Tại sao cứ mưa lớn phố phường cả nước lại thành 'sông'?

(PLO) - Tốc độ đô thị hóa với quy hoạch đô thị theo kiểu “nay thay mai đổi” đã hình thành nên nhiều khu dân cư không theo quy hoạch. Cùng với đó là các dự án thoát nước được triển khai ì ạch, không hiệu quả khiến người dân vẫn phải thường trực nỗi lo “phố thành sông” mỗi khi vào mùa mưa.
Hà Nội sẽ hết ngập với những dự án chống ngập có kinh phí hàng nghìn tỷ đồng?
Hà Nội sẽ hết ngập với những dự án chống ngập có kinh phí hàng nghìn tỷ đồng?

Những năm gần đây, việc đầu tư vào hệ thống thoát nước đô thị được cải thiện đáng kể. Đến nay, hầu hết các thành phố (TP), thị xã đều có các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo mở rộng hệ thống cấp thoát nước. Một số dự án đã và đang được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh,... 

Nhưng tốc độ tăng dân số cơ học đã tạo thành sức ép không nhỏ cho hệ thống thoát nước ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM dù các TP này nằm trong danh sách các đô thị có hệ thống thoát nước tốt nhất.

Cả nước đều bị ngập úng cục bộ trong mùa mưa 

Theo số liệu từ  báo cáo của các công ty thoát nước và công ty môi trường đô thị, tất cả các TP, thị xã của cả nước đều bị ngập úng cục bộ trong mùa mưa với thời gian từ 2 giờ đến 2 ngày, độ ngập sâu lớn nhất là 1m. Ngoài các điểm ngập do mưa, tại một số đô thị còn có tình trạng ngập cục bộ do nước thải sinh hoạt và công nghiệp.

Ngập úng gây ra tình trạng ách tắc giao thông, nhiều cơ sở sản xuất dịch vụ ngừng hoạt động, du lịch bị ngừng trệ, hàng hoá không thể lưu thông. Hàng năm thiệt hại do ngập úng theo tính toán sơ bộ lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Nhìn ở Hà Nội, nghịch lý trong thoát nước là không chỉ ở các tuyến phố cũ, khu dân cư cũ (trừ khu vực 36 phố phường) mà ngay cả ở các tuyến phố mới mở, khu đô thị mới thì khả năng thoát nước cũng… kém như nhau. Mỗi lần có những trận mưa lớn là các tuyến phố ở khu vực Mỹ Đình, Trung Hòa, Nhân Chính, Thái Hà, Chùa Bộc, Vũ Trọng Phụng, Phạm Ngọc Thạch… lại ngập cục bộ trong một đến vài giờ đồng hồ vì lượng nước thoát quá chậm.

Sau 5 ngày nắng nóng kỷ lục đầu tháng 6 mới đây, Hà Nội đón “cơn mưa vàng” với việc một số tuyến phố thuộc các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông lập tức ngập từ 0,1 m đến 0,3 m.

Còn TP HCM, từ nhiều năm nay, người dân phải sống chung với tình trạng ngập do mưa và triều cường. Mới đây, cơn mưa lớn rạng sáng 2/6 khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm Sài Gòn ngập nặng.

Trong nhiều năm qua TP HCM đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác chống ngập nhưng vừa xóa được nhiều điểm ngập ở nội thành, thì điểm ngập lại có xu hướng xuất hiện ở khu vực ngoại thành, chứ TP chưa “xử lý” được tình trạng ngập. 

Theo lý giải của chính quyền TP HCM, hạ tầng xã hội của TP, trong đó có hệ thống thoát nước, chỉ đáp ứng được 1/5 dân số, nhưng tình trạng biến đổi khí hậu khiến lượng mưa ngày càng lớn và đỉnh triều trên sông ngày càng cao khiến hệ thống thoát nước của TP “bất lực”.

Tuy nhiên, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) chỉ ra nguyên nhân chính khiến TP HCM ngập ngày càng nặng là do quá trình đô thị hóa, bê tông hóa thiếu kiểm soát, san lấp kênh rạch nhưng công trình thoát nước chỉ được đầu tư nhỏ giọt, chưa đến 10% yêu cầu chống ngập theo tốc độ phát triển của TP. 

