Điều đáng nói là việc xử phạt này rất hiếm hoi, trong khi đó ở góc độ pháp luật, Nghị định số 62/2001/NĐ-CP, sau đó là Nghị định số 105/2012/NĐ-CP thay thế luôn có quy định về việc trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng, không rắc vàng mã hoặc các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ, không đốt vàng mã tại nơi an táng..
Chết người vì nhặt tiền… đám ma
Cách đây vài năm, một thành viên có tên Quangminhpro đã chia sẻ trên một diễn đàn ô tô xe máy thông tin về vụ tai nạn đau lòng ở Hà Nội được anh tận mắt chứng kiến. Theo đó, ở Hà Nam, sau khi xe tang đi qua và rải tiền 5.000 đồng, ba bé chừng 10-12 tuổi lao ra đường để nhặt. Không may, chiếc xe chở vật liệu xây dựng cuốn một bé vào gầm dẫn đến tử vong.
Sự việc đau lòng ấy chưa dừng lại, trên quốc lộ 39 từ TP Thái Bình đi huyện Tiền Hải, nhiều người đi đường không khỏi xót xa khi một cháu bé bị cuốn vào gầm xe ben chỉ vì mải nhặt tờ 5.000đ tiền rải từ đám ma vừa đi qua.
Không chỉ trẻ con, mà ngay cả người lớn cũng lao ra đường bất chấp các phương tiện đang lưu thông để nhặt tiền. Trên quốc lộ 5, đoạn qua phường Ái Quốc, TP Hải Dương xảy ra vụ tai nạn giữa xe tải và xe container khiến hai người bị thương nặng. Nhiều người dân đang lưu thông qua đoạn đường xảy ra vụ tai nạn thấy đầu xe hư hỏng nặng tưởng có người tử vong đã ném tiền xuống đường.
Thấy tiền rơi, một số người dân đã lao ra đường khiến nhiều phương tiện giao thông hốt hoảng bẻ lái tránh những người nhặt tiền. Người dân tranh nhau nhặt tiền, ngáng trở giao thông khiến đoạn đường này bị tắc.
Việc thả tiền ở đám tang hay những nơi xảy ra tai nạn có người chết đôi khi lại tạo “nghiệp” vì gây họa cho người khác. Đó là chưa kể, đồng tiền Việt Nam là một trong những biểu tượng của quốc gia. Vậy mà, rất nhiều đám ma, đồng tiền bị tung, bị ném để rồi biểu tượng quốc gia bị giày xéo, dẫm đạp của nhiều người và các phương tiện giao thông hay lăn lóc ở dưới cống rãnh, đống rác.
Trong khi đó, ở góc độ pháp luật tiền tệ, Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ tiền Việt Nam nghiêm cấm hủy hoại đồng tiền bằng bất kỳ hình thức nào.
Cần ký kết không rải vàng mã, tiền thật trên đường
Ngày 11/10/2018, người dân đã gửi hình ảnh phản ánh về Phòng VH-TT TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) về việc có một đám hiếu trên địa bàn phường 3 do cơ sở dịch vụ mai táng L.L làm dịch vụ đã rải rất nhiều giấy tiền vàng mã trên đường. Khi có gió, những tiền vàng bay tấp vào mặt người đi đường, ảnh hưởng giao thông.
Sau khi nhận được thông tin, Phòng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng mời đại diện cơ sở dịch vụ mai táng L.L lên làm việc. Căn cứ quy định pháp luật (Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), hành vi vi phạm của cơ sở dịch vụ mai táng bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng do vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Trên cơ sở đó, Phòng VH-TT đề xuất xử phạt cơ sở dịch vụ mai táng L.L 6 triệu đồng.
Mới đây, tại tọa đàm nhằm bàn những giải pháp “nói không với hành vi đốt, rải vàng mã”, chung tay xây dựng một TP văn minh và an toàn trong việc tang, lễ hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức, thu hút sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể và cơ sở tôn giáo, phật tử, TS Vũ Thế Khanh cho rằng, ngày xưa không hề có chuyện rải tiền thật trong đám tang.
Mãi về sau này, một số người nhiều tiền mới làm ra việc này rồi có người học theo và lầm tưởng đó là phong tục tập quán. Mong muốn những điều tốt đẹp hơn cho người đã khuất của nhiều người là hoàn toàn chính đáng, nhưng mọi người không biết rằng, việc rải tiền là việc không nên làm. Nó không chỉ gây lãng phí mà còn khiến người đi đường gặp nguy hiểm, gây mất mỹ quan đô thị.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo - Trường Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia TP HCM) Dương Hoàng Lộc gợi ý, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn người dân thay vì rải tiền thật hay đốt vàng mã trong tang ma thì hãy sử dụng số tiền đó vào việc giúp đỡ cho hộ nghèo, những mảnh đời bất hạnh để biến đau thương thành việc làm có đức, mang ý nghĩa thiết thực cho xã hội, cộng đồng và với cả bản thân gia đình.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đề xuất cơ quan chức năng cần tổ chức buổi ký kết không rải vàng mã, tiền thật trên đường cho các cơ sở dịch vụ tang lễ. Theo cam kết nói trên, các cơ sở dịch vụ tang lễ có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu gia đình người có tang không được rải tiền, giấy vàng mã, tiền thật hoặc bất cứ vật gì khác trên đường đưa tang. Khi dừng lại để cúng đường phải dọn dẹp sạch sẽ nhằm thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị...
Nếu cơ sở nào để xảy ra việc rải giấy tiền, vàng mã, tiền thật... cũng như xả rác gây ô nhiễm tại nơi dừng cúng đường sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cố tình tái phạm, cơ quan chức năng có thể thu hồi giấy phép hoạt động.