Tại sao youtuber “rác”… thành “sao”?

(PLVN) - Có thể nói, kiếm tiền từ Youtube đang có sức hấp dẫn ghê gớm với không chỉ các bạn trẻ. Một số Youtuber Việt có thu nhập từ vài tỷ đồng đến cả chục tỷ đồng/năm nhờ “cày view” cho Youtube. Để tăng view, kiếm nhiều tiền, không ít người bất chấp làm nhảm…
Một clip phản cảm của Thơ Nguyễn.

Từ vài trăm đến hàng trăm tỷ/năm

Mạng Internet ngày càng phát triển, smartphone lại càng không còn xa lạ, để làm ra một clip sau đó chia sẻ lên mạng xã hội ngày càng dễ dàng. Trào lưu này đã có từ khá lâu ở nước ngoài, tuy nhiên chỉ mới du nhập về Việt Nam đã được đón nhận mạnh mẽ. Đặc biệt, khi mà Youtube, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới, trả tiền cho các nhà làm video thông qua các quảng cáo hiển thị trên video chia sẻ lên Youtube, càng khiến nhiều người tự thực hiện để kiếm thêm thu nhập.

Bên cạnh những video được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh, âm thanh và nội dung thì vẫn có những sản phẩm có nội dung nhảm nhí, thậm chí điên rồ và đặc biệt nguy hiểm với trẻ em. Các video này được đăng tải trên Youtube với mục đích gợi trí tò mò của người xem và thu hút càng nhiều lượt xem càng tốt. 

Một số kênh đã lợi dụng, lồng ghép các cảnh hở hang, nội dung kỳ lạ, hướng dẫn các bé làm những việc điên rồ như thắt cổ mà vẫn thở, hay cách nuốt các đồ vật mà không sao. Các clip này được gắn từ khoá, gợi ý hết sức chuyên nghiệp, chính vì thế chúng đạt được lượt người xem khổng lồ.

Những ngày gần đây, Youtuber Thơ Nguyễn đã bị chỉ trích dữ dội về đoạn clip cho búp bê giống Kuman Thong uống nước ngọt để “xin vía học giỏi”. Sau buổi làm việc với cơ quan chức năng chiều 15/3, đến tối cùng ngày, phía Thơ Nguyễn đăng tải clip “Tạm biệt” lên kênh YouTube 8,7 triệu theo dõi của mình. Chiều 16/3, Thơ Nguyễn bị công bố phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Như vậy, với mức phạt hành chính hiện nay, không thấm vào đâu so với thu nhập khủng từ Youtube…

Thơ Nguyễn tên thật N.T.H.T (sinh năm 1992), được biết đến là một YouTuber hiện đang sống và làm việc tại Bình Dương, có 3 kênh thông tin trên mạng, gồm kênh YouTube Thơ Nguyễn với 8,7 triệu lượt người theo dõi, TikTok Thơ Nguyễn với 900.000 lượt theo dõi và Fanpage Thơ Nguyễn 400.000 lượt follow.

Kênh Youtube Thơ Nguyễn ra đời 5 năm và hiện có lượng đăng ký lên tới gần 9 triệu người. Đây là 1 trong 5 kênh Youtube khủng nhất tại Việt Nam. Mỗi video của youtuber này luôn rất đa dạng, giọng nói cũng được biến hóa để thu hút người xem. Bởi vậy, thu nhập của Thơ Nguyễn từ nghề Youtuber không nhỏ (khoảng 263.000 - 4,2 triệu USD/năm, tương đương 6,1 - 97,4 tỷ đồng/năm). 

Cùng với đó là hàng loạt các “hiện tượng mạng” như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc, Vĩnh Vớ Vẩn, Long Du Bai, Hữu Bộ, Võ Ngọc Duy Troll, Tam Mao TV, Thanh Lương Vlog, Huỳnh Tấn Trường official, Prank HD, NTN Vlogs hay “đế chế vlog” của gia đình bà Tân (Bà Tân vlog, Hưng Vlog, Hậu Troll…).

