Chiều thứ sáu tuần trước, bỗng dưng cô ta bị đau bụng nên nhờ anh đưa vào Bệnh viện phụ sản khám. Anh cũng thoáng lăn tăn nhưng nghĩ đó chỉ là đồng nghiệp giúp đỡ nhau, vả lại mình “cây ngay không sợ chết đứng” nên lập tức chở cô ta đến viện. Ai ngờ đúng lúc anh dìu cô ta vào phòng khám thì “đứng hình” khi gặp vợ anh cũng tình cờ đến thăm gái đẻ.
Về nhà, vợ anh yêu cầu phải giải trình cặn kẽ sự việc. Dù anh thanh minh việc làm của mình hoàn toàn vô tư, rằng đó chỉ là việc vạn bất đắc dĩ nhưng vợ anh vẫn căn vặn, suy diễn đủ điều: Tại sao không phải người khác mà lại là anh dìu cái cô bỏ chồng đó vào viện sản? Cô ta vào viện làm gì, hay để giải quyết hậu quả của hai người? Chả lẽ cô ta không có anh em, bạn bè nào thân thiết hay sao mà phải nhờ đồng nghiệp đàn ông? Chắc chắn anh phải có quan hệ khó nói với cô ta, hoặc phải là người có trách nhiệm, hoặc có liên quan thì mới phải làm thế?
Vợ anh còn suy diễn nhiều câu khó nghe và đẩy sự việc đi quá đà. Chị nhà còn dọa, nếu còn để những sự việc “nhạy cảm” tương tự tái diễn lần nữa, chị nhà sẽ sang cơ quan bên đó báo cáo lãnh đạo và công đoàn can thiệp khiến anh toát mồ hôi hột. Anh chỉ còn thiếu nước van xin vợ anh mới chịu tin. Ấm ức vì bị oan nhưng vì “tình ngay, lý gian” nên anh đành nuốt cục tức để giữ cho yên ấm cửa nhà.
Nhưng vì vẫn ức với vợ hay ghen bóng ghen gió, suy diễn lung tung nên anh gọi điện chia sẻ với chuyên gia tâm lý để xin một lời khuyên. Chia sẻ với nỗi oan của anh nhưng chuyên gia tâm lý lại cho rằng trong tình huống này khó có thể trách cứ người vợ của anh được. Mối nghi ngờ, trách cứ của chị nhà không phải không có cơ sở, nhất là “đối tượng tình nghi” ở đây là một phụ nữ tự do, đã ly dị chồng - hoàn toàn có thể là một mối nguy cơ đe dọa hạnh phúc gia đình của chị nhà.
Rất mừng là quan hệ giữa anh với cô ta là trong sáng, vô tư, không có gì khuất tất đáng phải hổ thẹn nhưng anh hãy thận trọng hơn, giữ quan hệ đúng mực hơn nữa với cô ta. Có thể cô đồng nghiệp kia quá vô tư hoặc sự việc do vạn bất đắc dĩ mới phải nhờ đến anh, và có lẽ anh cũng vô tư giúp đỡ nên không lường trước được chuyện “củi lửa” lại xảy ra với tổ ấm của mình.
Theo nhà tâm lý, trong tình huống này thay vì lẳng lặng giúp đỡ cô ta, nếu như anh bình tĩnh báo cho anh em, bạn bè cô ấy biết hoặc chia sẻ sự việc với một đồng nghiệp nữ thì có lẽ vợ anh cũng chẳng thể nghi ngờ, ghen tuông trong trường hợp này được.
Đành rằng anh với cô ấy quý mến thân thiết vì là anh em đồng nghiệp trong phòng, thậm chí trước đây thân quý đến mức suồng sã nhưng giờ đây hoàn cảnh cô ấy đơn thân mình phải điều chỉnh cách ứng xử đúng mực cho phù hợp. Việc ứng xử thận trọng, đúng mực, phù hợp không chỉ là cách anh gìn giữ hạnh phúc cho riêng mình mà cũng là giữ cho cô ấy khỏi mang tiếng oan ảnh hưởng đến cơ hội tìm kiếm hạnh phúc sau này. Hy vọng rằng thái độ đúng mực của anh sẽ khiến cô đồng nghiệp “vô tư” kia hiểu ra để có hướng điều chỉnh cách ứng xử phù hợp.