Bởi mỗi bước chân chúng ta qua đều có dấu ấn của bàn tay, khối óc con người Việt Nam, là sự vượt qua khó khăn khắc nghiệtđể làm nên hình dáng những cung đường, nối từ thành phố đến nông thôn, gắn kết với vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh.
Nhìn lên cung đường Hạnh Phúc ở Hà Giang, nối từ thành phố Hà Giang xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn sẽ thấy phía sau con đường kỳ vĩ ấy, mỗi đoạn đều thấm mồ hôi, công lao, hy sinh của biết bao thanh niên xung phong từ những năm 50-60 của thế kỷ trước. Cứ theo cung đường từ Nậm Pồ đến huyện Mường Nhé và kéo ra cực tây A Pa Chải (Điện Biên) sẽ thấy bao nhiêu sức người chinh phục đồi núi, vực sâu để làm nên công trình đường dài gần 200 cây số.
Ngày xưa, để đi qua cung đường này ngày xưa chủ yếu phải dùng ngựa hoặc đi bộ, mà hôm nay ô tô có thể đến được trụ sở tất cả các xã. Có đường là có điện, có ánh sáng của sự phát triển. Ngã ba biên giới A Pa Chải nhờ thếtrở nên no ấm và đẹp hơn. Khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp cũng được biết đến nhiều, thuận tiện cho các chiến sĩ biên phòngbảo vệ biên cương, bờ cõi.
|
Lực lượng Biên phòng tuần tra biên giới Việt - Lào. |
Người chỉ huy Đồn biên phòng A Pa Chải hôm ấy đã dẫn tôi lên Cột mốc số 0 - A Pa Chải, là điểm ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Đứng ở nơi đây nhìn ra bốn bề, và thân thương hướng về đất Mẹ, trong bời bời mây núi, càng thấy yêu quê hương biết bao nhiêu.
Chẳng ít lần tôi đã trở về Điện Biên Phủ thăm lại những di tích lịch sử, nơi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, để tự hào về cha ông mình với truyền thống và văn hóa đánh giặc ngoại xâm. Tôi cũng từng đi lại con đường Tây Tiến trong thơ Quang Dũng, qua con đường Tây Tiến thật ngoài đời cũng “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, và cảm nhận vùng đất hoang liêu của một thời gian khó mà thế hệ cha ông đã trải qua. Tôi cũng đã đi thăm con đường tải gạo từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ.
Dù không thể đầy đủ và có nơi bị đứt đoạn, bởi đường hôm nay đã khác xưa, làng bản mọc lên, nhưng cũng để để cảm nhận không khí của thời quân và dân ta cùng đồng lòng hướng ra tiền tuyến, tạo nên sức mạnh quật khởi. Mỗi người từng rất trẻ, với tinh thần và trách nhiệm, tự nguyện tải lương thực, đạn dược từ hậu phương ra tiền tuyến bằng sức người. Đường đi gian khó vô cùng và hiểm nguy chực chờ, nhưng những trái tim trẻ vẫn không từ nan, dấn thân và quyết tâm vì một ngày chiến thắng.
|
Bộ đội biên phòng giúp dân gặt lúa. |
Nơi biên giới, những cung đường xa xôi nhưng vẫn là máu thịt của đất nước đã gây biết bao nỗi xúc động, đã chưng cất thành thơ thành nhạc. Bao bài hát vang lên, lời thơ du dương. Như khi ở đầu nguồn, nơi sông Hồng chảy vào đất Việt (xã A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai), lòng bồi hồi cất lên bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” do nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ Dương Soái. Bài hát tràn chảy nỗi nhớ hậu phương: “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở nơi ấy mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ…”.
Trong mạch chảy thao thiết của bài hát tôi chợt nhớ những hành trình về nguồn, những chuyến thiện nguyện về với vùng sông sâu núi thẳm của những thanh niên không chỉ sống cho mình mà biết chung tay vì cộng đồng. Họ đã đến và gửi lại một ấn tượng đẹp. Đó không chỉ là những món quà, những công trình phúc lợi xã hội, mà còn là tình người.
Lạ lắm. Biên cương luôn gợi xúc động. Biên cương là điểm đến của nhiều bạn trẻ và họ luôn chọn những nơi ấy để thử cảm giác mình, biết thêm đất nước ta tươi đẹp đáng yêu nhường nào. Phong cảnh hữu tình con người hòa nhã.Họ sẵn sàng lên đường, vừa trải nghiệm vừa thiện nguyện.Điều đó cũng thôi thúc chúng ta. Không chỉ xách ba lô lên và đi, mà mang cả tấm lòng sẻ chia, nghĩ về nơi ta sẽ đến, đưa tay ra với em nhỏ thiệt thòi, những mái ấm còn thiếu thốn.
Từ một điểm cao, một đồn biên phòng hay một cột mốc, ta đều có thể xúc động và tự hào để nghĩ thêm về những cung đường khác. Rồi có lúc nhớ đến đôi mắt thiếu nữ, e ấp nhưng đã làm sáng vùng biên cương. Những thiếu nữ ấy rồi sẽ làm vợ, làm mẹ, sinh ra những đứa con để các em tiếp nối truyền thống là những cột mốc sống, canh giữ miền biên cương.