Các kênh do các cá nhân này tạo ra đều có lượng người theo dõi lớn, như Ngô Bá Khá - tức Khá Bảnh, có 4 kênh Youtube với hơn 2 triệu người theo dõi; Nguyễn Văn Hưng sở hữu 3 kênh YouTube Hưng Vlog, Hưng Gamer và Hưng Troll, trong đó, kênh Hưng Vlog hiện đang có 2,92 triệu lượt người theo dõi, 533 triệu lượt xem…

“Thánh chửi” Dương Minh Tuyền khoe mỗi tháng kiếm hơn 180 triệu đồng từ tiền ăn chia quảng cáo với YouTube. Phần lớn các video của Dương Minh Tuyền có nội dung bạo lực, nói về đời sống giang hồ.

Với “1.000 người đăng ký” và “4.000 giờ xem công khai hợp lệ” là hai trong năm điều kiện mà YouTube đưa ra cho các chủ kênh muốn bật tính năng kiếm tiền, bên cạnh các điều kiện như tuân thủ chính sách, có tài khoản AdSense, hay sống ở quốc gia mà chương trình YouTube Partner hoạt động.

Do đó, cùng với bất chấp làm clip nhảm “câu view”, còn có dịch vụ… tăng view. Giá dịch vụ dao động từ vài trăm nghìn đến trên một triệu đồng. Trung bình, người thuê cần bỏ ra khoảng 300 đến 350 nghìn đồng để đạt được mốc 1.000 lượt đăng ký kênh, thêm 650 đến 700 nghìn đồng để đạt 4.000 giờ xem trên kênh. Các đơn vị cung cấp cũng cam kết “bảo hành”, tức là đảm bảo kênh có thể trở thành đối tác YouTube và được bật kiếm tiền, hoặc ít nhất các chỉ số trên không bị giảm khi bị YouTube “quét”.

Và đau lòng những đám đông tung hô “sao”… “rác”

Thế nên, bất chấp các chuẩn mực đạo đức, càng độc, càng lạ, càng “quái”, càng “ngược đời” thì càng đông người xem và theo dõi, ủng hộ, dường như đã trở thành tôn chỉ để sản xuất các video phản cảm. Nhảm nhí, bạo lực, phản cảm, những video này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức văn hóa, thuần phong mỹ tục, nét đẹp truyền thống của xã hội Việt Nam.

“Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi...”, “Trộm gà nhà em hàng xóm, nướng siêu cay, mời em hàng xóm thưởng thức...”, “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”…

 Luật pháp dù có chặt chẽ đến đâu nhưng nếu ý thức của một bộ phận người trẻ còn cổ súy thì “rác” trên mạng khó có hồi kết. (Ảnh minh họa).

Trở lại clip Thơ Nguyễn khiến phụ huynh và dư luận “dậy sóng”, nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ: Coi việc học giỏi không phải do nỗ lực của bản thân mà do một búp bê phù hộ. Đáng sợ là con búp bê ấy gợi nhắc đến Kuman Thong - một thứ bùa chú rợn người mà trong showbiz vẫn lan truyền và là một chủ đề tiêu cực trong suốt nhiều năm nay.

Không phẫn nộ sao được khi mà hàng triệu đứa trẻ đang bị khơi gợi những câu chuyện lệch lạc như vậy? Dù không gây ra ảnh hưởng trực tiếp nhưng nếu ta không nhanh chóng phát hiện, những tư tưởng và ý niệm đó có thể âm thầm len lỏi và được nuôi dưỡng trong tâm hồn con trẻ của chúng ta. Sẽ chẳng một người làm cha mẹ nào có thể làm ngơ.