Tiền tỷ đổ vào… dòng nước

Hệ thống thoát nước ở các đô thị đa số là hệ thống thoát nước chung, có tuổi thọ cả thế kỷ, chủ yếu để thoát nước mưa, ít khi được sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng nên đã xuống cấp nhiều nên chỉ phục vụ khoảng 60% nhu cầu thoát nước của đô thị. 

Ở một số địa bàn mới được đô thị hóa, hệ thống thoát nước mưa lại chủ yếu là kênh, mương tưới tiêu nông nghiệp cũ, chưa có công trình đầu mối thoát nước và không đáp ứng được yêu cầu thoát nước của khu vực, dẫn đến tình trạng úng ngập nghiêm trọng.

Trong khi đó, việc xây dựng bổ sung được thực hiện một cách chắp vá, không theo quy hoạch lâu dài do chưa có quy hoạch về cấp thoát nước đô thị, cũng như chưa có sự phối hợp đồng bộ các công trình hạ tầng đô thị, nên dù chính quyền các TP đã rót cả tỷ USD đầu tư thì hệ thống thoát nước cũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị.

Khắc phục tình trạng cứ mưa là ngập ở các đô thị, nhất là các TP lớn, cần giải pháp đồng bộ từ khía cạnh pháp lý, quản lý nhà nước tới quy hoạch và cải tạo hệ thống. Song song với việc triển khai các dự án thoát nước, chống ngập theo đúng quy hoạch, tiến độ, đảm bảo chất lượng, chính quyền các địa phương cần chú ý khắc phục những nguyên nhân “gốc” gây ngập, xuất phát từ chính các hoạt động và hành vi của con người. 

Trước mắt cần chống lấn chiếm, xả rác thải để duy trì diện tích ao, hồ, hệ thống thoát nước (cống, mương, rãnh…) khai thông dòng chảy để khai thác tối đa, lợi thế của sông, hồ trong việc trữ nước, thoát nước mỗi khi mưa lớn; bổ sung tính năng giám sát các cửa đập điều tiết, các trạm bơm...

Đặc biệt, chính quyền các đô thị phải chú trọng thực hiện quy hoạch về hệ thống thoát nước, đảm bảo các đô thị mới có diện tích hồ điều hòa, hệ thống cống tương ứng với mật độ dân số, không để hệ thống thoát nước “tí hon” phải phục vụ lượng nước “khổng lồ” từ sinh hoạt, sản xuất của người dân và nước mưa như hiện nay.

Nhưng trong khi chờ các dự án chống ngập, thoát nước hoàn thành, người dân Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh, TP khác ở những điểm ngập còn lại sẽ vẫn phải... “sống chung với ngập nước” cùng những thiệt hại hữu hình và vô hình trong đời sống. 

Cuối tháng 6,  ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty MTV Thoát nước Hà Nội thông tin, Công ty đang nghiên cứu giải quyết bằng hầm điều tiết nhân tạo đối với 4 điểm ngập úng cố hữu khu vực ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hoả, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát. Theo đó, khi mưa ngập sẽ đưa nước về hầm sau đó điều tiết bằng hạ nguồn nước hoặc bơm tự động. Lượng nước này sẽ dùng để tưới cây hoặc dùng cho cứu hỏa. 

Dự kiến, hầm điều tiết có dung tích khoảng 2.000m3, đáp ứng được chứa nước và thoát nước khi lượng mưa 70mm/h. Dự tính kinh phí xây dựng vào khoảng 25 tỷ đồng và có thể rẻ hơn nếu nội địa hóa được. Đồng thời, Hà Nội sẽ thực hiện Số hóa hệ thống thoát nước để xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng, phát triển các công trình ngầm của TP; giúp nâng cao công tác quản lý, điều hành sản xuất và giải quyết thoát nước một cách hiệu quả nhất.

Tại hội nghị sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 của TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP cho biết, đến năm 2020, TP sẽ hoàn thành chỉ tiêu giải quyết ngập do mưa và do triều. 

Đọc thêm