mở đường tiến. Đoàn quân nhích dần lên tới cách Gabrielle khoảng 400m thì lại bị chặn. Lúc này là đúng 7h15.

Cuộc chiến đấu trên cứ điểm Gabrielle vẫn đang tiếp diễn. Việt Minh đang tiếp tục đánh chiếm các lô cốt cố thủ. Thêm một tiểu đoàn Việt Minh vừa chiếm lĩnh được sườn phía đông cứ điểm. Vài giờ sau, Gabrielle hoàn toàn bị Việt Minh chiếm đóng đoàn quân phản kích cũng chấm dứt nhiệm vụ, không giành lại được cứ điểm và cũng không yểm trợ được cho lực lượng còn lại.

Đến 11h chiếc xe tăng cuối cùng trong đoàn quân cứu viện không thành mới quay trở về được khu Trung tâm cùng với bốn sĩ quan và 140 lính còn sống sót thuộc tiểu đoàn bộ binh thuộc địa Angiêri, đúng vào lúc một bầu không khí tang tóc nặng trĩu trong sở chỉ huy trung tâm.

Trung tá Piroth, chỉ huy cụm pháo binh vừa mới tự sát bằng lựu đạn trong hầm. Xác của ông được mang về đây, đặt bên cạnh những chiếc áo quan vừa mới nhập thi hài, đó là Gaucher và các phó chỉ huy của ông.

Một đội lính lê dương lập hàng rào danh dự với nét mặt buồn thảm của những người đứng canh lễ tang. Thiếu tá, bác sĩ Grauwin, cởi trần trùng trục, người ướt đẫm mồ hôi tới gặp đại tá chỉ huy trưởng Castries báo cáo: Lính bị thương nằm rải rác trong các hầm nhưng không còn máu để truyền nữa.

(Còn tiếp)

Đọc thêm