Đa phần clip của Thơ Nguyễn chỉ giục lũ trẻ xin tiền cha mẹ mua đồ chơi và cuốn hút chúng bằng màu sắc bắt mắt, rực rỡ từ những món đồ xanh, đỏ thời thượng. Nghe thì có vẻ vô hại. Lũ trẻ liệu có biết đâu là đùa? Đâu là thật? Hay chỉ biết rằng trong clip, chị Thơ Nguyễn đã “xin vía” học giỏi cho các con bằng một con búp bê? Liệu có khi bao đứa trẻ không muốn mất thời gian học hành mà chỉ nghĩ rằng “xin vía” búp bê là có thể học giỏi?

Một cô bé đã nói với con tôi: “Giá như mẹ mình như chị Thơ Nguyễn thì thích nhỉ? Tha hồ có đồ chơi, tha hồ có những trò vui. Mình sẽ được vào clip mẹ làm cho hàng triệu người xem. Mình sẽ nổi tiếng theo mẹ”. Trở lại với ước muốn có mẹ là Thơ Nguyễn của cô bé kia, chính điều đó khiến tôi giật mình. Bởi dường như lũ trẻ đang tìm đến chị Thơ Nguyễn vì những thứ chúng không tìm thấy ở bố mẹ chúng…

Đau lòng, vào trung tuần tháng 10/2020, một bé gái 5 tuổi tại TP Hồ Chí Minh đã tử vong khi bắt chước trò chơi treo cổ trên Youtube. “Nghiện” video xấu độc cũng khiến tâm lý người trẻ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, từ đó không tập trung học tập, kết quả giảm sút… 

Điều đáng nói, từ 2 năm trở lại đây, rất nhiều nhãn hàng lớn ở châu Âu đã từ chối quảng cáo với Google và Youtube vì họ không muốn nhãn hiệu của mình bị gắn vào các nội dung gây tranh cãi, những nội dung độc hại. Đó chính là một ý thức mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần học. Đó chính là cách học để chọn lựa một vị thế có văn hoá cho doanh nghiệp, cho nhãn hàng… trong mắt của cộng đồng.

Như vậy, rõ ràng môi trường dung dưỡng cho các nội dung “rác” kiểu như những “giang hồ 4.0” hiện nay là gì? Sẽ có thể có một kênh Youtube Khá Bảnh nổi tiếng hay không nếu không có một môi trường dung dưỡng nó, tức là cộng đồng xem, chia sẻ nó với sự khoái trá mà quên mất rằng thứ mình xem là thước đo văn hoá cá nhân của mình. Không thể có đối tượng nổi tiếng nếu như không có đám đông theo dõi đối tượng ấy, đó là quy luật muôn đời không chỉ tồn tại ở môi trường kỹ thuật số.

Và chúng ta nhìn thấy thực tế đau lòng rằng, đang tồn tại một thực trạng là văn hoá nền của đám đông người dùng mạng xã hội ở Việt Nam hôm nay chỉ đến vậy thôi sao? Những “giang hồ 4.0” trở thành “ngôi sao” cũng chỉ vì có đám đông tạo ra thứ “ngôi sao bệnh hoạn” như thế. Bởi thế, những người như Khá Bảnh đáng trách bao nhiêu, người theo dõi và hâm mộ những đối tượng ấy cũng đáng trách bấy nhiêu.

Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta có thể làm được gì để triệt tiêu môi trường dung dưỡng? Không chỉ phó mặc cho các cơ quan chức năng về văn hoá, thông tin mà ngay cả các cơ quan khác có liên quan cũng cần phải chung tay.

Đơn cử, nếu cơ quan thuế quyết không chấp nhận quyết toán chi phí quảng cáo online cho các nhãn hàng nếu không có chứng từ, bản kê chứng minh nội dung mà họ đính kèm quảng cáo là lành mạnh thì liệu có còn nhãn hàng nào chấp nhận “buông thả online” nữa hay không?... 

Như vậy, chỉ khi tất cả chúng ta đều quay lưng với các kênh youtube “bẩn”, các phụ huynh dành thời gian nhiều hơn bên con để định hướng, để biết con mình đang đối diện với điều gì? Chứ không phải là để con một mình trên không gian ảo, thì khi ấy, các kênh youtube nhảm nhí mới không còn đất sống…

Đọc thêm